Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và đang diễn biến phức tạp ở các địa phương trong tỉnh. Tại Bệnh viện Mắt tỉnh, hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt - Ảnh: T.HỘI
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bệnh nhân sau khi khám tại các phòng khám tư nhân, được bác sĩ kê toa thuốc điều trị, trong đó có thuốc tra mắt Tobrader (tác dụng chống nhiễm khuẩn mắt). Tuy nhiên, do nhu cầu cao nên hiện nay các nhà thuốc trên địa bàn TP Tuy Hòa không còn loại thuốc này để bán, khiến nhiều bệnh nhân lo lắng. Các nhà thuốc cho biết, loại thuốc này đã đứt hàng từ nhiều ngày qua. Tại Bệnh viện Mắt tỉnh, loại thuốc này cũng sắp “cạn kiệt”. Tuy nhiên, bác sĩ Hòa cho rằng thuốc Tobrader không phải là thuốc đặc trị và không phải trường hợp nào cũng được chỉ định sử dụng thuốc giống nhau, người dân không nên hoang mang.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Anh Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Mắt tỉnh) cho biết, bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh từ đầu tháng 9 đến nay. Bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân. Riêng trong 5 ngày qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 500 bệnh nhân. “Phú Yên chưa từng có đợt dịch đau mắt đỏ nào lây lan mạnh như năm nay, hầu như địa phương nào trong tỉnh cũng có người mắc bệnh này. Nhiều ngày qua, các bác sĩ khoa khám của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải do bệnh nhân đến khám quá đông”, bác sĩ Hòa nói.
Bà Nguyễn Thị C ở huyện Đông Hòa đến Bệnh viện Mắt tỉnh khám mắt vào sáng 25/9, cho biết: “4 người trong gia đình tôi đều bị đau mắt. Ban đầu đứa cháu tôi mắc bệnh, sau đó lây lan qua những người khác. Có 3 người tự khỏi bệnh, còn tôi thì bệnh càng ngày càng nặng nên phải đến bệnh viện để khám”.
Theo bác sĩ Hòa, triệu chứng lâm sàng chung của bệnh đau mắt đỏ là bệnh nhân cảm thấy ngứa, cộm, chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhiều ghèn... Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ. Bệnh đau mắt đỏ thường là bệnh lành tính, nếu diễn biến bệnh thuận lợi thì khoảng 1 tuần là tự khỏi. Tuy nhiên cũng có trường hợp nặng, gây tổn thương giác mạc làm cho giác mạc bị mờ, thị lực của bệnh nhân giảm rất nhiều. Do đó khi mắc bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị hợp lý. “Bệnh nhân không nên tự mua thuốc, nhất là thuốc chứa corticoid để tự chữa trị hoặc tự ý đắp các loại lá, nhỏ nước chanh vào mắt… gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân chỉ có thể tự tra nước muối sinh lý 0,9% để rửa mầm bệnh, chất tiết của mắt và lau rửa dịch ghèn mắt nhiều lần trong ngày bằng khăn giấy hợp vệ sinh. Người bệnh cần tăng cường vitamin nhóm B, A để tăng sức đề kháng cho cơ thể”, bác sĩ Hòa khuyến cáo.
THANH HỘI