Chủ Nhật, 22/09/2024 15:55 CH
Nước mắt của Mẹ - Truyện ký của TÔ PHƯƠNG
Thứ Hai, 15/10/2007 11:06 SA

 

Thôn Tân Lập, xã Xuân Sơn nằm dọc sát bờ sông Cái.

 

Lũy tre làng rợp bóng từ đầu thôn đến cuối thôn, cặp mép bờ sông um tùm và cao vút, vừa che chắn gió cát mùa hè, vừa chống xói mòn, sụt lở mùa mưa gió, bão lụt, như một bức tường thành án ngữ phía đông bắc.

 

071015-me.jpgPhía trước thôn là cánh đồng bát ngát vừa đất thổ trồng mía, sắn; vừa đất ruộng trồng lúa một mùa, nhưng hầu hết là của những nhà giàu; bà con nhà nghèo chỉ làm thuê cuốc mướn cho chúng. Giữa cánh đồng có một hòn núi khá lớn tên là Hòn Định, do tên địa chủ Nguyễn Thượng chiếm đoạt, ai chặt vài que củi là nó bắt và bị phạt khá nặng nề. Dưới chân núi Hòn Định là nơi chôn cất người chết của bà con quanh vùng. Nhưng muốn được chôn cất ở đó phải xin phép tên địa chủ Nguyễn Thượng. Đầu mỏm núi Hòn Định ở phía bắc người ta dựng một cái nhà thờ nho nhỏ để cúng linh hồn những người chết không có nhà cửa, gọi là Nhà Phán. Cũng ở giữa cánh đồng mà chênh chếch về phía đông có một khóm rừng, chừng vài chục cây me, cây đa rất to, hai người ôm gốc cây không xuể, người ta dựng trong khóm cây ấy mấy cái am để cúng, bà con gọi đấy là miễu Cây Sộp, linh thiêng lắm.

 

Thôn Tân Lập có vài chục nóc nhà, vài trăm dân, toàn là người nghèo, họ sống với nhau chan hòa, đoàn kết, vui buồn có nhau. Giữa thôn có tên địa chủ gian ác tên là Nguyễn Thượng. Nó tự xưng là xã Ba Thượng. Nó đi đâu cũng cưỡi một con ngựa trắng, ai gặp nó cũng phải cúi rạp người xuống để chào.

 

Trong số những người nghèo nhất ở thôn Tân Lập, có gia đình ông Nguyễn Ớt - bà con thường gọi là ông Tám Ớt. Nguyễn Thị Mưa là đứa con thứ năm của ông Tám Ớt.

 

Những tháng năm tuổi thơ của Mưa, hình ảnh quê hương làng xóm từ bãi cát trắng phau, dòng sông Cái hiền hòa đến những con đường làng rợp bóng hàng keo, trên đó ken dày những ổ chim sâu, chúng bện bằng lá mía rất khéo léo, và cánh đồng, trái núi... đã làm Mưa yêu mến gắn bó với mảnh đất đã sinh ra mình.

 

Trước sân nhà ông Tám Ớt có một cây mận rất quí hiếm. Giống mận lai rất sai quả, trái to, màu trắng đục, chua chua, ngọt ngọt và có một mùi thơm rất lạ, khác xa với các loại mận của bà con trong vùng. Lên 12 tuổi, Mưa đã bưng rổ mận đi bán quanh xóm. Bọn trẻ con thôn Tân Lập chỉ chờ chị Mưa đi bán mận là mua ngay. Tiếng lành đồn xa, trái mận ngon của ông Tám Ớt chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp xã. Từ 17 tuổi trở đi, khi đến mùa mận chín, Mưa thường gánh mận đi các chợ Phật Học, Hà Bằng để bán góp tiền mua gạo, mua mắm, cá về cho gia đình.

 

Ở cái tuổi bắt đầu trưởng thành này Mưa đã biết suy nghĩ nhiều điều khác với nhiều bạn bè cùng lứa; rất thương cha mẹ nghèo khổ, rất chịu khó làm lụng góp sức nuôi gia đình, kính trọng người già, yêu quí lớp trẻ em.

 

Đặc biệt, Mưa rất căm ghét bọn địa chủ cường hào. Mưa thường sang nhà chú Tám Sâm thăm chú và hỏi chú: “Tại sao bọn Nguyễn Thượng, Nguyễn Hậu, Nguyễn Lữ... ở xã mình giàu thế hở chú?”.

 

Chú Tám Sâm học nhiều, biết rộng, lúc ấy đã có ý thức làm cách mạng, nên ông trả lời ngay: “Như cháu đã thấy đấy. Chúng nó đều làm tay sai cho bọn đế quốc phong kiến, cậy quyền, cậy thế, chiếm hết ruộng đất, kể cả núi non, sông bãi rồi bắt dân nghèo phải đi làm thuê, cuốc mướn cho chúng. Chúng nó bóc lột dân mình nên chúng nó mới giàu. Chừng nào còn bọn đế quốc phong kiến, bọn địa chủ gian ác thì dân mình còn khổ cực, cháu ạ!”.

 

Mỗi lần sang nhà thăm chú Tám Sâm được chú khuyên bảo cho những điều mới lạ mà lâu nay Mưa không tự giải thích được. Dần dần Mưa đã hiểu được chút ít thế nào là giai cấp, thế nào là cách mạng.

 

Nhưng rồi chú Tám Sâm đi đâu mất không thấy trở về thôn Tân Lập. Mưa hỏi thím Tám Sâm (vợ chú Tám), thím nói rằng chú đi dạy học ở xa. Mãi đến những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Mưa mới thấy chú Tám Sâm trở về khi đang đọc diễn văn trong ngày khởi nghĩa kêu gọi nhân dân đứng lên làm cách mạng ở sân vận động của xã. Bây giờ Mưa mới biết chú Tám Sâm là người cách mạng. Mưa rất mừng và xúc động.

 

Mưa có thân hình cân đối dễ nhìn, khuôn mặt vuông vuông. Trán cao, sống mũi dọc dừa, đôi mắt đen láy, trên đôi môi lúc nào cũng nở nụ cười rất dễ gần. Mưa được bà con cô bác và đám thanh niên trai gái cùng lứa khen là đứa con gái đẹp người, đẹp nết nhất làng. Ngày ngày Mưa đi về trên những con đường làng quen thuộc, lúc thì đi làm cỏ mướn, lúc thì đi bán mận, bán rau, hình ảnh quê hương in sâu vào tâm tư tình cảm của mình. Những lời người già trong làng kể lại, gắn kết với những thực tại của quê hương trở thành một dấu ấn in đậm trong lòng Mưa không thể nào quên được.

 

Một hôm Mưa đi bán mận ở chợ chiều Phật Học trên đường trở về thì trời bỗng đổ mưa to, gió lớn. Vì sợ trời sắp tối, Mưa vừa đi vừa chạy. Tự nhiên nghe tiếng người gọi to:

 

- Mưa ơi! Con vào nhà bác nghỉ một lát, dứt cơn mưa hãy về!

 

Mưa quay lại nhìn, nhận ra người gọi mình là bà Trịnh Thị Nãn ở thôn Tân Phú. Bà Nãn cũng đi chợ Phật Học về, nhưng bà có mang áo tơi lá nên không bị ướt. Nhà bà Nãn ở thôn Tân Phú nằm trên đường quốc lộ 1, cách thôn Tân Lập hơn hai cây số, phải vượt qua một cánh đồng rộng. Bà Nãn lại dục:

 

- Đến nhà bác đây rồi, con vào nghỉ, sưởi lửa cho đỡ lạnh. Ướt hết thế này sẽ bệnh đó con!

 

Bà Nãn vừa nói vừa nhẹ nhàng nắm tay kéo Mưa đi theo mình.

 

Bà Nãn là mẹ anh Năm Thích. Bà rất thương con và lo cho anh Năm học hành chu đáo. Hồi đó học đến bậc trung học như anh Năm Thích là khá nhất làng. Anh Năm Thích lớn hơn Mưa hai tuổi, vóc người cao lớn, khỏe mạnh, đẹp trai. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Năm vẫn bỏ lớp đi theo những người cách mạng. Và anh sớm giác ngộ cách mạng từ đó.

 

Hai người vừa bước vào đến sân, anh Năm Thích từ trong nhà chạy ra đỡ quang gánh của mẹ. Bà Nãn nói:

 

- Có mấy trái mít trong vườn mẹ đã bán hết rồi. Con lại đỡ gánh cho cái Mưa kia kìa.

 

Năm Thích ngượng ngùng đỡ quang gánh cho Mưa. Mưa cũng đã bán hết mận rồi, nhưng có mua hơn chục ký gạo, gạo bị ướt nhèm.

 

Bà Năm lật đật nhóm lửa rồi gọi Mưa vào sưởi cho ấm. Bà lấy lược vừa chải tóc cho Mưa vừa nói:

 

- Con để số gạo bị ướt lại cho bác dùng. Sẵn gạo ướt bác ngâm luôn để làm bún. Thay vào đó con lấy gạo khô của bác đem về nghen! Bác đã dặn thằng Năm Thích chuẩn bị rồi. Con cứ nghỉ cho khỏe đừng vội.

 

Bây giờ thì Mưa hết lo số gạo bị ướt mà lại lo làm sao về được nhà. Trời đã sắp sập tối mà mưa lại càng nặng hạt làm cho Mưa càng bối rối như tơ vò. Mưa vụt nhớ đến câu chuyện của bà Hai Láo, bà Bảy Núc kể về ma bật, ma trơi, ma dắt... ở miễu Cây Sộp, Nhà Phán mà trên đường về thôn Tân Lập, Mưa phải đi ngang qua những nơi đó. Càng nghĩ Mưa càng thấy ớn lạnh xương sống, toàn thân nổi da gà. Như đoán biết được tâm trạng của Mưa lúc này, bà Nãn nói:

 

- Khi nào trời ngớt mưa thì thằng Năm Thích sẽ đưa con về tận nhà. Con đừng lo gì cả.

 

Trời vẫn còn mưa lâm thâm, nhưng Mưa xin phép được về kẻo quá muộn. Bà Nãn lấy chiếc áo tơi lá của mình choàng cho Mưa và tiễn Mưa ra tận cổng nhà. Trời tối đen như mực, thỉnh thoảng một vài tia chớp lóe lên soi rõ bóng hai người đang lội bì bõm trên cánh đồng. Họ đi bên nhau nhưng không ai nói với ai lời nào. Thế mà trong lòng họ đều thổn thức những suy nghĩ và tình cảm rạt rào khó tả. Họ cùng muốn đoạn đường về thôn Tân Lập xa hơn, cách trở hơn để họ được đi bên nhau lâu hơn.

 

Ánh đèn dầu nhà ông Tám Ớt hắt ra sân. Cây mận trước sân bị mưa gió nên trái rụng trắng cả gốc. Bà Tám Ớt ngồi bên trong cửa sổ nhìn ra ngoài ngõ có vẻ sốt ruột. Năm Thích đưa Mưa tới dưới gốc duối sát cửa ngõ nói:

 

- Đến nhà rồi, Mưa vào đi để hai bác trông.

 

- Tui gởi lại anh cái áo tơi lá cho bác gái - Mưa nói có vẻ lúng túng.

 

- Mưa cứ mang áo tơi vào nhà đi. Lúc khác gởi lại cũng được.

 

Họ bịn rịn chia tay nhau. Năm Thích còn đứng đó, khi bóng của Mưa đã khuất hẳn trong nhà hồi lâu, mới đi về.

 

Từ lúc Năm Thích và Mưa ra đi, bà Nãn vẫn ngồi trước hiên nhà chờ con về. Lòng bà cảm thấy vui vui. Từ lâu bà đã nghĩ bé Mưa là đứa con gái đẹp người đẹp nết. Bà để bụng ý nghĩ và mong muốn làm sao bé Mưa sẽ là đứa con dâu của bà. Mỗi lần đi chợ Phật Học gặp Mưa, bà là người đầu tiên đến mua mận của Mưa, hỏi chuyện với Mưa vài ba câu để cho Mưa được gần bà. Nhiều lần trên đường đi chợ về bà đều bảo Mưa vào nhà bà nghỉ uống nước, nhưng Mưa đều lễ phép từ chối. Lần này, thật may là nhờ có trời mưa to, gió lớn buộc Mưa phải đồng ý vào nhà bà - Theo bà cái chính là để cho hai đứa nó: Thích và Mưa được gặp nhau và Mưa cũng bớt phần e thẹn.

 

Bà Nãn đang suy nghĩ làm cách nào để Mưa và Thích sớm được thành vợ thành chồng thì bà mới thật mãn nguyện, thì Năm Thích bước vào sân, gọi một tiếng rõ to: Mẹ! Bà Nãn vui vẻ:

 

- Con đã về! Trên đường đi hai đứa bay có nói chuyện gì không?

 

Năm Thích cười hè hè:

 

- Biết nói chuyện gì hở mẹ! Mắc cỡ muốn chết được.

 

Bà Nãn mắng yêu con:

 

- Cha tổ mày. Lớn tướng mà còn mắc cỡ. Mẹ ưng con Mưa lắm. Mẹ muốn nó làm con dâu nhà mình đấy. Mày nghĩ sao?

 

Năm Thích lại cười hè hè:

 

- Con còn nhiều việc phải làm lắm, chưa muốn cưới vợ đâu mẹ ơi!

 

Nói thì nói vậy nhưng trong lòng Năm Thích cũng rất quý mến Mưa .

 

Đêm hôm đó Mưa thao thức mãi không sao ngủ được. Cô nhớ lại những lời nói bóng gió của bà Nãn trước đây với cô và những tình cảm bà Nãn dành riêng cho cô từ lời nói đến miếng quà ngoài chợ. Và lần này là lần đầu tiên cô vào nhà bà nghỉ trú mưa, được bà hơ lửa sưởi ấm, chải tóc... Những cử chỉ đó của bà Nãn làm Mưa rất xúc động. Mưa nghĩ rằng bà có ý định...

 

Từ đó, những lần Mưa đi chợ Phật Học về muộn cô đều được bà Nãn đưa về nhà bà uống nước, nghỉ nơi giây lát rồi mới về nhà. Lần nào về quá tối thì Mưa được anh Năm Thích đưa về nhà như lần đầu. Mưa rất quý trọng tấm lòng bà Nãn và tình cảm của anh Năm Thích. Tình cảm đó đã dần dần biến thành tình yêu lúc nào họ cũng không ngờ. Ba năm sau, lúc Mưa tròn 20 tuổi, Năm Thích 22 tuổi thì họ thành vợ, thành chồng.

 

Cuộc sống gia đình họ thật hạnh phúc. Mưa vừa làm ruộng vừa cùng bà Nãn đi chợ buôn bán trái cây, rau, mắm... Năm Thích thì giúp vợ làm ruộng, thỉnh thoảng đi vắng hàng tháng trời mới về nhà. Bà Nãn không biết con mình đi đâu, nhưng Mưa thì biết chồng mình đang đi hoạt động cách mạng... Những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, anh Năm Thích cùng với chú Tám Sâm tham gia lật đổ chính quyền bù nhìn, phong kiến ở địa phương. Từ đó anh trở thành cán bộ cốt cán của xã Xuân Sơn.

 

Ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến Giơneve có hiệu lực. Năm Thích lúc đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Xuân Sơn. Anh được cấp trên phân công ở lại xã Xuân Sơn không đi tập kết ra miền Bắc. Anh cùng với các đồng chí đảng viên cán bộ xã ra sức xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, động viên nhân dân đoàn kết, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu mới. Lúc này bọn ngụy quân, ngụy quyền, bọn địa chủ  ác ôn ngóc đầu dậy ra sức truy quét, tìm diệt cán bộ, đảng viên còn ở lại không đi tập kết. Đầu năm 1957 anh Năm Thích bị địch bắt và giam ở nhà lao Ngọc Lãng (Tuy Hòa). Dù bị địch tra tấn rất dã man, nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng không hé răng nửa lời. Trước phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân trong xã lên án bọn ngụy quân, ngụy quyền trả thù những người kháng chiến cũ là vi phạm Hiệp định Giơneve, cuối năm 1959 anh Năm Thích ra tù, trở về xã tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1961 bọn địch lại bắt anh trong một chuyến đi công tác xuống cơ sở. Lần này chúng đày anh đi các nhà giam ở Sài Gòn và Huế. Cuối năm 1962 anh thoát ngục ra căn cứ cách mạng tiếp tục hoạt động và được bầu là huyện ủy viên của huyện Đồng Xuân.

 

Ngày 23/3/1964, anh Năm Thích cùng ba  người nữa là anh Lưu, anh Quý và anh Lê từ căn cứ cách mạng ở xã An Nghiệp đi công tác đến xã An Định thì bị địch phục kích. Chúng nó bắn chết anh Quý, anh Lưu và anh Lê chạy thoát. Anh Năm Thích núp vào một lùm chuối, bọn địch không phát hiện ra nên chúng tập trung lại lật xác anh Quý lên để lục soát. Đứa thì cười hô hố khi tháo được chiếc đồng hồ, đứa thì lấy chiếc ví tìm tiền và tài liệu. Năm Thích vô cùng căm giận nên đã dùng súng ngắn nhả đạn. Hai tên địch trúng đạn ngã nhào và rống lên như bò bị chọc tiết. Những tên còn lại phát hiện được nơi ẩn nấp của Năm Thích nên chúng tập trung bắn mạnh vào lùm chuối. Trước lúc hy sinh anh Năm Thích đập tan nát khẩu súng ngắn, vứt đi mỗi nơi một mảnh và xé hết toàn bộ tiền bạc của nhân dân cơ sở ủng hộ cách mạng và danh sách những người ủng hộ. Bọn địch chắp những mảnh giấy vụn ấy lại để tìm xem ai là người ủng hộ cách mạng để trả thù, nhưng anh Năm Thích chỉ ghi: Anh Ba, Chị Bốn, Bác Bảy, Dì Năm… nên chúng cũng đành bó tay không khai thác được gì ở những mẫu giấy vụn đó. Có thằng buộc miệng chửi tục: “Đ… mẹ, thằng cộng sản này khôn thật (?)…”

 

Được tin chồng chị bị địch bắn chết ở xã An Định, Năm Mưa liền đến tận nơi trong ngày. Thấy xác chồng bê bết máu, chị ôm lấy xác anh khóc nức nở.

 

Một thằng lính địch nói:

 

- Nó bắn người ta, người ta bắn lại, có gì mà phải khóc.

 

Xã An Định và xã Xuân Sơn liền kề nhau, nơi Năm Thích hy sinh cũng gần xã Xuân Sơn, nên bọn ác ôn xã Xuân Sơn hay tin Năm Thích bị chúng nó phục kích bắn chết cũng chạy đến nơi xem và có vẻ hả hê lắm. Năm Mưa thuê xe lam chuẩn bị đưa xác chồng về xã chôn cất, thằng Bảo xã trưởng ngụy quyền và thằng Phò cảnh sát trưởng xã Xuân Sơn ngăn lại không cho.

 

Thằng Bảo nói:

 

- Năm Thích là thằng cộng sản cồ, chết đâu chôn đó.

 

Bà con xã Xuân Sơn có mặt tại đó rất đông. Cảm phục trước tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Năm Thích; cảm động trước một phụ nữ đã góa chồng, để lại một đàn con nhỏ và mẹ già mà bọn ác ôn nhẫn tâm không cho người nhà đem xác về quê chôn cất, bà con rầm rộ phản đối. Nhiều người hô đả đảo bọn ác ôn…

 

Bà Hai Lành, người già nhất trong số bà con có mặt tại đây, lại ở gần nhà với tên Bảo vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nói:

 

- Bảo! Người xưa thường nói nghĩa tử là nghĩa tận. Lâu nay mày đã làm quá nhiều điều ác với người còn sống. Bây giờ với người đã chết mày còn muốn gây thêm tội ác nữa hay sao? Mày cũng có cha, có mẹ, có vợ, có con, mày mà làm điều ác với người đã chết, trời đất sẽ tru diệt cả mấy đời nhà mày đấy. Biết điều thì để cho gia đình Năm Mưa đưa Năm Thích về chôn cất ở quê nhà.

 

Thằng Phò, cảnh sát trưởng của xã hống hách:

 

- Xác của thằng Năm Thích là cái quái gì mà bà con coi trọng giữ vậy. Cả nhà nó là gia đình côïng sản. Đưa xác nó về chôn ở xã là để cổ vũ cho gia đình nó và bà con cả xã Xuân Sơn à! Chết đâu chôn đó, đừng có làm rắc rối ra. Dẹp! Giải tán!

 

Bác Hai Thắng là người nông dân trung thực, thẳng thắn được bà con trong xã rất quý trọng. Ông cầm chiếc rựa xông lên chỉ vào mặt thằng Phò:

 

- Trong giòng họ thì tao là bác của mày. Việc này tao nói mày phải nghe. Những điều mày vừa nói là sai béc. Ở trên đời ai cũng có tổ, có tông, có nhà có cửa, có quê hương bản quán. Người đã chết phải được đưa về quê nhà chôn cất là hợp đạo lý. Mày đã làm một việc phi đạo lý chắc không sớm thì muộn cũng phải trả giá cho hành động giã man của mày.

 

Bà con xã Xuân Sơn kéo xuống đông hơn. Họ cầm dao rựa, gậy gộc, ánh mắt đầy căm thù hô vang khẩu hiệu:

 

- Đả đảo bọn dã man!

 

- Đả đảo bọn tề ngụy ác ôn.

 

- Phải đưa xác anh Năm Thích về xã Xuân Sơn mai táng.

 

Thằng Phò nhìn quanh, thấy bà con kéo đến ngày càng đông, khí thế bừng bừng và không thấy xã trưởng Bảo đâu nữa, biết tên Bảo đã chuồn, nên hắn cũng chuồn luôn.

 

Năm Mưa được bà con cô bác hai xã An Định và Xuân Sơn giúp đỡ đưa thi hài anh Năm Thích về mai táng trên mảnh đất ông bà ở quê nhà.

 

Vài ngày sau tên Trần Xạo, cảnh sát trưởng huyện Đồng Xuân biết được sự việc đó, nó gọi tên Bảo và tên Phò lên huyện. Vẻ mặt đỏ gay nó chửi inh ỏi:

 

- Hai ông ăn lương chính phủ quốc gia mà ngu như bò. Đằng nào thì tên cộng sản Năm Thích cũng đã chết rồi, chôn đâu thì chôn cho xong chuyện. Các ông bày ra cái chuyện không cho gia đình đem xác nó về địa phương chôn cất để tạo ra cái cớ để cho bà con hai xã kéo đến đấu tranh hàng ngàn người, rồi các ông bỏ chuồn, có phải nhục không nào? Từ chỗ không ai biết chuyện Năm Thích đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi đập súng vứt đi mỗi nơi một mảnh mới chịu chết, bây giờ lan tỏa khắp huyện. Các ông có biết mấy hôm nay ở khắp đường làng, ngõ hẻm, khắp các chợ búa trong huyện mọi người đều bàn tán, ca tụng, xem cái chết của tên cộng sản Năm Thích là rất gan dạ, rất anh hùng là một tấm gương để họ noi theo. Các ông có nhận ra đó là một cái ngu dại nữa không? Bây giờ Năm Thích đã chết, nhưng nó vẫn còn sống trong lòng nhân dân, cũng là do sự ngu dốt của hai ông làm ra cả.

 

Trần Xạo đập bàn, nghiến răng ken két. Hai tên Bảo và Phò mặt mày tái mét, cúi đầu vâng dạ liên hồi.

 

&&&

 

Trước bàn thờ chồng, tối nào Năm Mưa cũng thắp hương khấn và tâm sự: “Anh ơi! Anh sống khôn, chết thiêng, anh nhớ luôn trở về phù hộ cho gia đình ta, để em và các con được mạnh khỏe, làm ăn no đủ và tiếp tục con đường cách mạng của anh còn đang bỏ dở. Em xin báo với anh một tin vui: Thằng Nguyễn Phi Khanh, con trai đầu của chúng mình được các bác, các chú đưa ra miền Bắc học tập. Nó gởi thư về báo tin  nó học rất giỏi và nó nói sẽ có ngày trở về miền Nam chiến đấu để trả thù cho ba. Những đứa con khác như Nguyễn Thị Bông, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Phi Chánh, Nguyễn Thị Vân đều khỏe mạnh, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và biết cố gắng lao động giúp đỡ mẹ và thường thay mẹ lúc ốm đau, làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men cho các cô, các chú trên cứ cách mạng. Đứa nào cũng nói lớn lên con sẽ ra căn cứ hoạt động cách mạng. Phần em từ ngày anh đi xa, em vẫn mạnh khỏe và vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của tổ chức phân công. Em nghĩ rằng ở nơi chín suối, anh vẫn thấy em và những đứa con của chúng ta đang sống và chiến đấu kiên cường dưới nanh vuốt của kẻ thù. Sẽ mãi mãi xứng đáng với tấm gương của anh! Anh mất rồi, cán bộ và bà con trong xã mình thương tiếc vô cùng. Họ thường xuyên đến thăm, giúp đỡ và bảo vệ gia đình chúng ta. Anh yên tâm!”

 

Từ ngày bị tên Trần Xạo chửi cho mất mặt, hai tên Bảo và Phò càng oán thù chị Năm Mưa và cả gia đình của chị. Chúng nó cho bọn dân vệ canh gác, theo dõi nhà chị rất sát sao. Lúc đi chợ, cũng như ở chợ về chúng nó đều lục soát quang gánh của chị có mang đồ tiếp tế cho cộng sản không. Những đứa con của chị đi làm ruộng, đi hái củi, chúng nó đều chặn lại lục soát từ đầu đến chân.  Có bữa chúng nó còn nhốt các em ở trụ sở xã không cho về nhà. Mặc! Mẹ con chị Năm Mưa không hề nao núng. Chị và các con vẫn có cách quyên góp trong nhân dân và tiếp tế mọi thứ cho cách mạng. Mẹ con chị còn đào cả hầm bí mật trong nhà để nuôi dấu cán bộ cách mạng. Hầm bí mật ở nhà chị rất an toàn, có ngách thông ra vườn nhà rồi ra ngoài núi nên rất thuận lợi để cán bộ cách mạng thoát thân khi bị địch vây ráp.

 

Đầu năm 1966, chị Năm Mưa tổ chức bà con, nhất là lực lượng phụ nữ trong xã đấu tranh chống lại kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của bọn tề ngụy địa phương. Cuộc đấu tranh này kéo dài trong nhiều năm, làm cho kẻ địch điêu đứng. Biết chị là người tổ chức, chỉ đạo và chỉ huy cuộc đấu tranh chính trị này nên địch bắt chị giam ở xã hai tháng, sau đó chúng đưa chị lên giam ở huyện hằng năm trời. Chúng nó đánh đập, tra tấn rất dã man, chết đi sống lại nhiều lần, nhưng không khuất phục được chị. Được bà con trong xã liên tục đấu tranh và bảo vệ, nên năm sau bọn địch buộc phải thả chị về nhà. Chị lại tiếp tục các nhiệm vụ đã được cách mạng giao phó.

 

Giữa năm 1967, Nguyễn Phi Chánh tròn 18 tuổi, thân hình cao lớn vạm vỡ, rất giống ba. Chánh đang học văn hóa ở thị xã Tuy Hòa. Một hôm trên đường về thăm nhà, ra đến Phong Niên, Chánh vô tình gặp được các bác, các chú cán bộ cách mạng là bạn cũ của ba (anh Năm Thích), Chánh năn nỉ xin đi theo ra căn cứ cách mạng của huyện Đồng Xuân. Các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Xuân đồng ý cho Chánh ra miền Bắc học tập, nhưng Chánh quyết tâm xin được ở lại miền Nam chiến đấu để trả thù cho ba. Chánh được lãnh đạo huyện phân công làm công tác ở ngành công an. Nửa năm sau Chánh có chuyến công tác về xã Xuân Sơn, tranh thủ ghé thăm mẹ. Lúc đó chị Năm Mưa mới biết Chánh đã ra căn cứ cách mạng và trở thành chiến sĩ công an. Lòng chị vui mừng khôn xiết. Hai năm sau, Chánh được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1971 Chánh được bầu vào ban chấp hành huyện ủy Đồng Xuân. Từ đó Chánh được huyện ủy phân công phụ trách công tác xây dựng cơ sở cách mạng của huyện, thôi làm nhiệm vụ bên ngành công an.

 

Cuối năm 1968, Nguyễn Thị Diên thưa với chị:

 

- Má đã ra tù, nên con xin má cho con đi ra căn cứ hoạt động cách mạng.

 

Chị Năm trả lời:

 

- Việc này má đã suy nghĩ từ lâu, nhất là thời gian nằm trong tù má càng suy nghĩ rất nhiều. Năm nay con đã 25 tuổi rồi, bọn tề ngụy ác ôn thường xuyên qua lại tán tỉnh. Nó thực hiện âm mưu bôi nhọ gia đình cộng sản bằng cách phá hoại cuộc đời của con. Cho nên má nghĩ trước sau gì con cũng phải thoát ly. Một là để góp sức phục vụ cách mạng. Hai là tránh những cặp mắt cú vọ, nhằm dã tâm hãm hại con của bọn tề ngụy. Năm ngoái thằng Chánh em con ra được căn cứ cách mạng, má đã mừng. Năm nay con tiếp tục ra đi làm cách mạng, má càng mừng.

 

- Con đi bằng cách nào cho an toàn hở má?

 

- Con giả vờ đi mua bán cá chừng năm bảy ngày để đánh lừa bọn tề ngụy trong xã, sau đó con đi luôn ra căn cứ cách mạng. Má sẽ tìm cách liên hệ trước, con ra tới nơi sẽ có người đón.

 

Diên thực hiện đúng lời má dặn. Ra đến vùng căn cứ cách mạng Diên được bác Sáu Hoành và dì Bảy Thọ đón tiếp và bảo ban ân cần. Các bác, các cô chú phân công nhiệm vụ gì Diên đều cố gắng hoàn thành. Năm tháng sau Diên được tổ chức cho đi học lớp y tá ngắn hạn, sau đó về phục vụ ở trạm xá huyện do bác sĩ Tín phụ trách. Cuộc chiến đấu ngày càng gay go, ác liệt ở tiền tuyến thì ở trạm xá này anh chị em thương binh ngày càng nhiều. Lúc thì khiêng, cõng thương binh, lúc thì thức suốt đêm để phục vụ mổ xẻ, có lúc phải hiến cả máu của mình để cứu thương binh Diên đều vui vẻ, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

 

Đêm hôm đó Diên trực ca ở bệnh xá. Cô đang nấu cháo để phục vụ thương binh thì pháo 105 ly của địch từ Xuân Lãnh rót xuống hàng trăm quả. Diên cùng đồng đội đưa thương binh xuống hầm kịp thời nên mọi người đều an toàn, duy chỉ có lán trại bị đổ nát gần hết. Hai tiếng đồng hồ sau, địch lại rót đợt pháo lần thứ hai, một quả đạn pháo trúng ngay chỗ Diên đang làm nhiệm vụ. Diên hy sinh vào đêm 16/8/1971 lúc tròn 28 tuổi, chưa có người yêu.

 

Những năm tháng đó khu căn cứ và trạm xá phải thường xuyên di chuyển đến các địa điểm mới nên ba tháng sau chị Năm Mưa mới nhận được giấy báo tử. Nước mắt khóc chồng chưa khô ráo, thì nay chị lại khóc con, khi cầm tờ giấy báo tử trên tay. Chị lật đật đi lên khu căn cứ cách mạng thăm mộ của Diên. Mộ Diên được đồng đội đặt trên mỏm đồi cao cao phía bắc khu căn cứ, ngửa mặt ra dòng suối Nà Hiên mà khi còn sống Diên thường ra đó tắm giặt. Chị Năm Mưa cứ ngồi bên mộ con gái khóc suốt ngày. Sợ chị bị bệnh nặng, anh chị em đồng đội của Diên khuyên chị mãi, chị mới chịu ra về. Rồi cứ năm mười ngày, nửa tháng chị lại lên thăm và thắp hương cho mộ Diên.

 

Nuốt nước mắt và đau thương vào trong lòng, chị Năm Mưa lại tiếp tục những công việc của cách mạng giao phó. Ngoài việc đi quyên góp sự ủng hộ của đồng bào rồi tìm cách chuyển lương thực ra căn cứ cách mạng, chị còn nuôi đồng chí Nguyễn Bút huyện ủy viên trong nhà và tạo mọi điều kiện an toàn tuyệt đối để đồng chí đi lại vào ban đêm chỉ đạo các cơ sở cách mạng trong xã hoạt động. Có lần bọn địch đánh hơi có cán bộ cách mạng trong nhà chị Năm Mưa. Nửa đêm chúng nó bất ngờ ập vào nhằm bắt sống đồng chí Nguyễn Bút. Con chó Vện do chị huấn luyện ngày cũng như đêm nằm canh cửa ngoài sân thấy có người lạ, sủa lên liên hồi. Đồng chí Bút xuống hầm bí mật rồi thoát ra rừng an toàn. Bọn địch khám nhà, chẳng phát hiện được gì, hậm hực rút lui.

 

Buổi chiều ngày 23/12/1971 chị Năm Mưa đang làm cỏ ngoài vườn sau nhà thì nghe mấy tên lính bảo an trên huyện nói léo nhéo với tên Chớ xã trưởng và tên Triều cảnh sát ngụy ở phía trước nhà với ý định để cho chị Năm Mưa nghe được: “-Thằng Nguyễn Phi Chánh con bà Năm Mưa chết rồi. – Ai giết được thằng cộng sản nòi đó? – Nó đi công tác lọt vào ổ phục kích của lính bảo an huyện ở Thạnh Đức xã Xuân Quang. – Thằng này giống cha nó, nó cũng bắn trả lại đến viên đạn cuối cùng mới chịu chết. Thà chết chứ không đầu hàng”.

 

Chị Năm Mưa vừa lau nước mắt vừa đi vừa chạy lên hướng Thạnh Đức, xã Xuân Quang để tìm xác của Chánh. Dọc đường gặp một bà già khoảng ngoài 60 tuổi mặc áo rách hai bên vai, đi chân đất có vẻ vội vã, đội một cái thúng, chị Năm hỏi:

 

- Thím ơi! Thím có biết sáng nay bọn lính bảo an huyện phục kích bắn chết một người cách mạng ở gần đâu đây không? Chỉ dùm cho tui với!

 

Bà ta gật đầu rồi dẫn đường chị Năm đến trạm liên lạc khu căn cứ của huyện. Đến đây chị Năm mới biết bà già cũng là cơ sở cách mạng. Cái thúng bà đội trên đầu là những thứ cần thiết bà tiếp tế cho khu căn cứ. Các đồng chí ở khu căn cứ tiếp đón chị Năm chu đáo và nói rằng: “Để chuẩn bị cho cuộc họp Ban chấp hành huyện ủy vào cuối tháng. Sáng nay đồng chí Chánh đi công tác cơ sở sớm, không may lọt vào ổ phục kích của địch. Đồng chí đã chiến đấu rất dũng cảm rồi mới hy sinh”. Sau đó đưa chị Năm ra mồ của Chánh vừa mới chôn cạnh khu căn cứ. Chị Năm quỳ trước nấm mộ của Chánh than khóc hồi lâu. Sau đó chị quay trở về nhà mua một cái hòm, đồ đạc khâm liệm rồi thuê người và xe lam trở lên khu căn cứ đào mộ, đưa Chánh về quê. Lên đến chợ Lùng, thôn Long Hòa, bọn lính dân vệ không cho đi. Nó bắt chị dở nắp hòm cho nó xem, vì nó nghi trong hòm có đồ tiếp tế cho cộng sản. Chị Năm năn nỉ và nói rõ con chị vừa chết, cần đem về quê chôn cất. Bà con xung quanh xóm chợ biết chuyện đau buồn cũng ra khuyên giải điều lành, lẽ phải nên bọn dân vệ địa phương mới cho đi.

 

Đến nơi, cán bộ và chiến sĩ khu căn cứ cùng những người chị Năm thuê thực hiện việc đào mồ, chuyển Chánh lên tắm rửa, tẩm rượu, khâm liệm, đưa thi thể Chánh vào hòm rồi chở về xã Xuân Sơn.

 

Lần này thằng Chớ xã trưởng và tên Triều cảnh sát ngụy cũng lên mặt làm khó dễ nhưng bà con trong xã vừa đến thăm chia buồn với chị Năm vừa đấu tranh quyết liệt, họ đã nhắc lại sự kiện hồi tháng 3 năm 1964, chúng nó không cho đưa xác anh Năm Thích về quê chôn cất nên đã xảy ra một cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân hai xã Xuân Sơn và An Định, làm cho bọn nó nghĩ lại cũng cảm thấy ớn, cuối cùng chúng nó buộc phải đồng ý cho chị Năm đưa thi hài Chánh về quê chôn cất chu đáo.

 

Ngày 30/4/1975 hòa bình thống nhất nước nhà, chị Năm Mưa vui vẻ hòa trong dòng người đông chưa từng có, tay cầm cờ hoa tiến về sân vận động của xã mừng lễ chiến thắng. Sau đó chị lại khóc khi ngồi một mình trước hàng hiên ngôi nhà lá đơn sơ đầy ắp những kỷ niệm suốt mấy chục năm của cuộc đời chị. Khóc vì thương nhớ những người thân trong gia đình và biết bao đồng bào, đồng chí khác đã khuất. Họ đã hy sinh xương máu để có ngày độc lập thống nhất hôm nay. Sự hy sinh to lớn đó không có gì bù đắp được.

 

Nước mắt chị lại tuôn trào trên đôi gò má nhăn nheo khi đón đưa con trai cả là Nguyễn Phi Khanh từ miền Bắc trở về. Khanh ra miền Bắc lúc mới hơn 10 tuổi, được học văn hóa ở trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng, rồi học Đại học Bách Khoa ở Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu về bộ môn địa chất, nay được bố trí dạy học ở trường Trung cấp công nghiệp Phú Yên. Cùng về miền Nam với Khanh còn có vợ và các con nhỏ – cháu nội của chị Năm. Đó là những giọt nước mắt tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

 

Năm 1976 chị Năm Mưa được cử tri tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Khánh nhiệm kỳ 1976-1980. (Lúc đó là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập lại). Ngày 17/12/1994 chị Năm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm nay chị Năm Mưa năm nào đã là một bà già gần 90 tuổi, nhưng chị vẫn mạnh khỏe, vui vẻ với đàn cháu, chắt nội ngoại của mình tại xã Xuân Sơn.

 

Bây giờ nước mắt của chị Năm vẫn chảy mỗi khi đến nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Sơn thắp hương cho chồng và hai con cùng các đồng đội đang nằm cạnh bên người thân của mình.  

                                      

T.P

(Viết tại thành phố Tuy Hòa tháng 9/2007)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Xuân
Thứ Hai, 23/07/2007 15:51 CH
Kỳ Lộ - Cây Dừng
Thứ Năm, 05/07/2007 09:22 SA
Trung Trinh – Đá Tượng – Bãi Đồng
Thứ Ba, 03/07/2007 14:10 CH
Sông Cái
Thứ Hai, 25/06/2007 07:24 SA
Huyền tích Cù Mông
Chủ Nhật, 24/06/2007 07:05 SA
Tiểu quốc Hoa Anh xưa - Phú Yên nay?
Thứ Sáu, 22/06/2007 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek