Cuối tháng 2/1956, địch ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội bù nhìn. Anh Sáu được Huyện ủy phân công cùng với các đồng chí Đinh Từ, Phan Ngọc Giáo, Trương Bá Lánh công tác ở các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Phong và Hòa Thịnh để xây dựng cơ sở và vận động nhân dân chống trò hề bầu cử bịp bợm của địch.
Do một vài cơ sở Hòa Mỹ bị địch bắt nên lộ, địch ráo riết truy lùng để bắt anh. Trước đó, những tháng cuối năm 1955, đồng chí Trần Suyền - Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đang kiểm tra tình hình tại Huyện ủy Tuy Hòa. Trước khi trở về tỉnh, đồng chí triệu tập cuộc họp Thường vụ Huyện ủy vào cuối tháng 3/1956 để triển khai công tác. Trên đường về thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân để họp Thường vụ, khi đến thôn Quảng Phú, xã Hòa Mỹ thì trời vừa tối, thấy bọn lính gác canh phòng cẩn mật, anh tránh vào một nhà cơ sở bên đường nhưng chị cơ sở đi vắng, thấy người lạ bọn lính gác ập đến hỏi giấy, anh Sáu thản nhiên đưa thẻ kiểm tra cho chúng xem. Vì khả nghi nên chúng giữ anh lại và báo khẩn cấp về xã, tên Nguyễn Y Chi - Trưởng ban tiếp dẫn một trung đội địa phương quân đến áp giải anh về trụ sở xã. Hắn sai lính cởi trói, nói vài câu an ủi để lấy lòng rồi đem bia và thuốc thơm ra mời, anh Sáu vẫn thản nhiên trước những lời mời mọc của hắn, lắc đầu và nói: Tôi không quen uống bia, còn thuốc lá tôi có, vừa nói anh Sáu vừa móc túi lấy gói thuốc lá ra quấn hút. Tên Chi gọi bọn tay chân dẫn mấy người cơ sở vào gọi là để nhận mặt, xong hắn đuổi ra ngoài rồi kể lể nào là trước đây hắn cũng là người kháng chiến cũ, nhưng hắn đã thấy lỗi thời, nào là hắn đã tìm được cho mình một lối đi thích hợp… và… Mặc cho hắn lãi nhãi, anh Sáu ngồi ung dung hút thuốc, nhìn những bóng khói tan dần trong khoảng không và suy nghĩ kế hoạch đối phó với tên ác ôn khát máu cáo già này.
Bỗng anh quay phắc lại nhìn thẳng vào mặt tên Chi với cái nhìn sắc lạnh và buông giọng mỉa mai:
Đồng chí Trần Quang Hiệu- Ảnh: T.L |
- Lỗi thời hay không là do suy nghĩ của mỗi người, các ông làm việc cho quốc gia thì các ông nói cách mạng là lỗi thời, còn chúng tôi những người cách mạng đấu tranh cho hòa bình thống nhất, vì lợi ích của nhân dân, chúng tôi cho việc làm của chúng tôi là đúng.
Mặt tên Chi đỏ bừng như vừa bị một cái tát, mạch máu ở hai thái dương hắn co giật liên hồi, hắn đang kiềm chế một cơn thịnh nộ, không tranh cãi nữa, Chi chuyển sang làm lành, giả vờ rối rít cảm ơn anh Sáu vì đã có lần tha tội chết cho hắn, nhân đó anh Sáu giải thích cho hắn nghe chính sách của Mặt trận Tổ quốc đối với những người đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn, vừa nghe được vài câu thì tên Chi hằn học phản kích những điều anh Sáu vừa nói. Y lấy tờ truyền đơn của Mặt trận ra đọc và nói bô bô.
Những điều nói trong tờ truyền đơn của các ông là bịp bợm, là phi lý, các ông định gây hoang mang, xúi dục dân chúng nổi lên làm loạn ở đất này chứ gì. Không! Chính các ông mới là những người làm loạn vì các ông bắt bớ, chém giết, trả thù những người kháng chiến cũ, những người yêu nước, gây hoang mang trong nhân dân. Còn tờ truyền đơn của Mặt trận kêu gọi đồng bào chống lại trò hề bầu cử bịp bợm của các ông, vì bầu cử là âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Nguyện vọng của nhân dân là muốn sớm có hòa bình, thống nhất nước nhà. Việc các ông làm mới thật là phi lý và bịp bợm. Nhưng thôi! Chỉ có tôi với ông tranh luận mấy ngày cũng không xong. Muốn biết ai đúng, ai sai thì phải có đồng bào để họ nhận xét. Nếu ông đồng ý thì ta nên họp nhân dân lại đọc cho họ nghe.
Tên Chi hí hửng như người vớ được của rơi, hắn chấp nhận ngay ý kiến của anh Sáu, cho loan báo mời đồng bào đến. Hơn 400 bà con xã ở Hòa Mỹ và các xã Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Phong đi chợ Phú Nhiêu kéo đến đứng vây quanh hai cái bàn kê giữa sân trụ sở, mỗi cái cách nhau chừng vài mét. Anh Sáu và tên Chi mỗi người đứng trên một cái bàn cao; để chiếm thế thượng phong, tên Chi huênh hoang nói trước.
Thưa đồng bào! Quốc gia bắt được anh Sáu tối hôm qua. Bây giờ anh Sáu sẽ nói chuyện với đồng bào, còn đây là tờ truyền đơn của Việt cộng. Hắn vừa nói vừa cầm tờ truyền đơn giơ lên cao cho mọi người thấy và nói để đồng bào nghe chung rồi có ý kiến.
Hắn đọc chậm rãi từ đầu đến cuối, rồi giải thích theo kiểu của hắn, sau khi giải thích xuyên tạc tờ truyền đơn, hắn giới thiệu anh Sáu phát biểu. Trước bà con của mình, anh Sáu bình tĩnh diễn đạt đầy đủ ý mình cần nói:
“Kính thưa toàn thể đồng bào, thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ, bộ đội ta đã tập kết ra Bắc. Ngày 20/7 sắp đến, hai miền sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà. Hôm nay may mắn được gặp đồng bào, tôi xin gửi lời thăm hỏi sức khỏe, nhân có tờ truyền đơn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi cho đồng bào mà ông Chi vừa đọc, tôi xin giải thích để đồng bào rõ…”.
Ý thứ nhất là vạch trần âm mưu của chính quyền miền Nam cố tình chia cắt lâu dài đất nước, không nghiêm chỉnh chấp hành những điều khoản đã ký kết, không bảo đảm các quyền tự do dân chủ, ngăn cấm việc đi lại và thư tín giữa hai miền, giết hại trả thù những người kháng chiến cũ. Họ từ chối việc hiệp thương tổng tuyển cử tự do để thống nhất hai miền, trong khi đó, việc thống nhất nước nhà là nguyện vọng tha thiết nhất của đồng bào, của anh em binh lính và cả những người đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn. Đến nay họ lại bày trò bầu ra cái gọi là Quốc hội ở miền Nam. Để làm gì? Đồng bào nghĩ xem có phải là cố tình chia cắt lâu dài đất nước ta không?
Anh giải thích điểm thứ nhất, đến điểm thứ hai rồi thứ ba. Nhân dân lắng nghe từng câu, từng chữ, còn tên Chi mặt hắn tái xanh, chỉ có hai tai và hai thái dương là đỏ ửng vì căng đầy máu giận hận thù. Hắn giục mấy tên lính đến kéo anh Sáu xuống. Mấy cụ già nói với bọn lính: “Để ổng nói cho chúng tôi nghe chứ sao các ông lại kéo xuống, ông giải thích rõ ràng, hay lắm”. Nhân dân công khai bàn luận những điều anh Sáu vừa giải thích; họ nhích vào nhau làm hàng rào cản đường không cho mấy tên lính kéo anh Sáu xuống, vì cuộc đấu lý công khai của hắn đã phản tác dụng, lòng dân vẫn hướng về cách mạng. Cuối cùng tên Chi phải đích thân mời anh xuống.
Dựa vào súng đạn uy quyền, tên Chi tưởng đâu là cơ hội tốt để đánh đòn tâm lý chiến vào lòng dân. Ngờ đâu hắn bị một vố “Hồi mã thương” đau điếng. Chính hắn và đồng bọn đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh cho cộng sản. Thật là một trận đánh thắng thuộc về những đảng viên cộng sản đang tồn tại giữa lòng nhân dân, đến ngày nay nhân dân xã Hòa Mỹ vẫn còn nhắc đến anh Sáu.
Địch cản không cho anh Sáu nói nữa, nhưng làm sao ngăn được ánh sáng của chân lý cách mạng đang thấm sâu vào lòng người như nắng ấm tháng 3 chan hòa trên đồng ruộng quê nhà quang hợp cho những mùa vàng trĩu hạt.
Bị thất bại chua cay, tên Nguyễn Y Chi hiện nguyên hình là tên ác ôn khát máu, hắn chuyển anh Sáu lên Ty công an ngụy Phú Yên. Đồng bọn hắn đã giở những trò trả thù hèn hạ, dã man với những trận đòn thù chết đi sống lại, đối với những người cộng sản rơi vào tay chúng, nhưng cũng chẳng khai thác được gì. Ty công an ngụy Phú Yên kết luận anh Sáu là một trong những người cộng sản ngoan cố phải lưu đày ra nhà tù Côn Đảo.
Anh Sáu còn có tên là anh Mười, tên thật là Trần Quang Hiệu, quê xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên là một trong những Huyện ủy viên đầu tiên của Tuy Hòa trong những năm đầu của thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Phan Thanh ghi theo lời kể của đồng chí Trần Quang Hiệu