Thứ Sáu, 26/04/2024 11:10 SA
Thời khắc khó quên
Thứ Năm, 30/04/2015 07:00 SA

Cách đây 40 năm, trưa 30/4/1975, đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Phóng viên Báo Phú Yên đã gặp và ghi lại hồi ức của một số người về thời điểm lịch sử vĩ đại này.

 

* ÔNG LÊ HỒNG LĨNH (KHU PHỐ 3, PHƯỜNG PHÚ THẠNH, TP TUY HÒA): Ngày hạnh phúc nhất của đời binh nghiệp

 

Đầu tháng 4/1975, tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 177 được tăng cường quân số cho Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp thuộc Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn với tên mới là Tiểu đoàn 5. Hành quân thần tốc, sáng 30/4, toàn bộ Lữ đoàn 203 đã chặn đánh địch để giải phóng khu căn cứ Thủ Đức cách dinh Độc Lập khoảng 15km. Sau đó, đơn vị tiếp tục hành quân tiến vào trung tâm Sài Gòn. Lúc này hai bên đường, nhân dân tập trung rất đông, trong đó có cả một số binh lính ngụy đã vứt bỏ vũ khí, quân trang, chen vào đám đông vỗ tay mừng quân giải phóng. Chúng tôi đang tìm đường để tới dinh Độc Lập, thì có một cô gái dáng người nhỏ nhắn, da hơi ngăm đứng trong số học sinh, sinh viên xung phong chỉ đường. Sau này mới biết, đó là một nữ biệt động thành được tổ chức phân công nhiệm vụ dẫn đường để các đơn vị quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Hơn 11 giờ 30 ngày 30/4, Tiểu đoàn 5 có mặt tại dinh Độc Lập nhận nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Tiểu đoàn 2 vào trước, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính và tiến thẳng vào trong. Nhìn lên nóc dinh treo lá cờ giải phóng tung bay trong gió, tôi thấy không có gì hạnh phúc hơn trong cuộc đời binh nghiệp của mình, thành quả bao năm nếm mật nằm gai của cả dân tộc nay đã trở thành hiện thực. Đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải đúng như ý nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời. 

 

* ÔNG OI GÚT (BUÔN LÊ DIÊM, THỊ TRẤN HAI RIÊNG, HUYỆN SÔNG HINH): Giá trị to lớn của hòa bình, độc lập

 

Tôi sinh năm 1961, cũng như nhiều người dân thời đó sống rất cực khổ trong cảnh bom rơi, đạn lạc, nhất là khi buôn làng bị giặc thu gom, kìm kẹp tại ấp chiến lược Mả Vôi (xã Đức Bình, huyện Tây Sơn cũ). Đầu năm 1973, cả buôn lại bị giặc lùa lên, nhốt tại ấp chiến lược Khánh Dương (tỉnh Đắk Lắk) tủi nhục trăm bề. Khoảng đầu tháng 3/1975, dân làng chúng tôi nghe tiếng đạn pháo nổ vang trời từ phía Buôn Ma Thuột, lại càng hoang mang, lo sợ, không biết chiến cuộc sẽ ra sao? Trưa 30/4/1975, khi nghe tin giải phóng Sài Gòn qua radio, cả làng mừng quá, túa ra đường la to: Hòa bình rồi, hòa bình rồi! Chúng tôi vui vì được tự do nhưng cũng buồn đau vì vườn tược, rẫy vườn hoang hóa, người thân thì kẻ mất người còn. Qua 40 năm giải phóng, huyện Sông Hinh nói chung, buôn Lê Diêm nói riêng đã đổi thay nhiều mặt. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong buôn đã khác xưa. Có trải qua những năm tháng đau thương mất mát, sống trong cảnh đọa đày, mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của hòa bình, độc lập.

 

* ÔNG TRẦN DOÃN PHU (KHU PHỐ TRẦN PHÚ, PHƯỜNG 7, TP TUY HÒA): Khóc mừng ngày dân tộc đoàn viên

 

Tháng 4/1975, tôi là Trợ lý Tuyên huấn của Đoàn 200 (Bộ Quốc phòng) đóng quân tại miền Tây tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của đoàn lúc bấy giờ là tiếp nhận thương bệnh binh nhẹ từ các chiến trường về; sau đó, bồi dưỡng sức khỏe, tổ chức học tập chính trị, quân sự để các anh em trở lại mặt trận chiến đấu. Trong số này, có người trở lại chiến trường hai, ba lần, cho thấy ý chí, quyết tâm giải phóng quê hương của bộ đội Cụ Hồ. Từ khi Chiến dịch Hồ Chí Minh được triển khai, công việc của đoàn càng nặng nề hơn. Đại tá Đoàn trưởng Nguyễn Hữu Nhiệm (quê Thừa Thiên - Huế) và đại tá Chính ủy Lê Đình Hòa (quê Quảng Nam) luôn động viên cán bộ, chiến sĩ vượt khó để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ và chúng tôi dự cảm rằng, ngày thắng lợi chắc chắn sẽ đến. Trưa 30/4/1975, nghe tin báo quân ta đã giải phóng Sài Gòn, cả Bộ chỉ huy Đoàn 200 vang lên tiếng hò reo của cán bộ, chiến sĩ. Tôi bồi hồi khi nghĩ đến cảnh sắp về lại quê hương An Ninh (huyện Tuy An) thân yêu sau mấy chục năm xa cách mà nước mắt cứ rơi dài xuống má. Sau đại thắng mùa xuân lịch sử, Đoàn 200 trở thành đơn vị huấn luyện - sản xuất giỏi của toàn quân. Bản thân tôi nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ Quyết thắng của đơn vị.

 

* ÔNG ĐÀO VĂN KÍNH (THÔN HÒA NGHĨA, XÃ SƠN ĐỊNH, HUYỆN SƠN HÒA): Chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp

 

Sau khi Phú Yên hoàn toàn giải phóng, tôi làm công an viên xã Sơn Định, ngày đêm cùng với anh em tham gia bảo vệ an ninh trật tự xóm làng. Hồi ấy, nhiệm vụ quan trọng của các địa phương là nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân trở về khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, làm ăn, xây dựng cuộc sống mới; đồng thời cùng với cả tỉnh dồn lực để quân ta đẩy mạnh giải phóng các tỉnh, thành còn lại. Vì thế, ai nấy cũng rất phấn khởi, nhiệt tình làm việc, công tác với trách nhiệm cao nhất. Trưa 30/4/1975, khi đang xuống các thôn để nắm tình hình thì tôi nghe bà con báo tin Sài Gòn vừa được giải phóng. Khỏi phải nói niềm hạnh phúc của tôi lớn như thế nào, tôi muốn la to lên cho thỏa dạ. Để đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, mấy chục năm qua, bao nhiêu đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hy sinh, bao nhiêu máu xương đã đổ xuống. Vì thế, chúng ta phải làm thế nào để xây dựng quê hương phát triển ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòn Kén, từ lịch sử tới hiện tại
Thứ Bảy, 02/05/2015 08:00 SA
Hòa Lợi vào lễ cầu ngư
Chủ Nhật, 26/04/2015 08:07 SA
Lực lượng địch phòng thủ Sài Gòn
Thứ Ba, 14/04/2015 08:22 SA
Cuộc hành quân thần tốc
Thứ Năm, 09/04/2015 10:24 SA
Đập tan các phòng tuyến ngoại vi
Thứ Tư, 08/04/2015 08:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek