Thứ Tư, 27/11/2024 01:36 SA
Viết về Bác với cả tấm lòng
Chủ Nhật, 19/05/2013 14:30 CH

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên vừa tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tác giả đoạt giải trong cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 1 năm 2013. Báo Phú Yên giới thiệu ba tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật đoạt giải tại cuộc thi này.

 

NGUYỄN THỊ THU HỒNG (Tác giả bài thơ Tạc tượng, đoạt giải nhì): Hình tượng Bác có sức lan tỏa lớn

 

hong130519.jpg

Ảnh: K.MY

Năm 2009, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (Đồng Xuân) tham dự Trại sáng tác văn học tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Khách sạn nơi cô Hồng ở rất gần Quảng trường Hồ Chí Minh. Cho nên, chiều nào cô cũng dạo bước đến đó. Giữa quảng trường bốn bề lộng gió, tượng đài Bác Hồ uy nghi in bóng trên nền trời xanh biếc. Một tay Bác đút túi áo, tay kia thả hờ, dáng đi khoan thai, gương mặt bình thản, đượm vẻ nhân từ, gần gũi. Được nhìn thấy tượng đài Bác trên chính nơi Người sinh ra, trong cô dâng lên một xúc cảm rất đặc biệt. Tượng đài Người thôi thúc cô phải viết một cái gì đó. “Bài thơ Tạc tượng được tôi trăn trở, sáng tác trong vòng… 3 năm, ca ngợi hình tượng Bác Hồ gần gũi, thân thương, nhưng có sức lan tỏa trong mọi người và gắn kết mọi thời đại. Qua bài thơ này, tôi muốn chuyển tải đến độc giả một niềm tin - niềm tin mãnh liệt vào Bác, vào con đường Chủ nghĩa xã hội mà Người đã chọn cho dân tộc ta. Đồng thời, tôi muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ: Các thế hệ cha anh đi trước đã sẵn sàng xả thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, ngày nay, chúng ta phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng học tập, lao động và sáng tạo để dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp”, cô Hồng bộc bạch.

 

Tạc tượng không phải là bài thơ đầu tiên cô Hồng đoạt giải khi viết về Bác. Năm 2011, cô đoạt giải do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với chùm thơ về Bác và trước đó, năm 2009, bài thơ Cồng chiêng nhớ Bác đã giúp cô giành được giải thưởng.

 

HUỲNH TRỌNG THỐNG (Tác giả tân cổ Về thăm lăng Bác, đoạt giải ba): Sáng tác để kêu gọi cùng làm theo gương Bác

 

thong130519.jpg

Ảnh: K.MY

Anh Thống luôn ấp ủ dự định sẽ viết một tác phẩm để tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đầu năm 2011, trong một lần công tác tại Hà Nội, anh Thống đến thăm lăng Bác Hồ. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, trong lòng anh dâng lên một nỗi niềm khó tả. Tối đó, cảm xúc thôi thúc, anh thức viết một mạch bài tân cổ Về thăm lăng Bác. Sau chuyến công tác, về Phú Yên, anh hoàn thiện tác phẩm, sử dụng nhiều điệu thức như lý cái mơn, lý đêm trăng, lưu thủy hành vân, vọng cổ… để tăng tính độc đáo cho tác phẩm. Cuối năm 2011, ngay sau khi nhận bài tân cổ của anh Thống, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên liền cho thu và phát sóng với sự thể hiện của nghệ sĩ Phi Loan của Chi hội Sân khấu tỉnh. Ngoài thể loại tân cổ, anh Thống còn viết Về thăm lăng Bác theo thể loại nhạc trữ tình. Anh Thống chia sẻ: “Bài tân cổ Về thăm lăng Bác là cảm xúc rất thật của một đứa con lần đầu tiên được ra thăm Bác, viết về Người với tất cả lòng thành kính. Trong đó, có hai đoạn cao trào là: “Bác ơi! con ghi nhớ những lời Bác dặn/ Xây đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn/ Di chúc của Người, lời hiệu triệu cháu con/ Hội nhập sánh vai với bạn bè năm châu, bốn biển” và “Bác ơi! Con luôn nhớ những lời Bác dạy/ Ra sức học tập và làm theo tấm gương theo đạo đức của Người/ Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư/ Độc lập, tự do, dân giàu, nước mạnh…”. Đây cũng là thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi đến mọi người”.

 

ĐỖ NHẤT TRÍ (Tác giả truyện ngắn Vượt qua số phận, đoạt giải khuyến khích): Xây dựng nhân vật làm theo lời Bác có sức lan tỏa

 

tri130519.jpg

Ảnh: K.CHI

Tuy không phải là người sáng tác thơ văn trực tiếp viết về Bác Hồ, nhưng truyện ngắn Vượt qua số phận của tác giả Nhất Trí (giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, xã Hòa Thịnh, Tây Hòa) đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua việc xây dựng, sáng tạo hình tượng nhân vật nhờ học tập, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người, trở thành một điển hình trong cuộc sống, lao động và sáng tạo. Từ những điển hình trong cuộc sống đời thường, tác giả Nhất Trí đã góp nhặt chi tiết, dựng xây nên một điển hình trong văn học. Nhân vật chính của truyện là một cô gái, nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, không biết chữ, hằng ngày mưu sinh bằng cách lặn lội chèo đò đưa khách qua sông. Tuy nhiên, không khuất phục số phận, cô gái ấy đã vươn lên, trở thành một nữ doanh nhân. Cô nhận nuôi các học trò nghèo và được các em dạy học chữ. Cô làm giàu cho bản thân nhưng không quên làm từ thiện, giúp ích cho xã hội. Truyện ngắn Vượt qua số phận được thầy Trí sáng tác vào đầu năm 2013. Thầy chia sẻ: “Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Hình tượng nhân vật chính trong truyện ngắn này được tôi viết dựa trên hình mẫu là những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi muốn xây dựng một nhân vật mà qua đó, tạo sức lan tỏa và tác động tích cực đến cộng đồng xã hội, khuyến khích mọi người cùng ra sức học tập, vận dụng linh hoạt lời dạy của Bác vào cuộc sống, không ngừng vượt khó, làm giàu cho bản thân và quê hương”.

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek