Núi Miếu (xã Hòa Quang Bắc, Phú Hòa) đã ghi dấu một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử của quân dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là trận mở đầu của Phú Yên diệt gọn một đại đội Bảo an.
Núi Miếu (xã Hòa Quang Bắc, Phú Hòa) - Ảnh: V.HIẾN |
Ông Nguyễn Văn Cần, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Đặc công 201 hiện đang sống tại phường 2, TP Tuy Hòa bồi hồi nhớ lại: Hồi ấy, Phân đội Đặc công (tiền thân của Đại đội 202 bây giờ) được lệnh đánh tiêu diệt đại đội Bảo an của giặc đóng quân tại núi Miếu do tên Thuần chỉ huy. Đại đội Bảo an này gây rất nhiều bất lợi cho ta. Một mặt chúng giành quyền kiểm soát vùng rộng lớn của phía tây huyện Tuy Hòa; một mặt chúng có thể đánh nống (đánh lan rộng) ra cả TP Tuy Hòa. Tỉnh đội Phú Yên và quân khu quyết định phải đánh tiêu diệt chúng để mở phong trào phá ấp chiến lược ở đồng bằng Tuy Hòa.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1962), Phân đội Đặc công được lệnh đánh tiêu diệt cứ điểm núi Miếu. Lần thứ nhất, Phân đội trưởng Đặc công 202 do Tô Đình Giao chỉ huy cử 6 người gồm: Nguyễn Văn Cần, Lê Trung Kiên, Trần Kiệt, Trần Kim, Phan Văn An (Trường), Lê Đức Thống đi chuẩn bị. Nhưng lần này bị lộ và bị địch phát hiện nên Ban chỉ huy quyết định không đánh. Bọn địch thấy động nên chúng điều một đại đội Bảo an khác do tên Hoàng - ác ôn khét tiếng chỉ huy để thay cho đại đội của tên Thuần. Rút kinh nghiệm lần thứ nhất, lần thứ hai, đồng chí Giao phân công trách nhiệm cho từng đồng chí và bàn bạc kỹ lưỡng cách đánh. Sau khi làm công tác chuẩn bị chiến trường, các đơn vị tham gia trận đánh (2 đại đội bộ binh 375 và 220 kết hợp với Phân đội Đặc công) họp bàn thống nhất đánh cứ điểm này. Trong trận này, Phân đội Đặc công có 20 đồng chí tham gia, chia thành 2 mũi. Trong đó mũi thứ nhất là mũi chủ công, do đồng chí Phan Công Nhỏ (Phan Công Thanh) phân đội phó chỉ huy được chia thành 3 tổ đánh từ phía đông lên, đánh vào khu chỉ huy sở. Mũi thứ hai do đồng chí Nguyễn Thành Dung, Tiểu đội trưởng chỉ huy được phân công đánh từ phía tây xuống, mũi này được chia thành 2 tổ. Ông Cần hồi đó là lính mới nhưng được chỉ huy giao làm tổ trưởng của một tổ đánh từ hướng tây xuống. Tổ này có nhiệm vụ đánh và bắt liên lạc với tổ của đồng chí Lê Trung Kiên từ hướng đông đánh lên và trung đội bộ binh của Đại đội 220. Lúc đó khoảng 16g ngày 13/1/1963, toàn bộ lực lượng được lệnh tập trung tại suối Cái để chuẩn bị đi đánh địch. Đây là trận đánh lớn và là trận đầu tiên mang tính chất tiêu diệt, nên Tỉnh đội Phú Yên đã cử đồng chí Yên, Tham mưu trưởng Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy. Thời gian đã trôi qua gần 50 năm, nhưng ông Nguyễn Hữu Cần còn nhớ như in câu nói của người chỉ huy này: “Lâu nay các đồng chí ước ao có súng đạn, hôm nay địch đã trang bị kho súng tại núi Miếu, các đồng chí xuống lấy về dùng”. Câu nói này đã làm nức lòng các chiến sĩ và càng có quyết tâm cao để đánh. Lúc này ông Cần là Bí thư Chi đoàn Phân đội Đặc công đã thay mặt anh em hứa: “Chúng tôi có chết cũng bám đá núi mà chết…”. 18g ngày hôm đó Phân đội Đặc công xuất phát trước, tiếp đó là Trung đội Bộ binh của Đại đội 220 và cuối cùng là Đại đội 375. Đến 2g ngày 14/1/1963 tổ của đồng chí Lê Trung Kiên được lệnh phát hỏa…
Cứ điểm núi Miếu có rất nhiều đá lớn. Bọn địch đã lợi dụng đá để làm công sự. Khi bị tấn công, chúng chui vào các gộp đá để ẩn nấp nên rất khó khăn cho quân ta. Trận đánh diễn ra khoảng 15 phút thì quân ta phần bị thiếu vũ khí, phần bị thương nên các tổ buộc phải rút quân. Trong khi đó quân địch dùng đại liên, trung liên và cối liên tục nhả đạn. Lúc này tổ của ông Cần chia thành hai nhóm, đồng chí Mẹo và Kim đi về hướng bắc để bắt liên lạc với Trung đội Bộ binh chưa quay lại; còn ông và đồng chí Phan Văn An đánh từ hướng tây xuống cũng chưa bắt liên lạc với tổ của đồng chí Lê Trung Kiên được, khi đó hai người chỉ có 1 khẩu súng, gần ba băng đạn và một quả lựu đạn. “Khẩu đại liên và cối của địch đang ở ngay trước mắt, liên tục nhả đạn về phía quân ta mà mình không làm gì được. Tức lắm, lúc đó máu trong người như sôi lên…”, ông Cần nói. Ông liền bò qua mấy tảng đá về phía công sự của địch để tìm vũ khí, rất may trong một công sự gần đó có một bao lựu đạn có khoảng 15 trái địch chưa dùng tới, ông liền mang về vụt tới tấp vào khẩu đại liên và cối của địch bắt chúng câm lặng. Còn 5 khẩu trung liên của địch vẫn đang tiếp tục nhả đạn về hướng tây, ông và đồng chí An tiếp tục dùng lựu đạn tấn công và tiêu diệt được 4 khẩu, trong khi khẩu thứ 5 cố thủ trong một công sự rất kiên cố. Đang loay hoay không biết làm sao để tiêu diệt thì lúc đó tên xạ thủ trung liên liền lên tiếng chửi rủa đồng bọn, ngay lập tức đồng chí An bồi liên tiếp hai quả lựu đạn…
Trận đánh này giằng co rất quyết liệt và kéo dài đến 5g30 ngày 14/1/1963 mới kết thúc. Hầu hết một đại đội Bảo an địch đã bị diệt. Lúc này Phân đội Đặc công được lệnh rút quân, giao lại toàn bộ chiến trường cho lực lượng bộ binh.
Có thể nói trận núi Miếu đã mở màn cho một cách đánh, và đã thắng lớn trên chiến trường Phú Yên thời điểm đó. Trận đánh này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời binh nghiệp của các cựu chiến binh từng tham gia. Điều họ mong muốn nhất là tại núi Miếu được lập một tấm bia để các thế hệ mai sau nhớ về một chiến công lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước .
HÀ ANH
(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Cần)