Từng tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh địch nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, như Hòn Ngang, Hòn Đình, Phú Cần, núi Sầm, núi Thơm… khiến địch hoang mang, lo sợ; nay dù đã sắp bước vào tuổi thượng thọ, nhưng ký ức về những tháng năm chiến đấu gian khổ và oanh liệt vẫn còn đầy ắp trong từng câu chuyện của người lính đặc công năm xưa.
Tôi tìm gặp ông Nguyễn Xuân khi chỉ còn vài ngày nữa là đến kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12). Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng người lính Cụ Hồ này vẫn còn minh mẫn.
Những trận đánh lịch sử
Ông Nguyễn Xuân sinh năm 1928 ở làng biển Đa Ngư, Hòa Hiệp (nay là khu phố Đa Ngư, phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa). Sống trong vùng tạm chiếm nên từ nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh địch đàn áp nhân dân. Vì thế, năm 20 tuổi, ông xung phong, tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, ông được phân làm xạ thủ trung liên, tham gia chiến đấu ở các chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm trinh sát ở Trung đoàn 803, rồi đi học chuyên ngành Đặc công tại Trường Sĩ quan Đặc công (Bộ Quốc phòng) và học bổ túc văn hóa. Đến tháng 11/1959, ông trở về Nam chiến đấu, tham gia huấn luyện lực lượng trinh sát, đặc công của Tỉnh đội Phú Yên.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh đội, ngày 20/2/1964, tại làng Phong Cao, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, đơn vị Đặc công của tỉnh được thành lập mang phiên hiệu “202”. Ông Xuân được bổ nhiệm làm đại đội trưởng; các ông Tô Đình Giao, Phan Công Nhỏ (Thanh) làm đại đội phó và ông Nguyễn Thế làm chính trị viên. Sau đó, cả đại đội bước vào đợt huấn luyện dài ngày, chủ yếu là tác chiến hiệp đồng.
Trận đánh đầu tiên của Đại đội 202 là tập kích khu ấp chiến lược kiểu mẫu Phú Cần (xã An Thọ, huyện Tuy An) vào tháng 7/1964.
Ông Xuân nhớ lại: “Sau 7 ngày đêm nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường và bảo đảm tốt cơ sở, Đại đội 202 phối hợp với Tiểu đoàn 85 thực hiện nhiệm vụ trên giao. Đại đội 202 đảm nhiệm mục tiêu chủ yếu gồm khu chỉ huy của Đại đội Bảo an (khu chợ) và lực lượng địch trong ấp, còn Tiểu đoàn 85 đảm nhiệm các mục tiêu còn lại và hình thành thế bao vây chặt quân địch. Đúng 1 giờ ngày 15/7/1964, ta đồng loạt nổ súng ở các mục tiêu chủ yếu.
Ông Nguyễn Xuân năm 1975. Ảnh nhân vật cung cấp |
Trận đánh quyết liệt giữa ta và địch kéo dài đến hơn 4 tiếng đồng hồ, ta mới làm chủ được các mục tiêu. Địch nằm ngoài ấp tháo chạy, Tiểu đoàn 85 đã khép lại vòng vây tiến công tiêu diệt từng bộ phận. Đến 8 giờ sáng hôm sau mới kết thúc trận đánh. Ta tiêu diệt gọn Đại đội Bảo an 945 và Trung đội dân vệ, diệt và bắt sống 70 tên, thu 1 cối 60 ly và 1 đại liên”.
Đây là trận đánh mở đầu thắng lợi của Đại đội 202 do ông Xuân chỉ huy, vì vậy trách nhiệm rất nặng nề xen lẫn niềm tự hào. Sau chiến thắng này, 2.000 người bị địch dồn dân ở đây trở về làng cũ, toàn xã An Thọ hoàn toàn giải phóng. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Chiến công phá ấp chiến lược kiểu mẫu Phú Cần đã được tỉnh chọn xây dựng bia chiến công tiêu biểu năm 2019 và là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân là một cán bộ trung thực, thẳng thắn, gương mẫu, dũng cảm, sâu sát và chu đáo, thương yêu chiến sĩ. Ông Xuân tham gia rất nhiều trận đánh, mỗi trận do ông chỉ huy đều thắng lợi vẻ vang. Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh |
Suốt cuộc đời binh nghiệp, trải qua gần 30 trận đánh lớn nhỏ như: Hòn Ngang, Hòn Đình, đèo Cù Mông, Núi Một (xã Hòa Tân Tây), ông Xuân nhớ nhất là trận đánh địch tại núi Sầm (xã Hòa Trị).
Ông kể: “Đại đội Đặc công 202 phối hợp với Tiểu đoàn 85 và lực lượng chủ chốt ở huyện Tuy Hòa 2 lúc đó chia ra nhiều mũi tấn công. Giờ G là 0 giờ 30 thực hành nổ súng, nhưng không hiểu sao các lực lượng địa phương của huyện nổ súng đánh vào các mục tiêu khác trước giờ quy định theo hiệp đồng.
