Thứ Ba, 26/11/2024 00:39 SA
Tìm thông điệp của đá
Thứ Hai, 24/06/2013 14:30 CH

Vùng đất Phú Yên có đến 2/3 diện tích đồi núi, đá đã trở nên quen thuộc trong đời sống của những cư dân sinh sống nơi đây. Để tìm kiếm những thông điệp ẩn chứa đằng sau các di sản văn hóa đá, thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên) đã thực hiện công trình nghiên cứu “Những nét đặc trưng văn hóa đá ở Phú Yên”.

 

dan-da130624.jpg

Đàn đá Tuy An được giới chuyên môn đánh giá là bộ đàn có thang âm hoàn chỉnh nhất trong số các bộ đàn đá hiện có ở Việt Nam - Ảnh: T.THỦY

HÀNH TRÌNH CỦA NIỀM ĐAM MÊ

 

Chia sẻ về mối duyên nợ với đá, thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn nói: “Tôi có hơn 20 năm hoạt động trong ngành Văn hóa - Thông tin nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều di sản văn hóa trong và ngoài tỉnh. Trong số đó, các di sản bằng đá ở Phú Yên luôn để lại trong tôi ấn tượng mạnh và thôi thúc tôi tìm hiểu về chúng. Trong 5 năm (2007-2011), tôi cùng với các cộng sự đã khám phá phần nào những di sản văn hóa đá nhân tạo cũng như những di sản đá thiên tạo của Phú Yên.

 

Chắt lọc từ tâm huyết, từ niềm đam mê nên công trình nghiên cứu trên đã cung cấp cho độc giả cái nhìn chung và toàn diện về các cảnh quan đá tự nhiên ở Phú Yên, về quá trình hình thành, sự phân bố, hình dáng, màu sắc của các dạng đá. Trong đó, nhóm tác giả nhận định: “Đặc điểm nổi bật của đá trong tự nhiên ở Phú Yên đều gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hội tụ nhiều giá trị lịch sử địa chất, văn hóa và làm nên vẻ đẹp hấp dẫn, thu hút du khách tham quan và thưởng ngoạn”. Trong số các cảnh quan đá tự nhiên ở Phú Yên, nhóm tác giả có đề cập đến: Đá Bia, đập Hàn, gành Bà, gành Ông, gành Đá Đĩa, gành đá Hòa Thắng, gành Đỏ, hòn Yến, Nhất Tự Sơn, hòn Vọng Phu, Vực Phun, gộp đá Kôn Clon, gộp Đá Lợp, hang Võ Trứ, hang Dơi, hang Vàng, hốc Hoành, hòn Dứa, suối Đá Bàn.

 

Ngoài di sản đá thiên tạo, Phú Yên còn có nhiều công trình bằng đá nhân tạo, trong đó nổi bật lên 2 di sản: Đàn đá và kèn đá Tuy An. Đàn đá Tuy An được những người nghiên cứu đánh giá là có tính vượt trội hơn so với các bộ đàn đá hiện có ở Việt Nam bởi có thang âm hoàn chỉnh. Bộ đàn đá giúp lớp hậu sinh có thể hình dung lại diện mạo của văn hóa âm nhạc trong thời kỳ xa xưa trên vùng đất Phú Yên. Bên cạnh đàn đá, kèn đá cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và được xem là một sản phẩm “độc nhất vô nhị”.

 

THÔNG ĐIỆP TỪ ĐÁ

 

Trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn và nhóm cộng sự đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Không chỉ tổ chức rất nhiều chuyến đi điền dã thực tế mà còn tham khảo rất nhiều tài liệu, để từ đó có thể đưa ra những nhận định có tính khách quan, khoa học dựa trên những căn cứ rõ ràng, được giới chuyên môn thừa nhận.

 

Công trình nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của đá trong đời sống của con người: đá được con người sử dụng làm giếng nước, làm đường; những bức tường trong xây dựng nhà ở và sau nữa là mộ táng. Tóm lại, con người từ khi sinh ra đã nhìn thấy đá. Quá trình phát triển giúp họ biết dùng đá làm ra công cụ lao động, công cụ giải trí. Và đến khi trở về cõi vĩnh hằng, nhiều người cũng được bao bọc trong những ngôi mộ đá. Đá trầm mặc, tĩnh lặng nhưng luôn đồng hành cùng con người qua những chặng đường lịch sử.

 

Trong những di sản bằng đá còn lại đến ngày nay, mộ táng bằng đá là loại hình di sản không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn in đậm dấu ấn lịch sử và phản ánh rõ nét sắc thái văn hóa tộc người. Khi so sánh kích thước, hình dáng, kiến trúc, chất liệu, cách trang trí, cũng như sự tập trung của các mộ táng ở nhiều vùng khác nhau trên vùng đất Phú Yên, nhóm nghiên cứu kết luận rằng các khu vực có mộ táng bằng đá đều giữ vai trò trung tâm của thủ phủ Phú Yên hoặc thương cảng lớn, nơi có dân cư sinh sống đông đúc, trong đó, tập trung cả giới quan lại, gia đình khá giả và người bình dân. Cách trang trí trên các ngôi mộ đá cũng cho thấy xuất thân của chủ nhân các ngôi mộ và đức tin của họ.

 

Còn giếng đá lại thuộc loại hình di tích khảo cổ. Các giếng cổ ra đời cách đây hàng trăm năm gắn liền với sự hình thành những cộng đồng dân cư và là những dấu tích vật chất minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của một làng quê, một vùng đất. Hệ thống giếng cổ cũng cho thấy nếp sinh hoạt mang tính chất cộng đồng bởi nhiều người cùng tạo ra, dùng chung một giếng nước và cùng bảo vệ nó.

 

Công trình nghiên cứu trên sau khi hoàn thành, đã được in thành sách có tên Di sản văn hóa đá ở Phú Yên do thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn chủ biên. Tiến sĩ Đào Nhật Kim (Trường đại học Phú Yên) nói: Công trình Di sản văn hóa đá ở Phú Yên là đóng góp quan trọng của Nguyễn Hoài Sơn cùng nhóm tác giả do anh chủ biên trong nghiên cứu văn hóa đá ở Phú Yên. Công trình này thể hiện năng lực và sự đam mê nghiên cứu về văn hóa của anh và hơn thế nữa là tình yêu Nguyễn Hoài Sơn dành cho vùng đất này…

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek