Thứ Bảy, 21/09/2024 03:29 SA
Đình Ngọc Lãng – dấu xưa trên vùng đát cổ
Thứ Ba, 12/02/2013 11:00 SA

Đình Ngọc Lãng (làng Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) là một di tích lịch sử văn hóa có từ lâu đời. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Ngọc Lãng.

 

Dinh-Ngoc-Lang130202.jpg

Đình Ngọc Lãng hiện nay  - Ảnh: DANH HẠNH

Đình Ngọc Lãng nằm trên một khuôn viên rộng khoảng 3.000m2, xung quanh ruộng vườn tươi tốt, nhà cửa đông đúc. Đình quay mặt về hướng nam, trước mặt có sông Đà Rằng, xa hơn có núi Đá Bia như bức bình phong che chắn. Một câu đối viết ở mặt tiền ngôi đình đã nói rõ hơn vị thế của di tích này: Cận lâm Đà thủy cung tiền giám/Viễn đối Bi sơn tác ngoại bình. (Tạm dịch: Sông gần Đà Diễn lượn quanh/Núi xa Đại Lãnh như thành giăng ngang).

 

Theo dòng chảy của thời gian, đình Ngọc Lãng đã nhiều lần di chuyển và xây dựng lại. Khởi đầu, đình tọa lạc ở khu vực đồng Cây Da, khoảng giữa thế kỷ XVIII, đình di dời vào một khu đất cao giữa làng, khu vực này đến nay vẫn còn có tên gọi là Vườn Đình, đến cuối thế kỷ XIX, đình bị hỏa hoạn thiêu cháy nên dân làng di chuyển đình về phía đông làng, tức là địa điểm hiện nay. Sau khi di chuyển đến địa điển mới, đình được xây dựng lại kiên cố với bộ khung bằng gỗ vững chắc, mái lợp ngói, tường xây bằng hợp chất cộng với đá núi và san hô. Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX ngôi đình này vẫn là công trình có quy mô lớn nhất ở Ngọc Lãng. Vào khoảng cuối năm 1946, đầu năm 1947, ngôi đình đã bị tháo dỡ để phục vụ công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 1971, dân làng Ngọc Lãng đã quyên góp tiền xây dựng lại ngôi đình trên tàn tích cũ, đầu năm 2012, một số người dân ở Ngọc Lãng tiếp tục đóng góp kinh phí để trùng tu lại ngôi đình, đồng thời xây dựng thêm cổng tam quan và hai nhà hội ở hai bên tả, hữu tạo nên một khu di tích tương đối hoàn chỉnh.

 

Đình Ngọc Lãng được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, gồm có ba gian, mái đình lợp ngói, nóc đình trang trí lưỡng long triều nguyệt, mặt tiền trang trí đơn giản với ba chữ quốc ngữ “Đình Ngọc Lãng”, trong khi đó ở trên cửa chính phía trong đề ba chữ Hán lớn “Ngọc Lãng Đình”. Hai bức tường hai bên là phần sót lại của kiến trúc cũ có từ cuối thế kỷ XIX, tường dày 0,4m, xây bằng hợp chất. Hai đầu hành lang trên các bức tường này còn sót lại hai bức phù điêu của các vị thần canh cửa với dáng vẻ uy nghi. Khám thờ trong đình thờ bài vị của những người có công đầu trong việc khai khẩn đất đai và tạo lập nên làng xóm, gồm Lê Văn Xuyến, Lê Thị Lỗi và Lê Lưu. Trong đó Lê Văn Xuyến là Tiền hiền, đồng thời cũng là Thành hoàng của làng. Ông được xem là thần chủ của di tích này. Đình Ngọc Lãng còn thờ thần Bạch Mã, một tín ngưỡng quan trọng của người Việt. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết thần Bạch Mã xuất hiện từ thời Bắc thuộc, thần vốn trú ngụ tại núi Long Đỗ trong thành Đại La. Đến khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến đây và đổi tên thành Thăng Long, thần Bạch Mã đã giúp nhà vua xây thành, vì thế thần Bạch Mã được xem là thần chủ của vùng đất Thăng Long và đã được phong Tối Linh Thượng đẳng thần. Tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã ở đình Ngọc Lãng đã cho thấy người Việt đã đem theo tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã trong hành trình tiến vào khai phá vùng đất phương Nam, mong được thần che chở cho công cuộc làm ăn sinh sống. Qua khảo sát, các ngôi đình trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bước đầu chúng tôi nhận thấy chỉ ở đình Ngọc Lãng mới có tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã. Đây là một đặc điểm độc đáo của di tích này.

 

Lang-que-mo-hoi130202.jpg
Làng quê mở hội - Ảnh: DANH HẠNH

Ngoài ra, phía trước sân đình còn hai ngôi miếu nhỏ, miếu bên phải thờ Hậu Thổ, trên vách hậu của miếu đề hai chữ “Phối Thiên” tức là sánh bằng trời. Đây là miếu thờ vị thần cai quản đất đai của cả khu vực này, đó chính là Thiên Y A Na. Ngôi miếu bên phải thờ Ngũ Hành, gồm các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là những nhân tố chính tạo nên trời đất theo quan niệm của người xưa.

 

Tại đình Ngọc Lãng còn lưu giữ một số tư liệu Hán - Nôm bao gồm một chiếu chỉ có từ đời vua Thiệu Trị, 6 sắc phong của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Nội dung của tờ chiếu chỉ và các sắc phong có liên quan đến Thành Hoàng làng và thần Bạch Mã.

 

Về Thành Hoàng của làng Ngọc Lãng, chiếu chỉ của vua Thiệu Trị cho biết Lê Văn Xuyến đã được vua Minh Mạng ban tặng sắc phong vào năm 1832. Sắc phong cất giữ ở nhà người chắt là Lê Văn Phong nhưng bị hỏa hoạn thiêu cháy, vì thế quan Tuần phủ Phú Yên đã trình báo sự việc lên triều đình, đến năm 1844 (Thiệu Trị năm thứ 4) vua Thiệu Trị đã ban chiếu chỉ xác nhận có sự việc này. Căn cứ nội dung bài vị thờ trong đình và chiếu chỉ của vua Thiệu Trị có thể suy đoán Lê Văn Xuyến sinh sống vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Còn căn cứ vào sắc phong của vua Tự Đức năm 1852 có thể biết được trước thời gian này, Thành hoàng Lê Văn Xuyến đã được phong thần với mỹ hiệu là Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Chi thần, qua các sắc phong kế tiếp Thành Hoàng đều giữ nguyên hoặc tặng thêm mỹ hiệu, nhưng đến sắc phong của vua Khải Định năm 1924, Thành Hoàng Ngọc Lãng từ Chi thần đã được nâng lên thành Trung đẳng thần.

 

Về tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã, các sắc phong cho thấy đây là tín ngưỡng quan trọng có từ lâu đời ở Ngọc Lãng, thần Bạch Mã được xem là phúc thần. Sắc phong của vua Tự Đức cho biết trước năm 1852 thần Bạch Mã thờ ở đình Ngọc Lãng đã được phong Thượng đẳng thần với mỹ hiệu là Dương Oai Ngự Võ Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Thượng đẳng thần, qua các sắc phong của các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định thần Bạch Mã đều được phong tặng thêm mỹ hiệu và giao cho dân Ngọc Lãng thờ tự tôn nghiêm tại đình Ngọc Lãng để thần phù hộ cho đất nước được thái bình, muôn dân no ấm. Vì thế, hằng năm cứ vào các ngày 27/2 âm lịch và ngày 9/9 âm lịch, dân làng Ngọc Lãng lại tổ chức lễ vật dâng cúng các vị thần linh, dân gian gọi là “Xuân kỳ, Thu tế”. Đây cũng là dịp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nhằm gắn kết cộng đồng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tạo thêm tình yêu quê hương đất nước.

 

Với những nội dung quan trọng đó, đình Ngọc Lãng xứng danh là chứng tích của vùng đất cổ nằm bên núi Nhạn, sông Đà.

 

NGUYỄN DANH HẠNH (Bảo tàng Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người may cờ trước mũi kẻ thù
Thứ Tư, 27/02/2013 01:00 SA
Bà mẹ nghèo của 7 cử nhân
Thứ Tư, 27/02/2013 00:00 SA
Cảng thị Tiên Châu xưa
Chủ Nhật, 17/02/2013 13:00 CH
Lễ rước hồn lúa của người Ê Đê
Chủ Nhật, 17/02/2013 07:00 SA
Ấn tượng Xuân Ðài
Thứ Hai, 11/02/2013 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek