Ở mật khu rừng Xép (xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa), chúng tôi được cơ sở cho biết: Một trung úy và một thượng sĩ “quốc gia” đang ở nhà cụ Lựu (thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam) gần nửa tháng nay, không rõ họ là ai và đang làm gì?
Đêm 20/11/1954, đồng chí Trần Dậu và tôi về thôn Phú Thọ 3 thuộc xã Hòa Hiệp Trung vào nhà bác Huỳnh Long. Bác Long cho biết: Hôm qua, 2 ông ở nhà cụ Lựu có qua đây chơi. Họ hỏi thăm tình hình ở đây. Qua trao đổi giữa tôi và 2 ông ấy, tôi nghĩ rằng họ là cách mạng nhưng sao một ông mang lon trung úy, một ông mang lon thượng sĩ “quốc gia”? Chúng tôi nghe cụ kể lại nhưng không thấy đưa ra lời giải thích nào về việc này.
Về lại rừng Xép, hơn 10 ngày sau, nghe tin viên trung úy và người thượng sĩ ấy đã bị bọn Tuân, Trọng chỉ điểm cho bọn tề xã đến bắt tại nhà cụ Lựu. Cùng ngày, chúng đưa 2 anh về Ty Công an (ngụy) Phú Yên.
Viên trung úy đó tên thật là Nguyễn Nhưng, quê xã An Định, huyện Tuy An, nguyên là Phó trưởng ty Công an Phú Yên hồi đánh Pháp, được phân công ở lại miền Nam. Anh móc nối và cùng với Võ Thành Long, nguyên là Xã đội trưởng dân quân xã Hòa Phong (huyện Tuy Hòa) hoạt động. Chiến dịch Át-lăng đầu năm 1954, Long được Công an Phú Yên bố trí vào lính bảo an ngụy ở TX Tuy Hòa. Trong lúc mở rộng chiến dịch, vì thiếu quân nên chúng dễ dàng nhận anh Long và gắn lon thượng sĩ. Sau ngày Hiệp nghị Giơ-ne-vơ có hiệu lực, anh Nhưng và Long, người hợp pháp, người bán hợp pháp. Anh Nhưng mang quân hàm trung úy ngụy, cùng nhau bám xuống cơ sở.
Lúc này, bộ máy ngụy quyền ở cơ sở vừa mới thành lập, bọn chúng vừa mừng vừa sợ, ngày đêm ra sức củng cố uy quyền bằng đàn áp quần chúng cách mạng vừa tổ chức điểm chỉ viên dò xét tin tức hoạt động của ta.
Gần 1 tháng ở nhà cụ Lựu, là chỗ thân quen với cụ nên tên Tuân lui tới lân la nói chuyện với viên “trung úy” nhiều lần, mỗi lần tiếp xúc, hắn càng nhận mặt viên trung úy. Hắn nhớ lại, năm 1952, ông này có về công tác ở Hòa Hiệp, với nước da trắng trẻo, hai răng vàng ở hàm trên và nụ cười có duyên của viên trung úy đã để lại trong hắn mối cảm tình khó quên. Nhưng với bản chất phản bội của Tuân (nguyên là cán bộ kháng chiến ở Thọ Lâm), hắn đã đem việc này báo cáo với tên Trọng. Trọng vốn là một phần tử sớm đánh tối đầu nên y không dễ gì bỏ qua món hàng đắt giá này. Riêng Võ Thành Long là con rể của cụ Lựu, lai lịch của anh bọn chúng đã quá rõ.
2 giờ chiều, một ngày cuối tháng 11/1954, bọn tề xã đem lực lượng đến vây nhà cụ Lựu và mời viên sĩ quan và hạ sĩ quan về trụ sở xã Hòa Hiệp lập biên bản, giao cho Ty Công an ngụy Phú Yên. Tại Ty công an, mấy tháng liền hai anh chịu đựng đủ thứ hình phạt; đi tàu thủy, máy bay quỳ cây ba cạnh… kể cả bị bỏ đói nhốt xà lim. Nhưng vô ích, chúng đưa hai anh sang cấm cố ở nhà lao Ngọc Lãng.
Ngày 10/4/1955, trên đường công tác, anh Nguyễn Đình Thành - Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Huyện ủy bí mật huyện Tuy Hòa và tôi đi chuyến công tác về cơ sở. Đêm về xã Hòa Thành (huyện Tuy Hòa), do không thạo đường nên anh em chúng tôi đi thẳng vào bót gác của dân phòng xóm phường. Thấy chúng tôi, họ hỏi: Ai đi đâu đó? - Tôi trả lời: Anh em chúng tôi đi mua bò vì lỡ chuyện nên về tối. Một dân phòng bấm đèn pin vào mặt chúng tôi rồi nói: Đi đi, bữa sau không được về khuya nghe chưa? Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, cảm ơn rồi đi thẳng một mạch vào nhà cơ sở.
Vừa bước vào cửa, ông chủ nhà nhận ra ngay và hạ giọng: Thưa hai anh, tình hình ở đây gay lắm. Bọn thằng Thái (xã trưởng Hòa Thành) vừa chôn sống 5 người kháng chiến cũ gồm các anh: Cuộc, Thiều, Mai, Trai… Nói đến đây, anh run lên và khuyên chúng tôi đi ngay đừng để chúng theo dõi, gây tổn thất. Hai anh em dặn dò ông chủ nhà một vài việc rồi quay ra đi băng đồng về Hòa Vinh.
Đêm đó, chúng tôi ở lại nhà anh Lê Đìa (cán bộ Ty thông tin Phú Yên, được phân công ở lại). Anh chị Đìa nuôi giấu 2 ngày. Thời gian ấy, bao nhiêu chuyện xóm chuyện làng, chuyện đời, chuyện đạo, thái độ địch - ta, thời sự trong ngoài nước, được trao qua đổi lại để thống nhất nhận định tình hình và bàn công việc đấu tranh đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Ngày thứ 3, chúng tôi chuyển sang nhà anh Mạng, chị Dầy bố trí nơi ăn ở. Đêm sau, chúng tôi về Hòa Hiệp.
Về đến Gò Tre (thôn Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Tuy Hòa) quê hương chúng tôi, tôi gọi cửa nhà ông Lê Thắng, vào nhà nắm tình hình và yên tâm ở lại đó qua ngày để tối đến về lại mật khu. Một điều không may mắn đã xảy ra, em Ái - con gái ông Thắng vì vui mừng được gặp chúng tôi sau mấy tháng trời xa cách, sực nhớ, gần nhà có ông Phạm Trọng và em là Cờ - đảng viên cán bộ cũ lâu nay nằm im, em sang đó báo tin vui có chúng tôi mới về. Em Ái đã để lộ việc chúng tôi mới về nhà ông Thắng. Với bản chất cơ hội đầu hàng, Trọng lén đi báo cho 2 tên tề xã là Xúc và Vinh biết tin tức của chúng tôi. Lúc 14 giờ ngày 27/4/1955, chúng tôi bị bọn chúng vây bắt. Mặc dù chống trả nhưng không thoát được bàn tay vấy máu của bọn chúng.
Sau 3 tháng bị giam cầm, xét hỏi tại Công an ngụy Quận Tuy Hòa, chúng tôi bị chuyển về Ty Công an ngụy Phú Yên. Trong những ngày hỏi cung, tên Kỷ thẩm vấn (Lê Văn Kỷ nguyên là chấp bút viên Tòa án quân sự khu 5) ghi lời cung vắn tắt như sau: “Chúng tôi sợ quốc gia trả thù nên sau ngày 30/8/1954, trốn vào làm ăn ở Phan Thiết, nay nghe tình hình yên ổn nên trở về nhà làm ăn. Nếu không ở được thì đi Quy Nhơn rồi tập kết ra Bắc”. Nhờ chủ động, thống nhất lời khai nên ngoài việc làm hồi 9 năm kháng chiến, không hề để lộ việc chúng tôi ở lại hoạt động cho Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Chiều 7/8/1955, chúng đưa anh em chúng tôi sang giam ở nhà lao Ngọc Lãng. Vào đây, gặp lại bạn kháng chiến cũ, trong đó có anh Nhưng, anh Long và nhiều anh em khác, gặp nhau vừa mếu, vừa cười. Mếu vì tổn thất do thiếu kinh nghiệm hoạt động bí mật, cười vì địch không nắm được tình hình hoạt động của anh em chúng tôi.
Ở nhà lao Ngọc Lãng 18 tháng và 6 tháng chuyển sang lao Khu chiến Tuy Hòa, chúng tôi sống với nhau cùng chia sẻ bao nhiêu cay đắng trong tù. Lúc bị lôi ra tố cộng, lúc bị vỡ chi bộ nhà lao, nhất là lúc bọn chúng bắt được anh Nguyễn Như - Phó bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9/1955, do không chịu nổi cực hình tra tấn nên anh Như đã khai anh Thành là Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa. Mỗi người chúng tôi từ đây hàng ngày bị nhốt xà lim, ăn cơm lạt, mang xiềng 9 ký, phải trả lời về những lời khai của người bị bắt sau…
Anh Nhưng và tôi chung một xà lim, chung một dây xiềng 9 ký, anh Thành và Long một cặp, anh Trần Quang Hiệu và Võ Lê một cặp… còn lại là các dây xiềng nhỏ hơn gồm 18 cặp xiềng chung.
Nhân kỷ niệm ngày 7/7, Ngô Đình Diệm về “chấp chính”, chúng tôi được cho ra khỏi xà lim và mua thức ăn tươi. Chị em đi chợ mang về món cá nấu chua, nấu chín nêm ngò hành ớt, nồi canh bốc khói thơm lựng. Anh Nhưng vui miệng vừa nói vừa cười: “Cái gì lạ không bằng trả canh chua”. Hôm đó, ngoài cổng có người đến thăm nuôi khá đông. Đi cùng chị hai Nhưng là một bà má đầu tóc bạc phơ, vóc người mảnh khảnh, đôi mắt thâm quầng, đứng ở ngoài cổng nhìn vào trại như muốn nói điều thầm kín cùng các con. Nhận đồ thăm nuôi và thoáng nhìn qua hàng kẽm gai hoen rỉ, mỗi người không ai nói với ai điều gì mà trong lòng đau như dao cắt.
Đêm ấy, anh kể chuyện về Nhượng - con anh. Hồi nhỏ, ngoài việc đi học, nó muốn làm gì vợ chồng anh đều cho phép, tập cho nó quen với công việc khó nhọc, quen lao động cốt để khi lớn nó không ngại khó ngại khổ. Hôm gửi nó ra miền Bắc, vợ chồng không dặn dò được điều gì vì anh bận công tác, chỉ mong nó học hành tốt để sau ngày giải phóng miền Nam thì về xây dựng lại quê hương.
Tháng 3/1957, sau vụ Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt ở Buôn Ma Thuột, bọn chúng hoảng hốt, không còn che giấu bộ mặt xấu xa của chúng nữa, chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Chúng ra lệnh cho thuộc hạ đưa tù chính trị các tỉnh miền Nam lưu đày Côn Đảo, còn có dấu hiệu nguy hiểm thì đưa ra tòa xét xử. Anh Nhưng - viên trung úy đóng vai giả ngày nào; anh Long, anh Như chúng đưa ra tòa quân sự Nha Trang xét xử về tội phản nghịch. Ngày 30/4/1957, 73 anh chị em chúng tôi được cho là đầu sỏ, ngoan cố nhưng không có dấu hiệu pháp lý nên đày ra an trí ở Côn Đảo.
Từ ấy, chúng tôi tạm xa nhau nhưng luôn dõi theo tin tức của nhau qua các anh em tù các nhà lao đem lại.
(Trích “Những năm tháng trong tù”)