Thứ Sáu, 20/09/2024 04:48 SA
Phú Yên kháng chiến, kiến quốc năm 1946
Thứ Sáu, 08/09/2017 09:53 SA

Để kịp thời đối phó với tình hình chiến sự ngày một lan rộng, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra lời kêu gọi toàn dân tham gia làm vũ khí và chủ trương tổ chức các công binh xưởng, đáp ứng nhu cầu vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang đủ ngăn cản bước tiến của quân thù.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi này, hầu như toàn bộ các tổ chức thợ thuyền ở TX Tuy Hòa đã tập trung về Sông Cầu để chuẩn bị lập công binh xưởng. Mọi tầng lớp nhân dân lao động trong tỉnh, từ những thợ kim hoàn, thợ da, thợ hớt tóc, công nhân Nhà máy đường Đồng Bò… đến những thợ thủ công có tay nghề giỏi như ông Hồ Kiến Mão, ông Xáng và cả những người có trình độ kỹ thuật cao đã từng tốt nghiệp ở Trường Kỹ nghệ thực hành của Pháp… đều tình nguyện tham gia lực lượng sản xuất vũ khí. Họ hiến dâng vô tư cho Tổ quốc, cho cách mạng tài sản, máy móc, nguyên vật liệu và cả chính cuộc đời mình. Những chiếc xe than của các ông Đỗ Trực, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Thanh ngày đêm chuyên chở những khối máy móc thiết bị từ Garage Công Tính Xương, Garage Hoàng Văn Cái, xưởng của ông Hồ Kiến Mão, ông Sáng…, từ những lò rèn của ông Sáu Méo, ông Hoàng Mây, ông Mười Do… hối hả đổ về Sông Cầu khẩn trương xây dựng xưởng.

 

Đoàn dân công tiếp tế chiến trường ở ga La Hai năm 1946

 

Sau khi cơ bản hoàn thành công việc tập kết trang thiết bị, ngày 10/10/1945, Công binh xưởng Cao Thắng - đứa con đầu lòng của ngành Quân giới Phú Yên chính thức ra đời. Ông Đỗ Trực, một trong những người con đã tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành, có tay nghề cao và có ý chí trong chuyên môn được anh em tín nhiệm cử ra tuyên bố thành lập xưởng. Cùng với ông Nguyễn Hữu Dũ, ông Đỗ Trực đã trực tiếp chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn hoạt động của công binh xưởng.

 

Khi tiếng súng kháng chiến đã lan ra trên toàn quốc cũng là lúc yêu cầu về vũ khí, súng đạn trở nên cấp thiết hơn, một số công binh xưởng khác tiếp tục ra đời. Hơn một năm, sau ngày thành lập công binh xưởng đầu tiên, cuối năm 1946, Công binh xưởng 83 thuộc Trung đoàn 83, Đại đoàn 27 ra đời. Công binh xưởng 83 đóng tại thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Mỹ, do ông Nguyễn Hữu Chiêu (còn gọi là Hội đồng Chiêu) phụ trách. Lực lượng khá mỏng, với gần 20 công nhân, xuất thân từ tổ cơ khí chi đội 4 cũ, đảm nhiệm các nhiệm vụ: đốc công, kế toán, quản đúc, nguội, liên lạc và sưu tầm nguyên vật liệu.

 

Cùng thời gian này, trước yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang địa phương - các đơn vị dân quân ở các huyện cần phải được trang bị vũ khí phù hợp với chiến trường chiến tranh du kích. Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập Công binh xưởng dân quân Phú Yên, tên gọi là Cơ xưởng dân quân. Tỉnh đội Phú Yên chịu trách nhiệm tổ chức công binh xưởng này, ông Nguyễn Tất Dung phụ trách, biên chế ban đầu khoảng 25 người mà nòng cốt là những cán bộ dân quân được đào tạo tại Công binh xưởng Cao Thắng. Cơ xưởng dân quân khi mới thành lập đóng tại xóm Vườn, thôn Phú Vang, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân.

 

Đến cuối năm 1946, ở Phú Yên đã có 3 công binh xưởng được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Đó là Công binh xưởng Cao Thắng, Công binh xưởng 83 và Cơ xưởng dân quân. Nhìn chung, bên cạnh những thuận lợi là lòng yêu nước, tinh thần nhiệt tình cách mạng và ý chí quyết tâm cao của đội ngũ những người thợ quân giới, những khó khăn cơ bản mà ngành Quân giới Phú Yên từ buổi ban đầu đã phải trực tiếp đương đầu, đó là con người có kỹ thuật, trang thiết bị và nguyên vật liệu.

 

Trong số những công binh xưởng đã thành lập, Cao Thắng là công binh xưởng mang tính quy mô hơn cả, và ngay từ đầu đã xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành Quân giới Phú Yên, là nơi hội tụ đông nhất, mạnh nhất về trí và lực của tầng lớp công nhân cách mạng Phú Yên trong thời kỳ lịch sử đầy biến động này. Nhiều người đã hy sinh trong quá trình sản xuất vũ khí. Tiêu biểu nhất là chiến sĩ Đoàn Ngọc Lân xung phong thử lựu đạn, hy sinh. Để ghi công anh, Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh quyết định đổi tên Xưởng sản xuất vũ khí Cao Thắng thành Xưởng sản xuất vũ khí Đoàn Ngọc Lân.

 

Tháng 4/1946, đội “Vệ binh cảm tử” được đổi tên thành “Công an”, hoạt động theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến xã. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào phòng gian bảo mật, xây dựng các “tổ cảm tử” sẵn sàng đánh địch, bảo vệ chính quyền cách mạng và tính mạng tài sản của nhân dân.

 

Ngày 19/8/1945, Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên xuất bản tờ báo Chiến Thắng phổ biến rộng khắp trong toàn tỉnh về chủ trương, chính sách thông qua con đường phát hành và đọc lại trên hệ thống loa ở cơ sở.

 

Như vậy, sau khi giành được chính quyền, công tác dân vận của Đảng bộ Phú Yên tập trung vào ba nhiệm vụ chính của cuộc cách mạng: xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; chống giặc đói, giặc dốt. Tiến hành tốt những công tác ấy chính là sự xây dựng và chuẩn bị lực lượng cách mạng đủ sức đối phó với một cuộc chiến tranh lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Một trong những mốc son là chính quyền cách mạng non trẻ thành lập Trường trung học Lương Văn Chánh - ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên, khai giảng ngày 15/10/1946. Thầy Trần Sĩ (Đốc Sĩ - trước Cách mạng Tháng Tám làm Đốc học) - một vị nhân sĩ trí thức nổi tiếng được chính quyền mời làm Hiệu trưởng. Nhà trường quy tụ một đội ngũ giảng viên là những trí thức tiêu biểu lúc bấy giờ như Trần Suyền, kỹ sư nông học Lê Duy Trinh, nhà giáo Bùi Xuân Các, cử nhân Hán học Phạm Đàm, bác sĩ Lê Trinh…

 

Mặt trận văn hóa văn nghệ phục vụ đắc lực cho công tác dân vận. Nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng) xuất bản đặc san “Mùa đông binh sĩ” vận động toàn dân ủng hộ bộ đội. Bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan, “Nhớ máu”, “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh… là những tác phẩm tiêu biểu của văn học cách mạng, có sức lan tỏa và cổ vũ rất lớn. Trên địa bàn Phú Yên quy tụ nhiều văn nghệ sĩ tài hoa như họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Việt Phương, nhà thơ Nguyên Hồ, nhà văn Ngô Tịnh Hà (em trai Xuân Diệu), GS Hoàng Như Mai, nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Trần Mai Ninh… đã đóng góp đặc sắc, góp phần cổ vũ động viên quần chúng ủng hộ kháng chiến.

 

Nhằm duy trì khả năng hòa hoãn, tạo điều kiện chuẩn bị lực lượng, ngày 6/3/1946, Chính phủ ta ký với đại diện Chính phủ Pháp hiệp định sơ bộ; sau đó ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp tạm ước Phông-ten-nơ-blô. Nhưng với bản chất hiếu chiến và dã tâm xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thô bạo phủ nhận các điều khoản đã được ký kết.

 

Ở miền Nam, thực dân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân, càn quét, bình định, mở rộng các vùng chiếm đóng, xúc tiến việc thành lập “Chính phủ lâm thời” của Nam kỳ, ở miền Bắc, quân Pháp chiếm đóng thêm nhiều nơi.

 

Trên địa bàn Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chiếm được các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, trực tiếp uy hiếp tỉnh Phú Yên.

 

Thực hiện chủ trương “Toàn dân đánh giặc”, nhân dân Phú Yên hăng hái tham gia các đội dân quân tự vệ - mỗi làng có từ một đến hai trung đội. Các đội dân quân tự vệ thường xuyên tham gia các lớp huấn luyện quân sự.

 

Tỉnh thành lập Phòng Quốc dân thiểu số chuyên trách công tác vận động đồng bào các dân tộc ở miền Tây Phú Yên. Phòng Quốc dân thiểu số do ông Đặng Sĩ Đối làm Trưởng phòng, ông Cao Xuân Thiêm phụ trách văn phòng, có 20 nhân viên, lúc mới thành lập đóng ở TX Tuy Hòa, tháng 12/1946 dời về La Hai, Đồng Xuân, cử cán bộ về từng buôn làng tuyên truyền giáo dục chủ trương chính sách, thắt chặt tình đoàn kết trong nội bộ đồng bào các dân tộc với nhau, đoàn kết giữa đồng bào Kinh với đồng bào Thượng; đoàn kết quân dân, tập trung sức chống dân quân du kích, bố phòng canh gác bảo vệ buôn làng; bài trừ mê tín dị đoan.

 

Trên chiến trường cả nước, thực tế cho thấy khả năng hòa hoãn không còn.

 

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra trong phạm vi cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha kêu gọi toàn dân quyết tâm kháng chiến.

 

Đáp lời kêu gọi của Người, cả nước ra trận. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện lâu dài và gian khổ bắt đầu.

 

Cuối năm 1946, Đảng bộ, Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính và Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên phát động toàn dân võ trang thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, sẵn sàng đánh giặc, quyết tâm bảo vệ vùng tự do. Công tác dân vận của Đảng bộ Phú Yên thời kỳ này tập trung vận động nhân dân trong tỉnh hăng hái gia nhập các lực lượng vũ trang chiến đấu. Hàng trăm nam nữ xung phong gia nhập các đội cứu thương, tiếp tế phục vụ chiến đấu. Ở mặt trận đèo Cả và miền Tây tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk; bộ đội, quân dân xây dựng các tuyến bố phòng, phá hoại cầu đường, nhà kiên cố, đào hào giao thông, đắp ụ cản xe địch. Khắp nơi trong tỉnh, đồng bào hăng hái thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”. Đồng bào và dân quân huyện Tuy Hòa rầm rập kéo vào đèo Cả phá đường, phá cầu, lập tuyến bố phòng chống giặc. Dọc bờ biển, dân quân dựng trạm gác trên các điểm cao, canh gác tàu thủy và đề phòng máy bay địch đánh phá. Các đoàn thể cứu quốc trong tỉnh huy động hàng ngàn đoàn viên, hội viên ở Tuy Hòa và Sông Cầu ngày đêm luân phiên đào đường, dùng búa tạ đục và kéo đổ từng mảng tường gạch.

 

Lực lượng dân quân chiến đấu của TX Tuy Hòa được huy động phá một số công trình kiên cố như: Nhà ga xe lửa, Băng-ga-lô, Sở Liên nông, đồn lính khố xanh, Sở Dây thép, Nhà máy rượu Xi-ca, Nhà máy đèn; nhà lầu kiên cố của dân như: phòng ngủ Hòa Hưng, phòng ngủ Tân Hiệp, nhà ông Dũ Khương, ông Dũ Ký, nhà ông Nguyễn Tài Sý… đều bị phá. Đối với nhà ngói của dân chưa phá kịp thì chất một đống củi lớn, rơm rạ trong nhà, nếu địch đến không phá kịp thì dân quân đến châm lửa đốt. Các đoàn thể cứu quốc ngoài việc huy động lực lượng thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, phá hoại những công trình lớn còn vận động, giúp đỡ nhân dân triệt để tản cư; vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia dân quân đánh giặc. Đồng bào dân tộc thiểu số hăng hái gia nhập bộ đội, dân quân, bố phòng thành từng cụm cứ điểm vùng giáp ranh giữa Phú Yên với Đắk Lắk.

 

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Ủy ban hành chính Trung Bộ, tháng 11/1946, toàn tỉnh Phú Yên được chia thành 6 chiến khu.

 

Chiến khu 1 gồm các xã phía nam sông Đà Rằng (hiện nay là huyện Đông Hòa và Tây Hòa); Chiến khu 2 gồm các xã phía bắc sông Đà Rằng (hiện nay là huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa); Chiến khu 3 gồm các xã huyện Tuy An; Chiến khu 4 gồm các xã huyện Sơn Hòa; Chiến khu 5 gồm các xã phía tây huyện Đồng Xuân; Chiến khu 6 gồm các xã phía đông huyện Đồng Xuân (nay là TX Sông Cầu).

 

Mỗi chiến khu có Ủy ban kháng chiến chiến khu. Nhiệm vụ Ủy ban kháng chiến chiến khu là động viên chỉ đạo trực tiếp các công tác chuẩn bị và sẵn sàng đánh địch, tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ, sản xuất vũ khí, phá hoại đường sá, tiêu thổ kháng chiến xây dựng làng chiến đấu, bảo vệ vùng tự do.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek