Chủ Nhật, 22/09/2024 15:50 CH
Hồi ức về giao liên trên đường 559
Thứ Tư, 21/11/2007 08:00 SA

Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi là khách của giao liên trên đường 559, con đường đã đi vào lịch sử, đã trở thành huyền thoại.

 

071119-Duong-559.jpg

Một cung đường 559

Từ Phú Yên đến làng Ho (Quảng Bình),  điểm đầu của đường Trường Sơn, mất chừng 3 tháng. Trong 90 ngày đó, mỗi ngày giao liên đưa khách đi qua hai trạm, với hai lần giao ban. Hành trình của giao liên trên đường 559 không thể tính bằng cây số mà tính bằng số lần mặt trời mọc, mặt trời lặn. Những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi đã làm việc âm thầm, cống hiến âm thầm và nhiều người trong số họ đã hy sinh rất âm thầm, góp phần vào ngày toàn thắng.

 

Sau khi tập kết ra Bắc (năm 1954), tôi cùng nhiều đồng chí khác luyện tập đi đường bộ để vào khu 9. Nhưng sau đó, chúng tôi không đi đường bộ mà đi bằng đường thủy. Tôi cùng một số đồng chí là khách trên chiếc tàu không số do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy. Tàu cập bến Vũng Rô vào cuối năm 1964.

 

Quãng cuối năm 1969 đầu 1970, tôi được cấp trên phân công làm trưởng đoàn  030 K, đưa một số anh em ra Bắc để đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Đoàn có gần 60 người. Tôi lúc đó là C bậc trưởng thuộc phân khu Nam của khu 5 (gồm Phú Yên, Đắc Lắc, Khánh Hòa).

Đoàn chúng tôi tập kết tại trạm Ông Toa ở Gia Lai. Hành trang mang theo, ngoài đồ dùng sinh hoạt cá nhân còn có thư từ, kỷ vật của anh em ở cơ quan phân khu Nam và các bác sĩ, y tá người miền Bắc ở hai bệnh viện Trúc Bạch và Hồ Tây gởi về cho gia đình. Từ trạm Ông Toa, chúng tôi được một giao liên dẫn đường, bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn ra Bắc.

 

Đi đến trưa là tới một trạm khác. Sau khi ăn cơm trưa, hai giao liên - một dẫn đoàn từ ngoài Bắc vào, một dẫn đoàn từ Phú Yên ra - bàn giao công việc. Vậy là đoàn chúng tôi có một “tổng tư lệnh” mới - người sẽ đưa chúng tôi đi đến chiều để tới một trạm khác và nghỉ đêm ở đó. Còn người giao liên vừa đưa chúng tôi đến đây thì  quay trở về cùng với đoàn khách vừa từ ngoài Bắc vào.

 

Nếu như “trạm buổi trưa” không có nhà thì “trạm buổi chiều” trên đường 559 thường có nhà cho khách ngả lưng qua đêm. Đến những trạm này, chúng tôi thường xin cấp thêm lương thực, cụ thể là sắn. Loại lương thực này được trồng dọc đường đi. Nhưng trên có một quy định rất nghiêm: Sau khi nhổ sắn không được để trên mặt đất, ăn xong thì phải chôn cây sắn. Nhờ đó mà sắn mọc liên tục không theo mùa vụ nào cả, cung cấp lương thực cho những đoàn người ra Bắc vào Nam trên đường 559.

 

Cần phải nói thêm rằng đường 559 không phải chỉ duy nhất một con đường. Theo tôi được biết, những đơn vị chủ lực đi đường riêng, còn những đoàn nhỏ 50 - 70 người thì đi theo đường dây này.

 

Hành trình của chúng tôi vô cùng vất vả, thường xuyên phải lội suối trèo đèo. Có những đoạn Mỹ làm mưa nhân tạo nhão đường nhão sá. Một trong những nỗi ám ảnh khi đi đường rừng là… con vắt. Có mưa, vắt sinh sôi rất nhiều. Nghe tiếng động, từ trong bụi cây chúng rào rào bắn ra. Để đối phó với những con vật hút máu này, chúng tôi pha xà phòng, vôi, thuốc lá rồi thoa lên chân. Phát hiện con vắt bu vô chỗ nào thì chấm hỗn hợp trên vào để nó rớt ra. Con vắt dữ hơn con đỉa. Nó thường chui vô những chỗ khó phát hiện, cắn và hút máu cho đến lúc no tròn bằng ngón tay. Chỗ nó cắn chảy máu cả ngày. Con vắt sống ở trên cây màu rằn ri nhìn hơi giống chiếc lá, cắn nhức buốt hơn con vắt ở dưới đất. Mà đâu chỉ có vắt! Từ Quảng Ngãi trở ra còn có ruồi vàng. Con này cắn đâu thì chảy máu đó.

 

Có những lần chúng tôi đi dưới đất, máy bay địch bay trên đầu, nhưng chúng không phát hiện. Theo sự hướng dẫn của giao liên, mỗi lần gặp máy bay thì cả đoàn dừng lại, ngồi yên tại chỗ. Khi nào thấy máy bay quần đảo, nghĩa là chúng đã phát hiện, thì sơ tán ngay, tất nhiên cũng dưới sự hướng dẫn của giao liên chứ không phải mạnh ai nấy chạy. Cho nên cũng không ngoa khi nói rằng giao liên nắm giữ sinh mạng của cả đoàn.

 

Trên đường đi, chúng tôi không nói chuyện; dụng cụ bằng sắt thì buộc lại để không tạo ra tiếng động, đề phòng “cây nhiệt đới” do máy bay Mỹ thả cắm xuống đất. Nếu “cây nhiệt đới” thu được tiếng động, truyền tín hiệu về đài chính, địch sẽ định hướng và thả bom. Chính vì vậy, có những đoàn lớn, đã đi qua một khu vực rồi thì phải đi ngược trở lại, phòng chúng thả bom ở phía trước.

Hành trình rất khó khăn, ai đi chậm thì ráng rảo chân cho kịp. Trên đường dây này, giao liên là người chỉ huy không cấp bậc nhưng mệnh lệnh rất nghiêm. Họ vừa dẫn đường, vừa là y tá chữa bệnh (thường gặp nhất là sốt rét) cho anh em trong đoàn. Phần đông giao liên là con gái. Họ đi rất nhanh.

 

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh sinh năm 1930, quê ở Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa; tham gia kháng chiến từ năm 1952. Về hưu với cấp bậc thiếu tá, ông trở thành Chủ nhiệm CLB Thơ Diên Hồng, Thường trực CLB Hưu trí TP Tuy Hòa.

Thỉnh thoảng, trên đường đi, cả đoàn dừng lại để học tập những chỉ thị của Trung ương. Ra đến Quảng Ngãi, chúng tôi gặp một đoàn khác tháp tùng với mình.

 

Ròng rã hơn 3 tháng, cả đoàn đến trạm Ho (Quảng Bình). Từ đây có xe chở chúng tôi ra Bắc, tới huyện Thường Tín (Hà Tây). Một thời gian sau, tôi được điều về Tiểu đoàn pháo 130 ly thuộc Lữ đoàn 204, tập kết ở núi Triệu Sơn (Thanh Hóa), chuẩn bị đi B lần thứ hai thì chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Trên điện xuống, bảo cả đơn vị chuẩn bị sẵn sàng. Song chúng tôi chưa nhận lệnh đi chiến đấu thì đất nước thống nhất!

 

Giờ đây, 32 năm sau khi chiến tranh kết thúc, tôi vẫn giữ hồi ức đẹp về giao liên trên đường 559 - những người đã lặng lẽ góp phần làm nên mùa xuân đại thắng của dân tộc.

 

Ông NGUYỄN NGỌC CẢNH kể 

LÂM VY ghi

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Xuân
Thứ Hai, 23/07/2007 15:51 CH
Kỳ Lộ - Cây Dừng
Thứ Năm, 05/07/2007 09:22 SA
Trung Trinh – Đá Tượng – Bãi Đồng
Thứ Ba, 03/07/2007 14:10 CH
Sông Cái
Thứ Hai, 25/06/2007 07:24 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek