Trịnh Công Sơn là một hiện tượng âm nhạc đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà nhiều bạn bè trên thế giới cũng đắm mình vào các sáng tác của ông. Chủ đề trong nhạc Trịnh đã phản ánh nhiều góc cạnh của đời sống tạo nên sức mạnh trong tâm hồn người Việt trong quá khứ chiến tranh và cả hòa bình hiện tại. Ngày 1/4/2001, ông ra đi vào ngày mà thế giới gọi là ngày “Cá tháng tư” để lại trong lòng người hâm mộ niềm hụt hẫng, tiếc nuối. Mặc dù ông mất đi, nhưng đâu đâu trên dải đất Việt này cũng có những không gian dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Một tiết mục biểu diễn trong đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) - Ảnh: CTV
Tôi không có ý định đi sâu phân tích chủ đề, ngôn ngữ trong nhạc Trịnh, chỉ nhân ngày giỗ lần thứ 12 này để nói về sức lan tỏa, sự cộng hưởng của nhạc Trịnh đối với những tâm hồn yêu nhạc của ông. Nhiều nơi tổ chức không gian văn hóa để hằng đêm sinh hoạt nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh Công Sơn ngày càng lan tỏa, nó như chất men say gây cảm hứng cho nhiều thế hệ yêu thích âm nhạc của ông.
Hằng năm, cứ vào đêm 1 tháng 4 là thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) lại tổ chức đêm nhạc Trịnh để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Sân khấu được dàn dựng đơn sơ mà ấm cúng, kỹ thuật dàn dựng không cầu kỳ mà ấn tượng, hàng chục ca khúc của Trịnh cất lên bởi tiếng hát của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ thấm đẫm tình yêu và sự trân trọng đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhâm nhi ly cà phê hay chút rượu vang trong đêm nhạc, các ca sĩ không chuyên như hòa trộn, đồng điệu trong thế giới âm nhạc Trịnh. Cái không gian nhạc Trịnh đơn sơ, mộc mạc không mấy tốn kém ấy nhưng hiệu quả thật to lớn biết dường nào. Sức sống âm nhạc của Trịnh đã đi vào lòng người của nhiều thế hệ. Cái không gian nhạc Trịnh được các thầy cô, học sinh Nguyễn Huệ tổ chức nhiều năm qua lại thêm một lần nữa chứng minh sức sống bất diệt của âm nhạc Trịnh Công Sơn đang lan tỏa, cộng hưởng giúp ta thêm tin yêu cuộc đời, yêu hòa bình và trân trọng ký ức hơn nữa. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng..., hành trình văn hóa của các em rời mái trường có thêm kỷ niệm đẹp về những đêm nhạc Trịnh ở nhà trường, mà niềm vui ấy có công sức các thầy cô giáo say mê, yêu mến, trân trọng nhạc Trịnh.
Hành trình sáng tạo thi ca và âm nhạc của Trịnh đã lan tỏa, ăn sâu vào nhiều trái tim, những đồng loại da vàng. Một thời đất nước khói lửa loạn ly, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, nhạc Trịnh góp phần xóa đi nỗi đau của thân phận người dân mất nước. Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi… - âm nhạc như lời hiệu triệu từ con tim đến con tim. Tôi biết có một không gian khác rất đặc biệt dành cho nhạc Trịnh, đó không phải ở Huế - quê hương nguồn cội của Trịnh, hay ở Quy Nhơn - nơi Trịnh Công Sơn đã từng giảng dạy mà ở ngay tại TP Tuy Hòa này. Nhiều người sưu tầm lưu giữ nhiều băng đĩa, ca từ, tập sách nhạc về Trịnh Công Sơn. Một quán bán bún riêu trên đường Trần Cao Vân, phường 4, lúc nào chủ quán cũng mở nhạc Trịnh để đón khách. Trên tường quán treo đầy câu thơ, ca từ và chân dung, bút tích Trịnh Công Sơn. Ẩm thực bún riêu có gắn kết gì không với nhạc Trịnh? Thời gian ngắn ngủi vào mỗi sáng thế mà tôi thấy quán đông khách ra phết! Nhiều quán cà phê ở vùng đất Tuy Hòa đầy nắng, gió này đều lấy nhạc Trịnh làm nền tôn vinh cà phê bằng dòng nhạc đậm chất nhân văn. Các câu lạc bộ “hát cho nhau nghe” cũng thường tổ chức hát nhạc Trịnh và gần đây Báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi “Nhạc Trịnh trong tôi”. Người nhạc sĩ tài hoa ra đi để lại cho cuộc đời nhiều tác phẩm âm nhạc mà phong cách và dấu ấn mãi mãi đọng lại trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.
HỮU BÌNH