Năm 1885 - Ất Dậu, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu đứng dậy chống giặc. Tại Phú Yên, ông Lê Thành Phương, người làng Mỹ Phú tổng Xuân Vinh huyện Đồng Xuân (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An) cùng văn thân và đồng bào khảng khái hưởng ứng.
Đường lên Sơn Định (cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa) - Ảnh: HOÀI ĐÔNG
Ông Lê Thành Phương xưng là Xuân Vinh quân thứ Tổng thống đại thần, tổ chức nghĩa quân, chiếm lấy Phú Yên, chống lại triều đình Đồng Khánh. Ông tiên liệu cuộc kháng chiến phải trường kỳ, chọn vùng Vân Hòa là địa điểm tốt để đặt căn cứ sơn phòng. Từ đây, ba mặt xuống đồng bằng đều là núi rừng đèo dốc hiểm trở, dốc Lỗ Chài, dốc Đồng Tranh đi Tuy Hòa, dốc Lau, dốc Sống Trâu đi Tuy An. Phía tây có đường thông thương lên vùng Củng Sơn và các buôn đồng bào thượng du. Lê Thành Phương quyết định xây dựng tại Vân Hòa một đồn binh. Chỗ ấy là khoảnh gò trong Gò Lớn Quán Lê - Đồn Ba Xã, dọc theo dây ruộng Mạch Tài.
Người được giao nhiệm vụ này là ông Trần Bá Đại, chức vụ Xuân Vinh quân thứ Từ hàn. Công việc khởi sự ở giai đoạn lấy cây và gánh đất đổ nền. Những người đàn bà gánh đất, vừa làm việc vừa hát:
Chị em thấy vậy đừng sầu
Chính giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.
Ngụ ý rằng, về không gian Đồng Khánh chỉ làm vua ở Huế, còn trong Nam ngoài Bắc vẫn tôn phò vua Hàm Nghi. Về thời gian thì hai đầu, trước kia và sau này cùng là vua Hàm Nghi. Trong dân gian nói rằng, đến khi bị xét hỏi, họ nói trại câu hát thành:
Chị em thấy vậy đừng sầu
Chính giữa đòn gánh hai đầu đòn ky.
Họ chỉ hát về chuyện gánh đất, chớ đâu hiểu chuyện vua chúa xa xôi.
Việc xây dựng cơ dinh không thành, vì năm 1887 Lê Thành Phương thất bại, bị Pháp bắt và xử tử. Nhưng để nhắc nhở công trình này, người dân Vân Hòa gọi khoảnh gò ấy là Gò Dinh, chỗ mới đổ đất đắp nền là Sân Dinh. Mọi người đã coi Sân Dinh như một nơi thiêng liêng, không bao giờ xâm phạm, không để trâu bò vào đó, những đêm cà đong con thỏ nào chạy vào trốn trong Sân Dinh là thoát chết.
Đó là theo lời kể của nhiều người. Theo gia đình họ Trần thì lúc ấy ông Trần Bá Đại còn trẻ, hai mươi lăm tuổi, có chí khí, đã đến tình nguyện gia nhập nghĩa quân của Lê Thành Phương và được trao ngay chức vụ Xuân Vinh quân thứ Từ hàn, lo việc văn phòng bút lục. Thấy việc xây dựng căn cứ sơn phòng Vân Hòa là quan trọng nên Lê Thành Phương cử ông về quê đảm nhiệm. Công việc chưa xúc tiến thì Lê Thành Phương bị bắt, bị xử tử. Nhờ sự che chở của dân làng, tung tích Trần Bá Đại không bị phát giác. Ông dời nhà đến cất tại chỗ dự định xây dựng đồn binh cho Lê Thành Phương. Khi về già, Trần Bá Đại cũng như lớp cha ông họ Trần trở lại Phong Thái để yên nghỉ cạnh tổ tiên. Do lòng tôn trọng ông, cộng với những việc bất ngờ xảy ra như huyền thoại linh thiêng, dân Vân Hòa đặt tên gò ấy là Gò Dinh, chỗ nền nhà ông là Sân Dinh.
Có khác nhau vài chi tiết, nhưng nói chung địa danh Gò Dinh, Sân Dinh có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Cần Vương tại Phú Yên do Lê Thành Phương lãnh đạo và một trong những người phụ tá của ông: Xuân Vinh quân thứ Từ hàn Trần Bá Đại.
Có một điều đáng tiếc là phần mộ Trần Bá Đại nằm trong hang núi làng Phong Thái, nay sau những năm chiến tranh không tu tảo đã thất lạc, con cháu không biết đường tìm. Và một điều đáng thương: vợ ông, bà Lê Thị Hoa, quê ở Bình Chánh (Tuy An) theo chồng lên đây rồi an nghỉ tại gò mả Vũng Sạn, nay cũng do những năm chiến tranh không tu tảo, cây cối mọc tràn, mộ đất bị gió mưa san bằng chìm khuất, không thấy dấu vết gì.
Thôi thì, “ký quy tam xích thổ nan bảo bách niên phần”, trải qua kiếp người ngắn ngủi, đã về với ba tấc đất khó lòng giữ được nấm mộ trăm năm, đành tuân theo định luật trời đất “cát bụi về cùng cát bụi”, chắc ông bà cũng vui vẻ nơi miền cực lạc.
TRẦN HUIỀN ÂN