Lúc này, đơn vị 202 còn cách cứ điểm một lớp hàng rào. Khi nghe các hướng nổ súng, địch báo động và chạy ra công sự. Tôi lệnh cho các mũi nằm im để giữ được yếu tố bất ngờ và chờ lệnh sau. Đến 2 giờ sáng, địch cho là quân ta không còn khả năng đánh nữa nên chủ quan sơ hở.
Lợi dụng thời cơ này, lực lượng ta tiếp cận cứ điểm bí mật mở rào, ém sát các mục tiêu. Đúng 3 giờ ngày 24/10/1965, các mũi đồng loạt nổ súng tiến công. Trận đánh diễn ra quyết liệt, có mũi phải đánh 3 đến 4 lần mới tiêu diệt các mục tiêu đã định. Hơn 30 phút nổ súng, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt và làm bị thương gần 200 tên (có 3 cố vấn Mỹ) bắt sống 5 tù binh và thu 1 đại liên, 1 cối 60 ly, phá hủy 2 pháo 105 ly. Quân ta hy sinh 6 đồng chí và 6 người khác bị thương”.
Sau trận này, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Sau chiến thắng Núi Sầm, Đại đội Đặc công 202 nhận lệnh chuyển hướng đánh địch ở 3 mục tiêu: ấp Phú Mỹ - đồi A Man - đồi Sơn Trà (Tuy An) và xóa sổ Đại đội Bảo an 201, giải phóng một mảng Bắc Tuy An, buộc Chiến đoàn 47 của địch lâm vào thế trận phục kích của Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn 30 trên đoạn dốc Mít - Quán Cau. Cả Chiến đoàn 47 và nhiều xe cơ giới bị đánh thiệt hại nặng khi đến chi viện. Kế đó, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân tiếp tục chỉ huy trận tập kích đánh vào Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 ở Chóp Chài vào đêm 28/12/1965 và gây cho địch nhiều thiệt hại.
Suốt 7 năm ở Đại đội Đặc công 202, ông Xuân đã tham gia, chỉ huy đánh địch hầu hết các chiến trường trong tỉnh. Năm 1971, quân khu điều ông về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 402, 404 đóng quân tại Quảng Nam. Và ở đây, ông Xuân trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu anh dũng mang lại thắng lợi vẻ vang như trận đánh quận Tiên Phước (Quảng Nam). Năm 1973, quân khu điều ông về làm phái viên Tiểu đoàn 407 ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cho đến ngày giải phóng.
Kỳ vọng ở thế hệ trẻ
Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nói về người đồng chí, đồng đội của mình trong những năm tháng cùng nhau chiến đấu trên chiến trường Phú Yên: “Ông Nguyễn Xuân là cán bộ trung thực, thẳng thắn, gương mẫu, dũng cảm, sâu sát và chu đáo, thương yêu chiến sĩ. Ông tham gia nhiều trận đánh, mỗi trận do ông chỉ huy đều thắng lợi vẻ vang”.
Kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội mà đại tá Trần Văn Mười nhớ nhất là lúc ông Xuân được chuyển ra công tác ở Quân khu V, ông Mười chuyển lên tỉnh. Để có bữa tiệc nhỏ chia tay cùng đi nhận nhiệm vụ mới, ông Mười mang chiếc áo Tô Châu (Trung Quốc) được quân khu tặng ra chợ đổi lấy gà về nấu cháo. Cả đơn vị có một bữa liên hoan, ấm tình đồng đội giải phóng quân.
Sau khi Phú Yên hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Xuân làm Tổng giám thị trại tù binh ở Ngân Điền (Sơn Hòa). Đến năm 1979, trại tù binh giải thể, ông nghỉ hưu về với gia đình, sinh sống ở TX Tuy Hòa. Phát huy truyền thống và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sau khi trở về địa phương, ông đã có nhiều đóng góp cho cơ sở như làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 5, Bí thư Chi bộ khu phố Nguyễn Huệ trong 10 năm.
“Ông Xuân là cựu chiến binh gương mẫu, ông luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, ông Võ Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 5, TP Tuy Hòa cho biết.
“Suốt 27 năm cầm súng bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ của người thanh niên trong thời kỳ ác liệt, gian khổ nhất, nhớ lại bao đồng đội đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng, đặc biệt là những người đã anh dũng hy sinh, tôi thấy rằng mình vẫn là người may mắn.
Vì vậy, khi còn có thể là tôi tiếp tục cống hiến sức mình để đền đáp công ơn, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ và đồng bào. Tôi luôn kỳ vọng vào lực lượng kế thừa và tự nhủ phải cố gắng, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, noi gương Cụ Hồ, hiểu hơn về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, ông Xuân trải lòng mình.
KHÔI NGUYÊN