Năm 1976, trên địa bàn bắc Phú Khánh có ba đơn vị hành chính cấp huyện: huyện Tây Sơn (Sơn Hòa và Miền Tây nhập lại), huyện Xuân An (Tuy An và Đồng Xuân nhập lại), huyện Tuy Hòa (huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa nhập lại).
Cuối tháng 9/1976, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh gồm có: Văn phòng UBND tỉnh, Tỉnh đội, Bưu điện tỉnh, Sở Điện lực, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, Chi cục Thống kê, Chi cục Vật tư, các ty An ninh, Nông nghiệp, Lương thực, Thủy sản, GTVT, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Thương nghiệp, Công nghiệp, Tài chính, Lao động, Giáo dục, Y tế, Văn hóa - Thông tin, Thương mại - Xã hội, Xây dựng, Nhà đất, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Thanh tra, Tòa án, Viện kiểm sát và các ban Kinh tế mới, Quản lý Tiểu thủ công nghiệp, Cải tạo Nông nghiệp, Dân tộc - Định canh định cư, Cải tạo Công Thương nghiệp, Công nghiệp, Xây dựng cơ bản, Thi đua khen thưởng và Ban Tổ chức chính quyền.
Ngày 15/5/1977, cuộc bầu cử HĐND tỉnh Phú Khánh đầu tiên được tổ chức, có 94 vị trúng cử đại biểu HĐND tỉnh. Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa I diễn ra từ ngày 27-30/6/1977. HĐND tỉnh bầu ông Mai Dương làm Chủ tịch UBND tỉnh, các ông Hồ Ngọc Nhường, Nguyễn Duy Luân, Nguyễn Hữu Ái, Phạm Hồng Quang, Nguyễn Quyết làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Ngô Hộ làm Ủy viên thư ký UBND tỉnh. Ủy viên UBND gồm các ông: Lê Văn Đại, Cao Sơn Hà, Quách Tử Hấp, Bùi Đức Nhung, Nguyễn Thúc Tịnh, Châu Văn Phi, Bá Nam Trung và Nguyễn Văn Ánh.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 và Đại biểu Đảng bộ Phú Khánh lần thứ nhất (vòng 2), họp từ ngày 21-26/3/1977, tại TP Nha Trang, trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình mọi mặt của tỉnh, nhận rõ những thuận lợi và khó khăn, đánh giá các thành tích và khuyết điểm, HĐND tỉnh Phú Khánh khóa I khẳng định những khả năng to lớn của tỉnh về 3 thế mạnh, có điều kiện để giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, phát triển nghề biển, nghề rừng, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cần thiết cho đời sống và xuất khẩu, thông qua phương hướng, nhiệm vụ chung và các mục tiêu lớn của kế hoạch 5 năm (1976-1980).
Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Khánh, các huyện, thị trên địa bàn bắc Phú Khánh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là vấn đề sản xuất lương thực.
UBND tỉnh Phú Khánh xác định: “Khai hoang, mở rộng diện tích canh tác là vấn đề mấu chốt nhất, quyết định nhất để phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế”.
Trong năm 1978, trên địa bàn bắc Phú Khánh, 4.252ha đất đươc khai hoang, góp phần tăng diện tích gieo trồng lúa từ 46.365ha năm 1976 lên 54.634ha năm 1978. Năng suất lúa bình quân đạt 17,9 tạ/ha, riêng vùng trọng điểm lúa huyện Tuy Hòa có năng suất cao nhất toàn tỉnh, đạt 283,57tạ/ha. Các loại cây hoa màu như sắn, bắp, khoai lang năng suất đều có sự tăng trưởng hơn trước. Sản lượng lương thực quy ra lúa tính theo đầu người đạt 283,5kg/người/năm, đóng góp cho Nhà nước 26,994 tấn, tăng 4.544 tấn so với năm 1976. Ngoài ra, tỉnh còn trợ giúp đồng bào vùng bị bão lụt ở hai tỉnh Nghệ Tĩnh và Long An 500 tấn lúa giống. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, lạc, vừng, bông và nhất là cây mía trên địa bàn bắc Phú Khánh đạt 2.871ha, năng suất bình quân đạt 412,6 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển, đưa đàn trâu tăng lên hơn 1.866 con, đàn bò 74.528 con, đàn heo 74.190 con…
Về thủy lợi, ra sức củng cố và phát huy các công trình thủy lợi đã có, tiến hành điều tra cơ bản, xây dựng mới thêm một số công trình, phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ như: trạm bơm Nam Bình (huyện Tuy Hòa), trạm bơm Sơn Bình, Chí Thán (huyện Tây Sơn)… tu sửa hệ thống đập Đồng Cam (huyện Tuy Hòa), đập Tam Giang (huyện Xuân An), tăng diện tích tưới thêm cho hàng ngàn hécta lúa.
Ngoài ra còn chỉ đạo tốt vấn đề ruộng đất cho nông dân, xây dựng tổ, đội tương trợ sản xuất, tổ vần đổi công trong sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh Phú Khánh tập trung chỉ đạo tiến hành đợt 1 thí điểm cuộc vận động cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng HTX sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, lấy xã Hòa Bình và huyện Tuy Hòa làm nơi thí điểm của tỉnh. HTX Hòa Bình có 99,4% số hộ nông dân tham gia cùng với tư liệu sản xuất và không có hộ nào xin ra khỏi HTX. Thành công bước đầu của HTX Hòa Bình và một số HTX làm thử ở các huyện đã có những đóng góp về kinh nghiệm cho cuộc vận động hợp tác hóa toàn tỉnh lúc bấy giờ.
Năm 1978, toàn tỉnh xây dựng được 63 HTX và trên 170 tập đoàn sản xuất, thu hút hơn 90% hộ nông dân tham gia. Để nhanh chóng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, UBND tỉnh Phú Khánh: “Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng HTX sản xuất nông nghiệp, đưa lên thành cao trào, cơ bản hoàn thành hợp tác hóa trong năm 1979”. Đến tháng 10/1979, toàn tỉnh thu hút được 90% hộ nông dân vào trên 200 HTX sản xuất nông nghiệp và trên 200 tập đoàn sản xuất, tập thể hóa 85% ruộng đất và công cụ lao động. Các huyện Tuy Hòa, Tuy An và TX Tuy Hòa xây dựng xong các HTX sản xuất nông nghiệp. Kinh tế HTX tỏ rõ tính ưu việt trong việc huy động lực lượng lao động giải quyết các yêu cầu về thủy lợi, thâm canh, mở rộng diện tích, khai hoang, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, mở rộng ngành nghề, phân công lại lao động, nhất là đối với bần nông ít ruộng và người không có ruộng. Các HTX miền núi thực sự phát huy tác dụng trong việc từng bước làm thay đổi bộ mặt cuộc sống cũ của đồng bào dân tộc thiểu số. Đi đôi với cải tạo nông nghiệp, tỉnh tiến hành có kết quả việc phân bố lại lao động và đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trong hai năm 1978-1979, các huyện, thị ở bắc Phú Khánh đã đưa được 918 hộ gia đình, với 4.300 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Về nghề cá, ngư dân được tổ chức lại, đấu tranh xóa bỏ bóc lột của tư sản nậu, vựa, thành lập các tổ HTX và tập đoàn đánh cá; lập đội tàu quốc doanh đánh bắt tôm, cá, xây dựng hệ thống bến cá, bước đầu quy hoạch và tổ chức lại việc nuôi trồng thủy sản ở các đầm, đìa lớn như đầm Ô Loan, vận động nhân dân nuôi cá đầm, đìa nước mặn, nước lợ, nước ngọt… phát động phong trào làm “ao cá Bác Hồ”. Hàng năm, các huyện, thị trên địa bàn bắc Phú Khánh đánh bắt được hơn 2 vạn tấn cá, tôm, thu mua hàng ngàn tấn hải sản, riêng năm 1978 thu mua tăng lên gấp 2,5 lần so với năm 1977. Bên cạnh đó, hàng năm các địa phương này còn chế biến được gần 3 triệu lít nước mắm, sản xuất được khoảng 2,5 vạn tấn muối.
Nghề rừng đã được quy hoạch lại, có kế hoạch bảo vệ rừng, trồng rừng. Các lực lượng khai thác tư nhân được tái tạo, chuyển thành tổ chức sản xuất theo kế hoạch Nhà nước. Bộ máy tổ chức lâm nghiệp với một đội ngũ cán bộ, công nhân và hệ thống cơ sở vật chất bao gồm các lâm trường, vườn ươm, xưởng chế biến, trạm cung ứng lâm sản bước đầu được xây dựng. Kinh tế lâm nghiệp chủ yếu là khai thác rừng tự nhiên.
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn như thiếu điện, vật tư cung ứng không đồng bộ, kịp thời; máy móc, thiết bị cũ kỹ, không có phụ tùng thay thế; xăng dầu, phương tiện vận chuyển thiếu; lao động có trình độ tay nghề không cao. Tuy vậy, trong những năm 1977-1979, toàn tỉnh khôi phục và xây dựng được 37 cơ sở quốc doanh trên 3.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 2 vạn lao động. Đến tháng 10/1979, toàn tỉnh chuyển 1.000 trong tổng số 12.000 hộ thương nghiệp sang sản xuất, tuyển dụng lại 3.100 chủ, thợ, sắp xếp và tổ chức lại 1.654 đơn vị sản xuất. Hình thành mạng lưới kính tế - kỹ thuật bao gồm các cơ sở công nghiệp cơ khí, HTX cơ khí, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải từ tỉnh đến cơ sở…
Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, công tác lưu thông phân phối không ngừng phát triển. Mạng lưới thương nghiệp XHCN được xây dựng bao gồm hệ thống các cửa hàng quốc doanh, HTX mua bán, HTX tiêu thụ, cửa hàng thu mua và phân phối lương thực, thực phẩm, cung ứng vật tư từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, Nhà nước nắm được nguồn hàng địa phương để phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân và xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu hình thành được một số mặt hàng có giá trị là tôm, mực, cá đông lạnh và gỗ ván sàn. Đồng thời phát triển được một số mặt hàng mới sản xuất từ nguyên liệu địa phương. Giá trị hàng xuất khẩu mỗi năm tăng lên từ 50-60%.
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 1/4/1978 của Ban Chấp hành Trung ương và Quyết định 87-CP ngày 25/4/1978 của Chính phủ về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, từ ngày 2-10/5/1978, các huyện, thị trong tỉnh đã hoàn thành công tác thu, đổi tiền.
Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về việc nhập huyện, tỉnh, nhận thấy huyện quá rộng, khó quản lý, không sát cơ sở, do đó tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cho chia tách các huyện Xuân An và Tuy Hòa. Ngày 22/9/1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 241/CP chia huyện Xuân An thành huyện Tuy An và Đồng Xuân; chia huyện Tuy Hòa thành TX Tuy Hòa và huyện Tuy Hòa.
UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Năm học 1978-1979, các huyện, thị trên địa bàn bắc Phú Khánh có 96 trường phổ thông các cấp, với 118.938 học sinh. Năm 1978, bắc Phú Khánh có 68 cơ sở chữa bệnh với 1.123 giường. Cũng như giáo dục, Nhà nước thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.
Trên lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, UBND tỉnh và chính quyền các cấp kiên quyết đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, kịp thời ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phá hoại của địch, truy lùng và tiêu diệt các toán vũ trang phản cách mạng, phá các tổ chức chính trị phản động vừa nhen nhóm. Từ năm 1977 đến tháng 10/1979 có 12 tổ chức phản động như “Việt Nam Quốc Dân đảng”, “Hội đồng nhân dân kháng chiến”, “Đảng liên minh Việt Nam” ở huyện Tuy Hòa; “Quân lực Mặt trận quốc gia giải phóng” ở TX Tuy Hòa, “Mặt trận cứu nguy dân tộc” ở Tuy An, “Phi Long chiến” ở Tây Sơn, “Đệ tam công hòa” ở Đồng Xuân… bị xóa sổ. Ngoài ra, ta còn phát hiện, bắt giữ hàng trăm vụ vượt biên, đưa người trốn đi nước ngoài trái phép và các tổ chức phản động từ bên ngoài thâm nhập vào.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh nỗ lực tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới Tây Nam nước ta nổ ra. Ngày 30/4/1977, Pôn Pốt sử dụng lực lượng lớn tiến công vào 14 xã thuộc tỉnh An Giang. Quân Pôn Pốt áp sát biên giới phía tây Đắk Lắk (Sư đoàn 920) và Gia Lai - Kon Tum (Sư đoàn 801). Ngày 10/6/1978, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra mệnh lệnh chiến đấu trên tuyến biên giới Tây Nam. Đối với tỉnh Phú Khánh, Quân khu điều động 2 đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 97 thành lập Tiểu đoàn 96B để tăng cường cho Đắk Lắk, thành lập tiểu đoàn thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu ở biên giới Campuchia.
THÀNH NAM