Thứ Năm, 10/10/2024 07:20 SA
Bài thuốc, món ăn chữa viêm tuyến tiền liệt
Thứ Sáu, 16/02/2007 19:03 CH

Viêm tuyến tiền liệt mãn (VTTLM)  là một bệnh thường gặp ở nam giới độ tuổi trưởng thành. Theo một số liệu thống kê gần đây ở Trung Quốc, có tới 30%- 40% nam giới ở  tuổi trên 30 bị mắc căn bệnh này.

 

Nguyên nhân dẫn đến VTTLM rất phức tạp. Bệnh có thể phát sinh do nhiễm  khuẩn hoặc virus, nhưng cũng có thể do rất nhiều nguyên nhân khác.  Tới nay, y học hiện đại vẫn chưa có một hệ thống lý luận nhất quán về nguyên nhân VTTLM, và cũng chưa tìm ra được thuốc đặc trị.  Theo quan điểm hiện hành, VTTLM có thể liên quan đến các nhân tố  như  nhiễm khuẩn,  miễn dịch, đặc điểm thể chất và tâm lý, sung huyết... 

 

070216-nga-truat.jpg 070216-nguu-tuat.jpg
Nga truật Ngưu tất

Tuyến tiền liệt (TTL) sung huyết là một trong số những nguyên nhân dễ dẫn đến VTTLM nhất. Vì vậy, trong sinh hoạt thường ngày, cần đặc biệt lưu ý tới những tình huống dễ dẫn đến  sung huyết TTL, như sau:

Ham muốn tình dục quá độ, thủ dâm quá nhiều, hoặc giao hợp bị gián đoạn, vì một số nguyên nhân nào đó... 

Huyệt “hội âm” (ở giữa hậu môn và tinh hoàn) bị chèn ép trực tiếp, do đi xe đạp, xe máy, cưỡi ngựa, ngồi quá lâu...

Rượu có thể khiến cho TTL bị sung huyết và dẫn đến trạng thái hưng phấn tình dục tạm thời.

Bị cảm lạnh: Khi bị lạnh,  thần kinh giao cảm trong TTL bị kích thích, khiến áp lực niệu đạo gia tăng, kích thích TTL gây nên sung huyết.

VTTLM là một bệnh có những biểu hiện lâm sàng rất phức tạp, bệnh trình thường kéo dài và  rất hay tái phát. Nếu không được chữa trị triệt để,  rất dễ dẫn đến viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm túi tinh, viêm tinh hoàn, rối loạn chức năng sinh dục, vô sinh... Vì vậy, hiện tại VTTLM vẫn là một trong số các bệnh nan y trong Nam khoa.

Biểu hiện lâm sàng trong bệnh VTTLM rất đa dạng. Hơn nữa,  không ít trường hợp,  chứng trạng và bệnh tình không tỷ lệ thuận với nhau. Thí dụ,  một số bệnh nhân trong dịch TTL có lẫn rất nhiều mủ,  nhưng không có biểu hiện khác thường; trong khi đó một số bệnh nhân có những chứng trạng lâm sàng rất trầm trọng, nhưng kết quả kiểm tra dịch TTL lại thấy bình thường,  hoặc gần bình thường. Đại thể, các triệu chứng thường gặp trong VTTLM có thể phân loại theo những nhóm như sau:

Cảm giác dị thường ở đường tiểu: Tiểu tiện nhiều lần, nhất là về đêm; triệu chứng này thường xuất hiện sớm nhất và kéo dài lâu ngày. Tiểu tiện gấp (niệu cấp), cảm giác mót tiểu xuất hiện đột ngột, phải tiểu tiện ngay. Tiểu tiện đau hoặc buốt, nhất là khi bắt đầu đi tiểu hoặc tiểu tiện gần xong. 

Nước tiểu biến đổi: Thẫm màu hoặc vẩn đục. Một số bệnh nhân, nước tiểu có màu trắng như sữa. Có người sáng dậy thấy có chất dịch dính ở đầu niệu đạo.  Một số người  khi đi xa về, sau khi  làm việc nặng, hoặc khi đi đại tiện, thấy có chất dịch rỉ ra ở niệu đạo.

Đau cục bộ: Đau tức ở vị trí “hội âm”, giang môn,  sau niệu đạo; có thể đau tinh hoàn hoặc dương vật, đau lan lên vùng xương mu, thắt lưng,  bẹn, phía trong đùi... 

Chức năng tình dục dị thường: Dương vật bột khởi thất thường, xuất tinh sớm, rối loạn cương...

Trong Đông y cổ truyền, các triệu chứng VTTLM được mô tả trong  phạm vi các chứng “tinh trọc”, “lao lâm” và “bạch dâm”.  Hiện nay, VTTLM là một trong số các bệnh thường gặp nhất trong Nam khoa của Đông y hiện đại. Kết qủa nghiên cứu lâm sàng gần đây cho thấy, thuốc “hoạt huyết hóa ứ” của Đông y có tác dụng chống tắc nghẽn các tiểu quản trong TTL và khắc phục tình trạng rối loạn chức năng của các cơ (cơ nâng hậu môn, cơ hình trái lê) vùng đáy chậu; thuốc “kiện tỳ” có tác dụng tăng sức co bóp của cơ trơn trong TTL; thuốc “bổ thận” có tác dụng điều hòa qúa trình tiết dịch TTL; thuốc “trừ thấp” có tác dụng chống ứ đọng dịch TTL... 

Để chữa trị VTTLM, Đông y không sử dụng một phương pháp hoặc một bài thuốc cố định, mà tiến hành chữa trị theo phương pháp biện chứng luận trị, nghĩa là lựa chọn phép chữa và bài thuốc, trên cơ sở phân tích các chứng trạng và đặc điểm tâm sinh lý ở từng bệnh nhân. Trên lâm sàng, thường chia VTTLM thành các thể sau đây, để tiến hành dùng thuốc chữa trị:

1. Thể thấp nhiệt:

Triệu chứng: Đái gấp, đái nhiều lần, niệu đạo nóng rát, khi nước tiểu ra hết hoặc khi đại tiện ở đầu niệu đạo có những giọt dịch trắng tiết ra; vùng bụng dưới, vùng xương sống dưới thắt lưng, huyệt hội âm, tinh hoàn có cảm giác đau tức khó chịu; miệng khô đắng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác (trơn, nhanh).

Phép chữa: Thanh nhiệt lợi thấp.

Bài thuốc tiêu biểu (Tỳ giải phân thanh ẩm gia giảm): Tỳ giải  10g, xa tiền thảo 10g, phục linh 10g, đan sâm 10g, hoàng bá 6g,  ý dĩ nhân 10g, hậu phác 10g, liên tâm 10g, xương bồ 10g. Sắc hai nước, hợp hai nước lại, chia thành 3 phần uống trong ngày.

Món ăn hỗ trợ (Cháo hoạt thạch): Hoạt thạch 30g, cù mạch 50g, gạo tẻ 50g, hành trắng 4 củ, mắm muối lượng thích hợp. Trước hết sắc cù mạch lấy nước, bỏ bã; cho gạo vào nấu đến khi cháo chín, thêm hành, bột hoạt thạch, mắm muối vào trộn đều, chia 3 lần ăn trong ngày.

2. Âm hư hỏa động:

Triệu chứng: Lưng gối mỏi yếu, đầu choáng mắt hoa, đêm ngủ hay di tinh. Khi  đại tiểu tiện thường có  chất dịch trắng tiết ra ở đầu niệu đạo. Dương vật dễ bột khởi. Một số trường hợp, hơi có chút xung động tình dục, dịch trắng đã rỉ ra ở đầu niệu đạo; tinh dịch có thể lẫn máu. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch huyền tế sác (căng nhỏ nhanh). 

Phép chữa: Thanh hỏa, dưỡng âm, bổ thận.

Bài thuốc tiêu biểu (Tri bá địa hoàng thang gia giảm): Tri mẫu 15g, hoàng bá 6g, sinh địa 12g, ngô thù du 10g, sơn dược 20g, đan bì 10g, phục linh 10g, trạch tả 10g.  Sắc hai nước, hợp hai nước lại, chia thành 3 phần uống trong ngày.

Món ăn hỗ trợ (Cháo sơn dược địa hoàng): Sơn dược 20g, sinh địa 30g, nhục thung dung 15g, gạo tẻ 100g. Sắc 3 vị thuốc lấy nước (bỏ bã), cho gạo vào nấu cháo, thêm mắm muối cho vừa miệng. Chia thành 2-3 lần ăn trong ngày, liên tục 7 ngày (một liệu trình).

3. Thận dương hư suy:

Triệu chứng: Lưng mỏi, gối lạnh yếu, rối loạn cương, xuất tinh sớm, di tinh. Tinh thần uể oải, đầu chi lạnh. Làm việc hơi nặng nhọc một chút là dịch trắng rỉ ra ở đầu niệu đạo. Chất lưỡi nhạt, bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm nhược (chìm yếu).

Phép chữa: Bổ thận trợ dương.

Bài thuốc tiêu biểu (Hữu quy hoàn hợp kim tỏa cố tinh gia giảm): Sinh địa 10g, thục địa 10g, sơn dược 10g, phục linh 10g, tục đoạn 10g, kim anh tử 15g, ngũ bội tử 12g, ích trí nhân 10g, thỏ ty tử 15g, đỗ trọng 10g, câu kỷ tử 10g, đương quy 10g, nhục quế 4g.  Sắc hai nước, hợp hai nước lại, chia thành 3 phần uống trong ngày.

Món ăn hỗ trợ (Cháo lộc giác giao): Lộc giác giao 15-20g, gạo tẻ 100g, gừng tươi 3g. Gạo vo sạch, nấu cháo, khi cháo chín cho gừng, lộc giác giao vào trộn đều,  thêm mắm muối cho vừa miệng, ăn khi cháo còn ấm.

4. Khí huyết ứ trệ:

Triệu chứng: Bệnh kéo dài lâu ngày không khỏi,  đau ở vùng bụng dưới, xương sống phía dưới thắt lưng, hoặc tinh  hoàn; hội âm trướng đau; hoặc có niệu huyết (nước tiểu lẫn máu), huyết tinh (tinh dịch lẫn máu). Chất lưỡi tím có điểm ứ huyết. Mạch trầm sáp (chìm, rít).

Phép chữa: Hoạt huyết hóa ứ.

Bài thuốc tiêu biểu  (Bài thuốc của  Khoa tiết niệu, Quảng An Môn y viện): Đào nhân 10g, hồng hoa 10g, xích thược 10g, đan sâm 20g, trạch lan 10g, vương bất lưu hành 10g, nguyên hồ 10g, xuyên sơn giáp 5g, ngưu tất 10g, đương quy 10g. Nếu tuyến tiền liệt bị xơ cứng, cần thêm tam lăng 6g, nga truật 6g, tạo giác thích 6g. Sắc hai nước, hợp hai nước lại, chia thành 3 phần uống trong ngày.

Món ăn hỗ trợ (Cháo đan sâm vương bất lưu hành): Vương bất lưu hành 20g, đan sâm 15g, đào nhân 15g, gạo tẻ 100g. Sắc các vị thuốc lấy nước nấu cháo, chia thành 3  phần ăn trong ngày.

Lương y HUYÊN THẢO (TPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek