Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên vừa xuất bản cuốn sách Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc: Từ quê lúa Tuy Hòa đến đại ngàn Trường Sơn.
Trên cơ sở các tài liệu đã xuất bản và từ hồi ức kể lại của các nhân chứng sống, cảm nhận của người thân và di bút của ông để lại, nhóm biên soạn đã dựng lại chân dung về cuộc đời cách mạng, những đóng góp và hy sinh thầm lặng của đồng chí Đào Tấn Ngoạn, một tấm gương cộng sản hết mình vì tình đoàn kết giữa các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của dân tộc; một nhân cách bình dị, thủy chung, nghĩa tình trong cuộc sống đời thường.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở một vùng quê cách mạng, Đào Tấn Ngoạn sớm tham gia Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 giành chính quyền, sau đó được Đảng cho đi học và đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau. “Có lúc là Bí thư Huyện ủy nhưng sau đó xuống trực tiếp làm Đội trưởng một đội công tác, có lúc đang làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng sau đó theo yêu cầu nhập tỉnh nên chuyển làm Ủy viên Thường vụ phụ trách một ban, có lúc đang là Phó ban của Khu ủy lại xuống nhận phân công là Bí thư một huyện… nhiệm vụ nào của Đảng giao, người đảng viên cộng sản Đào Tấn Ngoạn cũng tận tâm, tận lực để hoàn thành”.
Đọc Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc: Từ quê lúa Tuy Hòa đến đại ngàn Trường Sơn, ta bắt gặp một “huyền thoại sống” Kôn Meo trong lòng nhân dân A Lưới, Nam Đông ở miền tây Thừa Thiên Huế - người đã góp phần xứng đáng trong việc xây dựng nên một vùng đất nổi tiếng “Pa Kô, con cháu Bác Hồ”. Đồng thời ta bắt gặp một Bí thư Ama Lộc của Chiến khu B5 gian khó trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX . Đó là, một Ama Lộc gầy gò, xông xáo vào tận các buôn làng M’Nông, Ê đê bị địch khống chế để móc nối cơ sở, vận động quần chúng về với cách mạng; một Ama Lộc gần gũi, sẻ chia với cấp dưới, với đồng đội từng nắm rau, con cá, từng nắp cù là muối trong những thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh… Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc, cả đời ông trọn vẹn với Đảng, với đất nước, với các dân tộc trên một vùng Trường Sơn rộng lớn, nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương Tuy Hòa, nhớ về gia đình với ước muốn đoàn viên đến cháy lòng.
Trong Lời tựa của cuốn sách dày gần 500 trang, khổ 16 x 24cm này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhà báo Đinh Thế Huynh đã viết: “…Trên nền sử liệu và qua ký ức của đồng chí, đồng đội một thời máu lửa quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hình tượng người cán bộ cách mạng tự nguyện cà răng, căng tai, đóng khố, học tiếng dân tộc thiểu số, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các dân tộc thiểu số để xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị mở đường Trường Sơn, lãnh đạo đồng khởi giải phóng miền tây Thừa Thiên… tái hiện sinh động trên từng trang sách.
Không chỉ thế, cuốn sách tái hiện khái quát, cô đọng cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách của đồng chí Đào Tấn Ngoạn ở những chiến trường ác liệt nhất của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ…
Ông và đồng chí, đồng đội thế hệ ông như những cánh chim phượng hoàng không mỏi của đại ngàn Trường Sơn một thời lửa đạn, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, góp phần viết nên bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX”.
“Đào Tấn Ngoạn, tên ông đẹp như cuộc đời. Ông đã ngoạn mục vào sinh ra tử trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; sống giản dị, ân tình, trong sáng, trọn vẹn với đồng chí, đồng bào, người thân; luôn “trung với nước, hiếu với dân”, như bài học đầu tiên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng truyền dạy 52 năm trước. Cuộc đời 78 năm với 56 năm tham gia cách mạng, gần 55 năm tuổi Đảng, ông sống trọn những năm tháng gian khó và hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX, trưởng thành trong bão táp đấu tranh cách mạng và lưu mãi tấm lòng son với con đường cách mạng mà ông cả đời cống hiến từ tuổi thanh xuân đến lúc về cõi vĩnh hằng” - Khép lại cuốn sách, người đọc rất đồng cảm với tấm lòng của nhóm biên soạn về nhân vật chính trong cuốn sách của họ.
HIẾU VY