Thứ Năm, 28/11/2024 00:55 SA
Hoạt động giao bưu trong mùa khô 1967
Thứ Sáu, 26/09/2014 09:52 SA

Trước tình hình địch đánh phá ác liệt và dài ngày, khoảng cuối năm 1966 - đầu năm 1967, mạng lưới giao thông liên lạc nửa hợp pháp được gấp rút xây dựng và tăng cường hoạt động. Mạng lưới này do Tỉnh ủy và các cấp ủy nắm, điều hành, phát triển tương đối sâu rộng, phục vụ tốt thông tin liên lạc từ tỉnh xuống đến cơ sở và ngược lại.

 

Những cán bộ làm công tác giao thông liên lạc bán hợp pháp phải là những đồng chí được chọn lọc. Đó là những đồng chí qua thử thách dạn dày của cuộc chiến đấu, vẫn thể hiện sự tuyệt đối trung thành và lòng tin vào cách mạng. Các đồng chí này phải có khả năng, trình độ tiếp thu chủ trương, chỉ thị của cấp trên để về truyền đạt lại cho cơ sở thực hiện. Đồng thời, biết làm công tác quần chúng, binh vận... và phải đang sống hợp pháp trong vùng địch kiểm soát. Mỗi đồng chí làm công tác liên lạc bán hợp pháp đều mang bí danh, bí số riêng. Phần đông là nữ. Một số là chủ xe, tài xế ô tô, chủ ghe thuyền đường sông - biển... Trước khi liên lạc, phải nhận đúng ám - tín hiệu mới được trao đổi công tác. Hoặc sử dụng hộp thư bí mật ở một địa điểm hẹn trước để liên lạc với nhau (chỉ trao đổi thông tin qua mật thư chứ tuyệt đối hai bên không được gặp mặt nhau).

 

Mạng lưới liên lạc hợp pháp được tổ chức theo hình thức “ba ba nứt nhánh” hoặc “xanh vỏ đỏ lòng”. Nguyên tắc là cấp trên biết cấp dưới, cấp dưới không biết được cấp trên. Chỉ cán bộ lãnh đạo chủ chốt mới được biết cơ sở liên lạc trong phạm vi địa bàn mình và chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

 

Hệ thống liên lạc hợp pháp chuyên đưa truyền đơn, thư từ, tài liệu bí mật thật gọn nhẹ. Khi chuyển thư hỏa tốc, thư thường được gói bọc, giấu kín trong những thứ phù hợp hoàn cảnh làm việc của từng người, để địch khó có thể phát hiện. Ví dụ: Người đi bán cá - giấu vào ruột cá. Người bán dưa - giấu vào một quả dưa. Hoặc giấu trong bao thuốc lá, trong nồi cơm, dưới sọt phân bón ruộng...

 

Đường giao thông liên lạc nửa hợp pháp đi bằng nhiều cách, nhiều hướng. Bên cạnh những con đường bộ còn sử dụng đường sông. Có đoạn đi ban ngày, có đoạn phải đi đêm...

 

Lúc đó, thường đi các tuyến như: cánh bắc Sông Cầu: từ Kỳ Lộ đi bến Tham Ngải - Trà Ô - Cây Tán; từ ấp Rượu (Xuân Sơn) đi xóm Vườn - Hà Dôm; từ An Định qua vùng 8 - miễu bà Trang, sang Mỹ Long, phải qua đường quốc lộ, qua sông. Địch thường phục kích tuyến đường này. Đi cánh nam - Tuy Hòa I thì có các đường từ Lỗ Rong đi Đồng Cam, qua Sơn Thành, Đất đỏ; từ Cẩm Thạch - đèo Dinh Ông qua sông sang Mỹ Thạnh; từ Lò Giấy sang gành Bà Phước Thành; từ Vĩnh Phú, Phong Niên sang Phước Mỹ; từ cầu Cống Vàng lọi qua sông So Đũa, xuống căn cứ miền Đông (Phú Lạc, Bãi Xép); từ xóm mới Phú Khê đi Phước Giang; từ Hảo Sơn đi Bãi Chùa - Bãi Chính; hoặc từ Bãi Xép băng rừng qua Bãi Chính - Bãi Chùa - Vũng Rô (đường ta tiếp nhận hàng viện trợ từ miền Bắc đưa vào Bãi Chùa bằng tàu thủy, cuối năm 1964 đầu năm 1965). Phần lớn các tuyến đường này đều phải đi ban đêm. Đội ngũ cán bộ phóng tuyến, xoi đường giỏi nhất lúc bấy giờ có các đồng chí: Tảng, Hích, Thính, Thìn, Nam, Hinh, Tâm, Lưu, Đắng, Mạnh và các đồng chí Y Kỳ, Y Tót, Ma Gia người dân tộc thiểu số.

 

Cuối năm 1967, đồng chí Liêm (trưởng tiểu ban VTĐ Tỉnh ủy) và đồng chí Sơn Bình (phó ban Giao bưu tỉnh) và một số đồng chí ở các ban, ngành khác bị địch phục kích, hy sinh. Đồng chí Linh về thay thế anh Liêm. Giảm đài Tuy Hòa 1. Tháng 5/1965, Liên tỉnh 3 điều đồng chí Hoàng Hợp bổ sung cho đài VTĐ liên tỉnh. Đồng chí Tư được Tỉnh ủy điều sang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy.

 

Đồng chí Thứ và đài Sông Cầu cũng rút về tăng cường cho đài Tỉnh ủy. Mạng thông tin liên lạc vô tuyến nội tỉnh bị thu hẹp. Thời gian này, đài Tỉnh ủy có các đồng chí: Linh, Thứ, Đợi, Xang, Cẩm, Anh, Xảo, Đặc... Từ cuối năm 1964 trở đi, Khu ủy đã lần lượt trang bị cho tỉnh những bộ máy thu phát loại XD6 hoặc 102E, ra-gô-nô hai người quay của Trung Quốc sản xuất và các linh kiện, phụ tùng sửa chữa.

 

Tình hình diễn biến chiến trường rất phức tạp. Cơ quan đầu não của Tỉnh ủy liên tục di chuyển chung quanh các vùng An Lĩnh, Dốc Lau, An Nghiệp, Trại Cháy... để tránh càn và chỉ đạo đánh địch kịp thời. Do đó, đài VTĐ Tỉnh ủy phải chia làm hai bộ phận. Một bộ phận ở lại vùng căn cứ, lo cất giấu, bảo vệ kho tàng, sản xuất lương thực, tiếp tế cho anh em phía trước phục vụ thông tin liên lạc cho Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chống càn, đánh địch ở mặt trận. Đài tiền phương đã gọn nhẹ, ít người, lại phải thường xuyên di chuyển. Máy móc nặng nề, cồng kềnh, nên ngoài việc chịu chung cảnh đói khát, khốc liệt của chiến trường, anh em còn phải chịu đựng vất vả hơn nhiều bộ phận khác. Bất kể nơi nào, giờ giấc nào, mỗi lúc dừng chân đều phải dựng máy, bắt liên lạc, tranh thủ chuyển - nhận điện hỏa tốc, dịch ngay, ưu tiên - với các đài Khu ủy 5, Phân khu nam, Tỉnh đội và Trung đoàn 10 chủ lực quân khu.

 

Trải qua nhiều tháng năm thử thách trong gian nan máu lửa, nhiều lúc khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng hầu hết cán bộ đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ đều kiên cường dũng cảm, nêu cao ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ta ngày đêm quần bám, tiêu hao, tiêu diệt địch; quyết xé xác “Rồng xanh” và phanh thây “Mãnh hổ”.

 

Quân và dân ta dùng cả vũ khí hiện đại và thô sơ tự tạo đánh nhau với địch quyết liệt. Có những trường hợp địch thấy gà mái đang ấp trong ổ, vào bắt bị mìn nổ chết. Có tên trèo hái dừa, bị lựu đạn cài nổ chết. Địch càn quét phá phách ở đâu là bị sụp hầm chông, trúng mìn ở đó. Nhiều trường hợp ta và địch cách nhau qua những lùm cây, bụi rậm, khoảng cách chỉ chừng 10 đến 1`5 mét. Đói thì lượm đồ hộp của địch để ăn. Tối ngủ chung cùng một khu rừng với địch, để khỏi bị pháo kích. Nhờ rừng núi của ta thông thạo và nhờ có phương án chuẩn bị trước, nên anh em giao liên đi ban đêm ngửi thấy khét mùi lính hoặc mùi thuốc lá thơm, biết có địch, liền xoi đường khác để đi. Khẩu hiệu của anh em là: “Đánh địch mà đi, xẻ đường mà đến”. Đường thông tin liên lạc vẫn không bị đứt.

 

Có một số ít cán bộ, chiến sĩ các ngành khác không chịu nổi cảnh đói khổ, ác liệt, bỏ hàng ngũ cách mạng ra chiêu hồi, đầu hàng địch, thế nhưng anh chị em cán bộ chiến sĩ trong ngành giao thông liên lạc không có đồng chí nào khuất phục trước thử thách ác liệt, đi đầu hàng giặc. Chỉ có số ít đồng chí vừa chớm nở tư tưởng hoang mang dao động, nhưng lãnh đạo đã kịp thời gần gũi động viên, uốn nắn, củng cố tinh thần tích cực, xông xáo, quyết tâm giữ trọn lời thề: “Sống vĩ đại, chết vinh quang”, “Thà chết, không đầu hàng địch”.

 

Trong hoàn cảnh sống chết kề bên, sớm còn - tối mất, anh em càng thương yêu, đùm bọc, gắn bó, đoàn kết trên dưới một lòng cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều lúc, địch đang sung sức hung hăng, các cơ quan có thể lui về căn cứ lánh tránh, nhưng anh em giao liên vẫn xông pha trên đường chạy hỏa tốc. Trong hoàn cảnh như vậy, cán bộ lãnh đạo cũng phải trực tiếp chạy hỏa tốc, chia sẻ hy sinh, ác liệt, khổ sướng có nhau, nên lãnh đạo đã nêu gương cho nhân viên, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững mạch máu giao thông của Đảng.

 

Trong 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966-1967), Mỹ đông quân và vũ khí hiện đại, quyết sử dụng sức mạnh tổng hợp của các binh chủng (thủy - lục - không quân) hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng trong thời gian ngắn nhất. Thế nhưng chúng đã thất bại nặng, quân số, vũ khí bị thiệt hại, nhưng chẳng những không chuyển được thế có lợi cho chúng mà ngày càng lún sâu vào thế bị động, phòng ngự. Chúng bị sa lầy vào cuộc chiến lâu dài ngoài sự mong muốn.

 

Tuy nhiên, liên tiếp qua 2 mùa khô đó, địch cũng đã gây cho ta nhiều tổn thất về người và của. Hàng ngàn đồng bào, chiến sĩ, cán bộ giao liên đã bị tàn sát hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hàng ngàn nhà cửa bị đốt rụi. Kho tàng, trạm trại bị phá sạch. Hàng ngàn hécta ruộng vườn, cây cối của dân và các điểm sản xuất của cách mạng đều bị chất độc hóa học làm cho tàn lụi. Địch lập được nhiều vành đai trắng, ngăn cách sự tiếp xúc giữa dân và cách mạng. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở vùng giải phóng khó khăn, vất vả. Tuy địch đánh phá ác liệt về quân sự và kinh tế với quy mô chưa từng có, gây cho ta vô vàn khó khăn nhưng quân dân Phú Yên vẫn đứng vững. Trong năm 1967, bộ đội ta tại chiến trường Phú Yên đánh trên 300 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.000 tên địch, trong đó có 468 tên Mỹ, 1.124 tên Nam Triều Tiên, thu 373 súng, phá hủy 144 xe quân sự, bắn rơi hàng chục máy bay, giải phóng 12 thôn với 47.000 dân. Chiến thắng quân sự hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh chính trị, binh vận của quân dân toàn tỉnh.

 

Quân dân Phú Yên, trong đó có lực lượng giao bưu vẫn giữ được thế chủ động, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng ta trụ bám, đứng vững để tấn công địch khắp các chiến trường và tấn công vào hang ổ của chúng ở TX Tuy Hòa.

 

THÀNH VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nơi bình yên của trẻ mồ côi
Chủ Nhật, 14/09/2014 11:00 SA
Gậy ông đập lưng ông
Thứ Sáu, 12/09/2014 08:21 SA
Duyên dáng và đậm đà bản sắc
Chủ Nhật, 17/08/2014 16:03 CH
Theo bước chân Sư đoàn 305
Thứ Sáu, 15/08/2014 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek