Chủ Nhật, 06/10/2024 17:20 CH
Người trưởng đoàn Văn công ngày ấy
Chủ Nhật, 23/06/2013 11:00 SA

Ở cái tuổi 70, ông vẫn giữ được thần sắc tươi trẻ, cử chỉ dứt khoát, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng. Ông là Nguyễn Ngọc Thừa, nguyên Trưởng đoàn Văn công không chuyên Giải phóng Phú Yên (sau đây gọi là đoàn Văn công), hiện trú phường 5, TP Tuy Hòa. Những câu chuyện sống động của người trưởng đoàn Văn công vẫn mãi đắm say lòng người.

nguyen130623.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Thừa sảng khoái trong một đoạn hát, múa - Ảnh: T.DIỆU

Ông Thừa có trí nhớ tốt, những chuyện xảy ra 60 năm trở lại đây về cuộc đời đầy ý nghĩa gắn với đoàn Văn công ngày ấy vẫn được ông kể lại rất rõ ràng.

Năm lên 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Thừa phục vụ trong Đội thiếu nhi tuyên truyền Giải phóng quân xã Hòa Thịnh (huyện Tuy Hòa cũ) được Ban Tuyên huấn Phú Yên đưa đi tập hát ở gánh hát Bầu Nừng lúc bấy giờ. Đến năm 1960, Ban Tuyên huấn Phú Yên thành lập đoàn Văn công Tỉnh ủy tại thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành (huyện Tuy hòa cũ) và có buổi đầu tiên công diễn tại xã Hòa Thịnh mừng chiến thắng Đồng khởi Hòa Thịnh.

Đoàn Văn công Tỉnh ủy sau được Ban Tuyên huấn Phú Yên đưa về hậu cứ tại xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa rồi thành lập đoàn Văn công Y17. Đến năm 1966, đoàn Văn công Tỉnh ủy chính thức đổi tên thành Đoàn Văn công không chuyên Giải phóng Phú Yên.

Bấy giờ, đoàn thu nhận Cao Thị Hồng Tâm, Nguyễn Thị Mỹ Luận, Trần Thị Mai Hương, Lưu Bá Bảy, Tạ Xuân Lý, Nguyễn Ngọc Thạch, Lê Khuẩn...

Từ xã Phước Tân (cũ) (huyện Sơn Hòa) đến các buôn Cây, Đồng Xe, Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân); các xã Phước Lãnh, Đa Lộc (huyện Sông Cầu cũ); các xã An Xuân, An Lĩnh, An Hiệp, An Định, Anh Ninh (cũ) (huyện Tuy An) từ trên rừng cao xuống vùng sông nước, đồng bằng, nơi nào cũng có tiếng hát của văn công.

Cuối 1966 đầu 1967, đoàn Văn công tạm ngưng biểu diễn để phục vụ sản xuất. Lúc này, vai trò Trưởng đoàn Văn công của ông được phát huy trong việc lãnh đạo chung về lao động sản xuất; nắm tin tức phổ biến kịp thời cho anh em diễn viên.

Đến cuối 1968 đầu 1969, đoàn Văn công chuyển hướng từ hát tân nhạc, múa, dân ca bài chòi chuyển sang hát tuồng (hát bội). Bởi hát tuồng chỉ cần đào chính, kép chính thật sự xuất sắc còn diễn viên phụ có thể không thật

sự hát hay cũng nhập vai tốt và lúc đó các nhạc công Tạ Xuân Lý, Nguyễn Trọng Lưu, diễn viên Đỗ Thị Thúy Hồng (đã hy sinh).

Ông Thừa chia sẻ: “Thời đó, có hai hình thức biểu diễn là trực tiếp và gián tiếp. Biểu diễn trực tiếp là đến ngay địa điểm giải phóng mà biểu diễn. Khi đến làng nào đó thì bà con xa gần dỡ cơm, đem gà, vịt... đến tổ chức nấu ăn, nghe hát hết 3 ngày, 3 đêm chứ không phải như bây giờ. Còn biểu diễn gián tiếp là hình thức hát kêu gọi địch buông súng. Chẳng hạn như từ dưới gộp sâu, văn công bắc loa lên đọt cây to quay ra hướng đồn giặc mà hát: Ăn mì đánh Mỹ đồn Mỹ ra tro/ có thêm lon gạo bay bò đi đâu/ đời ông cho chí đời cha/ đời này mới thấy người ta nhốt trong chuồng. Ban đầu còn nghe tiếng súng bắn trả, sau giặc nằm im mà nghe những câu hát hay chí tình, chí lý”.

Từ năm 1972, ông Thừa được Ban Tuyên huấn Phú Yên cử đi học nhiều lớp nghiệp vụ trong đó có cả chuyên ngành đạo diễn dân ca múa nhạc tại Trường Nghệ thuật Khu 5 (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ). Nhờ cái tài bẩm sinh cộng thêm kỹ thuật được đào tạo mà ông Thừa phát huy tối đa ở vai trò là diễn viên.

Ở tuổi thấp thập nhưng ông Thừa vẫn còn tinh tế lắm. Ông diễn lại một đoạn vai diễn tên ác ôn Nguyễn Y Chi trong vở tuồng: Tuy Hòa đồng khởi; mắt trợn ngược, cơ mặt co giật, hàm răng khít rin trông thật hung tợn. Chẳng thế mà vào vai ác, ông bị người dân ném đá thậm chí còn đòi bắn chết. Nhưng ông bảo, đóng vai ác phải thật ác thì vai trung mới nổi lên được. Còn khi ông cất lời hát cho vai diễn chính trực Trần Bình Trọng thì khán giả nước mắt rưng rưng; diễn ở đâu, bà con cũng mang sữa, mang gạo ra tặng, chất đầy ba lô.

Đàn ông còn mê nghe ông hát huống hồ là phụ nữ. Rồi ông Thừa lại nên duyên vợ chồng với nữ y tá Đàm Thị Việt Bình, người đã hết lòng săn sóc ông những khi ông bị đau ốm. Bà Bình chia sẻ: “Tôi mê anh Thừa hát hay từ hồi còn chưa tham gia cách mạng. Sau trở thành y tá chăm sóc cho anh rồi nên duyên vợ chồng”.

Ông Phạm Hồng Quang, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (cũ), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Phú Yên cho biết: “Đời người lính sống chết trong gang tấc. Đoàn văn công theo sát bước chân người lính mà biểu diễn phục vụ nâng cao ý chí chiến đấu bộ đội, kêu gọi quân giặc đầu hàng. Mỗi diễn viên trong đoàn đã dâng hiến tài năng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Anh Thừa với vai trò là người trưởng đoàn đã lèo lái vững vàng nhiệm vụ vừa ca hát, vừa chiến đấu, vừa sản xuất của đoàn Văn công không chuyên Giải phóng Phú Yên lúc bấy giờ”

Năm 2011, ông Thừa được Bộ VH-TT-DL trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, ghi nhận công lao đóng góp của ông cho sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà.

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek