Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển nền Đông y và Hội Đông y trong tình hình mới, Hội Đông y Phú Yên đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên để hội phát triển, tỉnh cần có chính sách phù hợp.
Thầy thuốc Hội Đông Y khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo ở xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) - Ảnh: K.MY
NƠI LÀM TỐT, NƠI LƠ LÀ
Theo lương y Võ Đào Ninh, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh, từ khi Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã có những văn bản triển khai và có những nhận thức tốt hơn về Hội Đông y nên nhiều huyện, thị xã đã có sự đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho hội và đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo cho các Hội Đông y hoạt động tốt như: TX Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đông Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa.
Hội đã đạt được những kết quả nhất định như: Xây dựng phát triển mạng lưới tổ chức hội, từ 93 tổ chức hội ở xã, phường năm 2008 lên 105 tổ chức hội năm 2013; thành lập được nhiều phòng chẩn trị phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phát triển thêm 36 phòng chẩn trị đông y cấp xã, nâng tổng số phòng hiện nay là 124; đẩy mạnh công tác kế thừa, bổ túc chuyên môn cho hội viên, tuyên truyền việc trồng và sử dụng thuốc nam. Trong 5 năm, có 164 bài thuốc, cây thuốc chữa bệnh được báo cáo qua các hội nghị. Đến nay, toàn hội đã trồng gần 19.500m2 dược liệu; có 32 trường học trồng thuốc nam với diện tích 3.060m2.
Hội có lực lượng lương y, lương dược có trình độ chuyên môn vững, có kinh nghiệm trong chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo được niềm tin trong nhân dân về hiệu quả khám, chữa bệnh bằng Đông y.
Thời gian qua, hội thường xuyên phát động phong trào thi đua, rèn luyện đạo đức người thầy thuốc, đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh nhân đạo cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Hội đã mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao trình độ cho hội viên, đẩy mạnh công tác kế thừa; hội thảo chuyên môn để hội viên trao đổi kinh nghiệm trong khám chữa bệnh. Cùng với đó, hội phối hợp với ngành Y tế xây dựng mạng lưới y học cổ truyền; kết hợp có hiệu quả giữa Đông y và Tây y ở tuyến cơ sở.
Tuy có nhiều chuyển biến sau khi có Chỉ thị 24 của Ban Bí thư, nhưng cũng còn một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, còn coi công tác Đông y là trách nhiệm của hội nên thiếu sự động viên, tạo điều kiện cần thiết cho hội hoạt động. Ở cấp tỉnh, hội chưa được quan tâm đúng mức; sự đầu tư kinh phí cho hội hạn chế nên rất khó để triển khai các hoạt động đạt kết quả tốt. Công tác tuyên truyền giáo dục ở một số cấp hội cơ sở chưa được thường xuyên nên nhiều hội viên còn xem nhẹ tổ chức hội.
CẦN SỰ HỖ TRỢ
“Để phát huy, phát triển nguồn lực Đông y trong thời gian tới tốt hơn, hội mong muốn Đảng, chính quyền bố trí ít nhất 2 biên chế cho hội đông y cấp huyện, thành phố để thực hiện tốt công tác phong trào và tổ chức phòng chẩn trị khám chữa bệnh cho nhân dân. Có chế độ phụ cấp tiền lương và kinh phí hoạt động cho cán bộ hội cấp xã vì lực lượng thầy thuốc Đông y tham gia khám chữa bệnh chủ yếu là ở xã, phường, thị trấn và đối tượng được chăm sóc sức khỏe ở tuyến xã phần lớn là người nông dân có thu nhập thấp. Vì vậy, tuyến xã cần có 1 cán bộ để quản lý và tổ chức các hoạt động của hội, đồng thời mở phòng khám chữa bệnh giảm, miễn phí cho các đối tượng chính sách và người nghèo”, lương y Võ Đào Ninh cho biết.
Bên cạnh đó, Hội Đông y đề nghị tỉnh đầu tư thêm kinh phí cho các cấp hội hoạt động; giải quyết 25% tiền công vụ cho hội có tính chất đặc thù. Do đặc điểm của nghề Đông y từ xưa đến nay mang tính gia truyền, nên hiện nay đội ngũ thầy thuốc Đông y được thừa kế, truyền nghề từ gia đình hoặc từ các lương y giỏi chiếm tỉ lệ khoảng 60% số hội viên của hội. Trong số đó, có nhiều người có trình độ chuyên môn giỏi, chữa bệnh hiệu quả, có uy tín trong nhân dân, nhưng không được tổ chức nào công nhận chuyên môn cho họ, vì vậy về nguyên tắc họ không được hành nghề. Nhưng trên thực tế, với sự tín nhiệm của nhân dân đến với họ để chữa bệnh và họ vẫn chữa bệnh cho dân mặc dù không có giấy phép hành nghề.
Lương y Võ Đào Ninh nói: “Để tập hợp, quản lý và phát huy đội ngũ thầy thuốc Đông y có chuyên môn giỏi để cùng chăm lo sức khỏe cho nhân dân, UBND tỉnh, Sở Y tế nên tổ chức các kỳ thi sát hạch lương y để chọn những thầy thuốc giỏi, đủ trình độ chuyên môn cấp bằng hoặc giấy chứng nhận để họ được đăng ký hành nghề phạm vi trong tỉnh”.
VŨ HOÀNG