Các thế hệ người Việt Nam đều được đọng lại những vần thơ Bác Hồ trong tâm khảm, đó là những vần thơ chúc tết hào sảng như tiếng kèn xung trận động viên quân dân hai miền trong kháng chiến chống Mỹ, là những bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật đã được đưa vào chương trình Văn học trong sách giáo khoa bậc phổ thông. Các thế hệ học sinh đều tâm đắc bài “Khai quyển” (Mở đầu) tập “Nhật ký trong tù”:
Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trong vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,
Thả ngâm thả đãi tự do thì.
(Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm đợi cho khuây,
Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do.)
Bác Hồ đã thể hiện chí khí của người xưa “lập thân tối hạ thị văn chương” (bước đường lập thân ở mức thấp nhất khởi đầu bằng văn chương) bởi văn chương thơ phú biểu đạt thế giới nội tâm sâu thẳm mênh mông trong tâm hồn con người, giúp con người dưỡng tâm, bình tâm để đứng dậy, để vươn tới bến bờ chân, thiện, mỹ.
Trong hoàn cảnh bị tù đày nơi xứ lạ quê người, Bác Hồ vẫn tỏa sáng hùng tâm tráng khí thu lại non sông vào trong tầm mắt với tất cả khát vọng độc lập, tự do:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,
Trùng san chi ngoại hựu trùng san;
Trùng san đǎng đáo cao phong hậu,
Vạn lý dư đồ cố miện gian.
(Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.)
Thơ Bác Hồ là thơ của tâm hồn, thơ của tình cảm, thơ của tư tưởng, thơ của hành động, Bác Hồ đã sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật ngôn từ phong phú để tạo những vần thơ “trăm ý đẹp” đi vào lòng người. Ta có bắt gặp trong thơ Bác nhiều sắc thái biểu cảm đa dạng.
Thơ về ý chí:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần cần phải cao
Thơ về khí phách:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
Thơ tâm tình:
Ngày đi bạn tiễn đến bên sông,
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng;
Nay gặt đã xong, cày đã khắp,
Quê người, tôi vẫn chốn lao lung!
Thơ triết lý:
Gạo đem vào giã, bao đau đớn
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Thơ đả kích:
Biền biệt anh đi không trở lại
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu
Quan trên xót nỗi em cô quạnh
Nên lại mời em tạm ở tù.
Thơ châm biếm:
Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội
Trong tù đánh bạc được công khai
Bị tù con bạc ăn năn mãi
Sao trước không vô quách chốn này.
Thơ Bác Hồ giàu tính nhạc, tính họa, tạo cảm xúc lắng sâu trong lòng bạn đọc yêu thơ:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Những vần thơ chúc tết đầy hào khí vang vọng như hồi kèn xung trận:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta
(Mừng xuân 1968)
Và một vầng trăng “Nguyên tiêu” vằng vặc, lung linh tỏa sáng trong thơ Bác Hồ mùa xuân Mậu Tý (1948) đẹp như một bức tranh thủy mặc, đã góp phần nâng hồn thơ đất nước đến ngàn sau, là cảm hứng của những đêm thơ “Nguyên tiêu” thấm đẫm chất nhân văn và tầm văn hóa Việt Nam thời đổi mới và hội nhập:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.)
Nhà thơ Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng hình thành danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc. Đôi dòng cảm nhận về thơ Bác Hồ như một lời biết ơn chân thành sâu sắc đến Người.
PHAN THANH THỦY