Thứ Bảy, 21/09/2024 21:39 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Suối nước nóng Triêm Ðức và miễu thờ tiên tổ
Thứ Ba, 12/04/2011 09:00 SA

Trong ký ức, tôi miên man nhớ hoài những kỷ niệm tuổi thơ cắt cỏ chăn bò, chèo thuyền câu cá hát hò bên sông, được tung tăng tắm sông, lội nước trên những khúc con sông quê. Nhưng có lẽ nhớ nhất là những buổi sáng mùa đông được tắm sông bên suối nước nóng Triêm Ðức, thiên tạo một danh thắng kỳ thú, bên cạnh có một miếu Bà “linh thiêng” mà ai qua đây cũng phải cúi đầu khấn vái.

 

suoinuoc110411.jpg

Một giếng nước nóng ở thôn Triêm Đức, do suối nước nóng ở thôn này tạo nên. - Ảnh: M.M.TÂM

 

THIÊN TẠO KỲ THÚ

 

Từ thị trấn La Hai ngược lên phía tây, trên đoạn đường dài khoảng 5km, từ đường cái lớn rẽ qua cánh đồng xóm Trường khoảng 500m là đến suối nước nóng Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân). Một suối nước nóng trên 800C, nằm sát mép vực Lò của con sông Kỳ Lộ, quanh năm bốc khói ngùn ngụt. Nước nóng đến độ có thể dùng để luộc chín trứng.

 

Điều kỳ thú là lòng suối nước nóng được cấu tạo phun ra trên một mỏm núi đá như có bàn tay con người xếp đặt; những phiến đá trắng hồng chồng lên nhau, xếp thành bậc tam cấp, nhìn từ xa trông như một lò nung gạch. Có lẽ vì thế mà nơi đây còn có tên vực Lò (?). Phía trên mỏm đá suối nước nóng là một đồi núi dọc dài, tạo vòng cung cho bờ vực sâu hóm, trong xanh. Những buổi sáng sớm mùa đông, được tắm từ chỗ nước nóng phun ra hợp lưu với dòng sông Kỳ Lộ, như được bữa xông hơi thỏa thích; được ngắm những cột khói đá bốc hơi, trời nước lãng đãng mây ngàn, trông rất huyền ảo và thơ mộng.

 

 Ngày xưa, sông Kỳ Lộ nước đầy sát bờ, vực Lò là một lưu vực dài và sâu nhất của dòng sông Kỳ Lộ. Vực dài và sâu thẳm nên mặt nước phẳng lặng như ao hồ; đêm yên ắng có thể nghe rõ mái nhịp chèo khuya, tiếng cá đớp mồi lũm bũm; ngày thuyền chài ngược xuôi soi mình trong bóng nước. Vực Lò sâu đến độ sào cắm không tới, những tay thợ lặn dài hơi vẫn chưa ai dám thách chơi là đã mò tận đáy. Vực sâu, nên trong lòng sông chứa nhiều loài thủy sinh quý như: cá chình, cua đinh, ba ba, cá sảnh (cá chép), cá vược… Một thời trên khúc sông từ gành Đá Ràng, nối dài với vực Chùa, vực Lò được coi là nguồn tôm cá dồi dào nuôi sống người dân đôi bờ Triêm Đức - Thạnh Đức và các vùng lân cận. Thuyền chài An Ninh, An Dân (huyện Tuy An), Gành Đỏ, Xuân Thọ (TX Sông Cầu) trong mỗi chuyến ngược xuôi thường chọn nơi đây làm bến đậu nghỉ đêm; khi dựng sào, cột thuyền bắt nồi cơm đã sẵn mắm muối họ chỉ cần tung chài hay giăng một mẻ lưới thì có thể “hốt” cả rổ cá tươi từ lòng hồ làm thức ăn cho cả đoàn thuyền.

 

Bên suối nước nóng là khu rừng sinh thái đặc biệt, ngoài những thảm thực vật xanh mát rượi, rừng có nhiều gỗ quý như cốc da đá, sầm, trắc, lành ngạnh, bằng lăng... với các loài hoa phong lan: trường kiếm, phượng vĩ, mai lan, dương xỉ và cây thuốc chữa bệnh mạch lươn cực hay. Ngày xưa, rừng nơi đây còn là “hòn cấm”, cây cối um tùm rậm rạp. Đồi núi này như một vườn sinh thái an lành cho các loài chim muông, thú rừng: gấm, chồn, công, gà sao, trĩ, chim xanh, gầm gì, cu đất… rừng cả ngày không ngớt tiếng chim chao lượn, reo hót véo von. Bên trái vực Lò là một vừng cát trắng cho những đàn chim xanh, cu đất về đây tắm nắng, nhặt sạn. Các tay thợ rập (bẫy chim), gọi đây là bãi chim và tha hồ nhử bắt chim. Phía dưới suối nước nóng, cách chừng trăm mét là một đầm sen dài 200m, sâu cả mét nước; mùa hạ sen nở rực hồng lẫn trong sắc xanh yên ả của cánh đồng xóm Trường.

 

Suối nước nóng có chất lưu huỳnh nên dân làng và các vùng lân cận thường lấy nước về uống để chữa bệnh đường ruột. Còn khi dùng nước để tắm và gội đầu thì trong người cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu.

 

MIỄU ÔNG, MIỄU BÀ

 

Đặc biệt, trên đồi suối nước nóng có một miễu thờ hoang phế, dân trong vùng thường gọi là miễu Bà. Lần theo dấu tích, tôi đã tìm ra những điều mà còn ít người biết về ngôi miễu này. Không phải bây giờ mới biết, từ nhỏ khi còn chăn bò, tôi đã tò mò lên miễu Bà, sang miễu Ông (nằm trên đất bác tôi) và thường cúi đầu khi trên đường  qua lại bên ngôi đình cổ gần bến Hóc Ống, nhưng không hiểu chút gì về cội nguồn các di tích này. Để tìm hiểu gốc tích về sự tồn tại của các đình, miễu được coi là cổ nhất trên đất Triêm Đức, tôi tìm tới cụ Nguyễn Thọ, năm nay đã 91 tuổi và cụ Phan Đình Cát 81 tuổi. Đây là hai người cao tuổi nhất ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 - những người đã từng sinh sống, cống hiến, gắn bó cả đời ở đây. Trong cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng hai cụ vẫn còn minh mẫn và biết rất rõ nguồn cội hai ngôi miễu và một đình làng, hiện tại chỉ còn nền móng và những đống gạch đổ trên nền đất cũ.  .

 

 Các cụ cho biết: Mặc dù không có sách sử chính thống ghi lại, nhưng qua phong thơ ruộng đất, lưu truyền trong các dòng họ thân thế ở đây; thì miễu Bà, miễu Ông và đình làng Triêm Đức được kiến tạo từ đời Hoàng tử Bửu Lâm lên làm vua với niên hiệu Thành Thái thứ năm - vào khoảng năm 1895. Ba tộc họ: Phạm, Vương, Phan có công khởi xướng, lập đình miễu là: Ông Phạm Văn Mẫn, tự Phạm Văn Huy, tục danh Bá hộ Ngọt; Vương Chí Hiền, tự Vương Chí Hiếu; Phan Viết Văn, tự Phan Văn Công đứng ra trông coi và đôn đốc việc xây dựng. Thi công xây dựng đình, miễu là những người thợ được rước từ Thừa Thiên - Huế. Miễu Bà, tục gọi miễu Nước Nóng, nằm trên đồi núi kề suối nước nóng là nơi phụng thờ Tiên nữ Âu Cơ; xuôi về cuối vực Đá Ràng, cách mép sông 200m là ngôi miễu Ông, còn gọi là miễu Chính, nơi thờ Lạc Long Quân. Tục gọi là miễu nhưng thực ra đây là hai ngôi đền thờ đồ sộ và trang nghiêm, chứ không phải như những miếu nhỏ dân gian - thờ vong âm hồn, các bác. Nền  móng còn lại cho thấy, mỗi đền có diện tích rộng trên 50m2.

 

cayda110411.jpg

Gốc đa bên miễu thờ Quốc mẫu Âu Cơ. - Ảnh: M.M.TÂM

 

Ông Thọ, ông Cát giảng giải: Bà là giống Tiên nên lập đền thờ trên núi, Ông là giống Rồng nên lập đền thờ cạnh bờ sông. Ngày đó, đồi núi vực Lò được coi là nơi linh thiêng “hòn cấm”, không ai dám bén mảng, chặt phá cây rừng. Tại miễu Bà có một cây sộp to vài ba người ôm, ai qua đây đều phải cúi đầu van vái. Cách miễu Ông, miễu Bà 1.000m, xuôi về phía bến đò Hóc Óng (nơi qua lại giữa hai thôn Thạnh Đức và Triêm Đức, hồi còn chung xã Xuân Quang) là một ngôi đình, tục gọi đình Triêm Đức; không chỉ có dân làng Triêm Đức mà cho cả nhân dân vùng tây bắc Phú Yên tề tựu về đây hoan hỉ, vui chơi trong những ngày cúng tế bà Âu Cơ và Lạc Long Quân.

 

Theo hiện trạng nền móng và lời kể của các cụ cao niên, đình Triêm Đức hồi còn nguyên vẹn, được xây dựng trên khuôn đất rộng gần 1ha. Đình có 3 gian: gian thờ chính điện dùng để ngày đêm dâng hương tưởng niệm, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước. Phía đông là gian nhà thờ các bậc tiền, hậu hiền, những người đã có công khai cơ, lập nghiệp cho cộng đồng cư dân tây bắc Phú Yên. Phía tây là gian dùng cho việc hội họp của Hội đồng chức sắc làng xã để luận bàn những việc liên quan đến việc tổ chức lễ hội, tu tảo đình miễu và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Phía sau đình là gian nhà kho, tục gọi là lẫm làng dùng để chứa lương thực, thực phẩm phục vụ cho lễ cúng tế.

 

Đình miễu ngày ấy được xây cất kiên cố, đồ sộ, hoành tráng; cột sơn son thiếp vàng, rượng, trính chạm khắc hoa văn; hoành biển, liễn đối, cửa võng trang hoàng rực rỡ. Trước tháng 8/1945, hàng năm, mỗi độ xuân thu nhị kỳ (rằm tháng 3, rằm tháng 8 âm lịch) và tết Nguyên đán, tại miễu Ông, miễu Bà, đình làng được người dân Triêm Đức và nhân dân trong vùng tổ chức cúng rước đình đám.

 

ƯỚC NGUYỆN DÂN LÀNG

 

Trong bút tích tập bản thảo “Hát về đất tổ, quê cha” của ông Phạm Tung, một cán bộ lão thành, nay đã 83 tuổi, quê ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, người tham gia cách mạng từ những năm 1930 và hiện sống ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), ông viết về Phú Yên bằng diễn ca toàn thơ lục bát. Trong một bài thơ có tên “Triêm Đức - một di sản văn hóa của Phú Yên” của tác phẩm này có đoạn:

 

Miễu Chính từ lúc ban sơ

Là nơi tưởng niệm tổ sơ Hùng Đàm

Miễu nước nóng bảng vàng đề chữ

Biết ơn bà Tiên nữ Âu Cơ

 

Theo lịch sử xã Xuân Quang, sau Cách mạng Tháng 8/1945, thực hiện Chỉ thị của Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 5 và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên, miễu Ông, miễu Bà và đình làng được chuyển giao cho Ủy ban Kháng chiến hành chính dùng làm xưởng Quân giới Liên khu 5, đúc lựu đạn và làm kho vũ khí cung cấp cho chiến trường cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chống Pháp. 

 

Chín năm quân giới ở Xuân Quang

Đình miễu thành xưởng, lẫm làng thành kho.

Chịu thiệt thòi để chung lo việc nước

Cứu giống nòi để mất trước, được sau...

 

Vậy nên có câu:

 

Triêm Đức có núi hòn Chinh,

Cây cao, bóng cả, công binh thay nhà 

(Phạm Tung)

 

Sau bị Việt gian chỉ điểm, nơi đây có các kho vũ khí nên Pháp đã dùng máy bay oanh tạc, ném bom đình miễu bị đánh sập và thành hoang phế từ đó.

 

Ý thức rất rõ về giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của một quần thể di tích đã từng tồn tại cách đây hàng trăm năm, nơi thờ cúng vua Hùng cũng là nơi thực hiện triệt để hiệu triệu “tiêu thổ kháng chiến”, từ năm 2010, những người cao tuổi ở thôn Triêm Đức đã đệ đơn xin phép được khôi phục, trùng tu các di tích. Thiết nghĩ, đây là ước nguyện chính đáng của dân làng, ngành chức năng và chính quyền cần quan tâm, mong làm sống lại một di tích mà cha ông đã từng nặng lòng với các bậc tiền nhân.

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuy An - những trầm tích trăm năm
Thứ Ba, 12/04/2011 08:00 SA
Qua vùng thắng tích Hương sơn
Thứ Sáu, 08/04/2011 10:00 SA
Vẻ đẹp biển đảo Phú Yên
Thứ Sáu, 01/04/2011 19:00 CH
Triển lãm cổ vật Phật giáo
Thứ Sáu, 01/04/2011 10:25 SA
Tạm chia tay về xuôi công tác
Thứ Năm, 31/03/2011 07:14 SA
Tạm chia tay về xuôi công tác
Thứ Tư, 30/03/2011 07:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek