Chủ Nhật, 22/09/2024 15:41 CH
Những nguyên tắc đặt đổi tên đường và công trình công cộng
Thứ Sáu, 19/10/2007 07:27 SA

Việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng (CTCC) tại các đô thị trên địa bàn tỉnh ta có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với TP Tuy Hòa trong giai đoạn hiện nay. Sau khi không gian đô thị của thành phố được điều chỉnh và mở rộng theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025, một số tên đường, tên CTCC hiện  không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị, cũng như chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thực tiễn quản lý hành chính Nhà nước và sinh hoạt của nhân dân.

 

071019-ten-duong.jpg

Quốc lộ 1A dự kiến được đổi tên thành đường Nguyễn Tất Thành – Ảnh: MINH KÝ

 

Một số tuyến đường đã được đầu tư xây dựng, mở rộng nhưng chưa có tên đường mà mới chỉ có ký hiệu bằng con số hoặc tên đường quy hoạch, đường nội bộ. Đoạn đường Quốc lộ 1A (cũ) qua thành phố đã trở thành đường nội thành; sự trùng lắp tên đường giữa nội thị cũ với phường mới Phú Lâm (trước thuộc huyện Tuy Hòa). Do vậy công tác đặt tên đường và CTCC càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

 

Về nguyên tắc, việc đặt, sửa đổi tên đường và CTCC tại các đô thị trên địa bàn tỉnh phải mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài, thuận lợi cho hoạt động của nhân dân. Tên nhân vật, sự kiện, địa danh được chọn đặt tên phải thực sự tiêu biểu, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Đồng thời hạn chế tối đa việc xáo trộn, thay đổi tên đường đã đặt trước đây. Tuy nhiên, nếu thấy không hợp lý và thật sự không cần thiết thì hội đồng đặt tên đường tổ chức lấy ý kiến và xem xét hiệu chỉnh, thay đổi cho phù hợp. (Ví dụ như việc trùng tên đường ở phường Phú Lâm hiện nay).

 

Trong từng giai đoạn lịch sử, việc đặt tên đường cũng đã được xem xét và điều chỉnh, bổ sung thay đổi cho phù hợp. Như ở thành phố Tuy Hòa, đường Nguyễn Trãi trước đây là đường Lương Tấn Thịnh và trước nữa là đường Bùi Nguyễn Ngãi; đường Lê Trung Kiên trước đây là đường Phạm Phú Quốc; đường Lương Văn Chánh trước đây là đường Võ Tánh, đường Chu Văn An trước đây là đường Lê Văn Duyệt, đường Lê Duẩn trước đây là đường Phan Chu Trinh…

 

Ngoài ra, nên căn cứ vào tính chất lịch sử, văn hóa của các địa danh, sự kiện; công lao và sự nghiệp của các danh nhân, để đặt tên sao cho tương xứng với ý nghĩa của CTCC hoặc quy mô và vị trí của từng con đường. Tên đường, tên CTCC chỉ được công nhận là hợp pháp khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đặt tên bằng văn bản. Tên đặt cho các tuyến đường hoặc CTCC thuộc các dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt chỉ là tên tạm thời.

 

Đã có những qui định cụ thể trong việc đặt tên đường, theo đó, đường có lộ giới là chỉ giới đường đỏ của đường, bao gồm lòng đường và vỉa hè hai bên đường, rộng từ 12m trở lên mới được đặt tên danh nhân, địa danh. Các đường có lộ giới dưới mức quy định này gọi là hẻm và được đặt tên theo bảng số nhà có số nhỏ hơn giữa hai số nhà đầu hẻm kèm theo tên đường. Ví dụ: Hẻm ở giữa hai nhà mang số 45 và số 47 đường Lê Lợi được gọi là hẻm 45 đường Lê Lợi. Trường hợp hẻm đã có tên đi sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân mà không gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì Hội đồng tư vấn đặt tên đường tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và xem xét để giữ lại tên gọi của hẻm đó.

 

Tên các danh nhân lịch sử cùng thời hoặc cùng lĩnh vực hoạt động được ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm tên đường, tên CTCC có liên quan, dễ nhớ, dễ liên hệ, ví dụ: đường Lê Lợi gắn với đường Lê Lai; đường Phan Chu Trinh gắn với đường Phan Bội Châu; đường Yết Kiêu gắn với đường Dã Tượng; đường Lê Duẩn gắn với đường Trường Chinh, đường Phạm Văn Đồng… hoặc tên cầu trên tuyến đường phải có mối liên hệ với tên đường như cầu Vạn Kiếp gắn với đường Trần Hưng Đạo.

 

Tên các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện lịch sử hoặc địa danh diễn ra sự kiện lịch sử được nghiên cứu, ưu tiên đặt ở các đường gần nhau hoặc kế tiếp nhau theo cùng một tuyến, ví dụ: những tuyến đường theo quy hoạch xây dựng được duyệt ở khu Ninh Tịnh nên nghiên cứu sử dụng tên các anh hùng, liệt sĩ gắn liền với sự kiện tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968…

 

Đối với các nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi như: tên húy, tên hiệu, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ dùng một tên phổ biến nhất, đông đảo nhân dân biết đến để đặt tên đường. Ví dụ đã đặt tên đường Nguyễn Huệ thì thôi sử dụng tên đường Quang Trung; có đường Trần Hưng Đạo thì không sử dụng tên đường Trần Quốc Tuấn…

 

Quy định đặt tên đường cũng lưu ý các địa danh gắn với sự kiện lịch sử, tên các địa danh là đơn vị hành chính xưa được nghiên cứu, ưu tiên đặt tên cho đường đi qua địa danh đó. Ví dụ: tuyến đường gần phía đông chân núi Chóp Chài, có thể nghiên cứu đặt tên đường gắn liền với sự kiện giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ; đường ĐT645 đoạn từ giáp đường Nguyễn Văn Linh (QL1A cũ) đến giáp thị trấn Phú Thứ có thể đổi tên gắn với sự kiện lịch sử “chiến thắng đường 5”; đoạn từ giáp đường Hùng Vương kéo dài tại vị trí ranh giới TP Tuy Hòa đến Vũng Rô có thể nghiên cứu đặt tên đường “tàu không số – Vũng Rô” hoặc là đường Vũng Rô – Đèo Cả”.

 

Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Khi đường bị ngắt khúc bởi các giao lộ lớn hoặc vòng xoay thì đoạn kế tiếp được đặt tên khác, nhưng phải đảm bảo sự tương xứng về công lao, sự nghiệp và mối quan hệ lịch sử, văn hóa. Ví dụ: tuyến đường Ql1A (cũ) phía nam cầu Đà Rằng đã đặt tên đường Nguyễn Văn Linh là cố Tổng Bí thư nếu phía bắc cầu Đà Rằng đặt tên khác thì phải là tên của một lãnh tụ chính trị có mối quan hệ lịch sử với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chứ không thể là tên của một địa danh, một anh hùng liệt sĩ tiêu biểu ở địa phương. Ưu tiên sử dụng tên các địa danh, các sự kiện lịch sử – văn hóa, các danh nhân có quê hương hoặc cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với tỉnh ta.

 

Phải chú ý không dùng để đặt tên đường đối với các trường hợp: tên các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử chưa được xác định rõ ràng hoặc đang còn tranh luận hoặc các tên không có mối quan hệ với đô thị, địa phương đó.

 

KS LÊ VĂN TRÚC

Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Xuân
Thứ Hai, 23/07/2007 15:51 CH
Kỳ Lộ - Cây Dừng
Thứ Năm, 05/07/2007 09:22 SA
Trung Trinh – Đá Tượng – Bãi Đồng
Thứ Ba, 03/07/2007 14:10 CH
Sông Cái
Thứ Hai, 25/06/2007 07:24 SA
Huyền tích Cù Mông
Chủ Nhật, 24/06/2007 07:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek