Trước khi ra Bắc tập kết, chắc hẳn chàng trai Lê Viết Thuận của quê hương Tuy An chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ. Nhưng rồi tâm hồn đa cảm, dễ rung động trước cái đẹp cùng trái tim đầy đam mê đã đưa ông đến với văn chương, và đam mê cho đến tận bây giờ.
Vậy mới có một nhà thơ Mai Phương với những vần thơ say đắm, những trang văn đi vào lòng người, dù tác giả đã ở tuổi 80.
Nhà thơ Mai Phương - Ảnh: Y.LAN
* Nghe nói nếu không có hai nhà thơ lớn là Chế Lan Viên và Xuân Diệu “xúi”, thì thời trai trẻ ông đã không lận đận với thơ ca. Sự thật như thế nào, thưa ông?
- Hồi ấy tôi viết gì đều gửi cho ông Xuân Diệu. Ông ấy đọc rồi bảo: Em nên làm thơ. Và tôi là người đầu tiên ở Quảng Ninh đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm 1969 do nhà văn Nguyễn Đình Thi triệu tập. Sau hội nghị, ông Nguyễn Đinh Thi tiếp tục triệu tập tôi đi học lớp viết văn Nguyễn Du, cùng với Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Quang Sáng… Lúc bấy giờ tôi làm thường trực một tờ báo, làm việc thì làm đến nơi đến chốn và cũng rất thẳng thắn nên người ta vừa yêu vừa ghét. Khi tôi cầm giấy triệu tập đi học hai năm, cơ quan không cho đi. Đến ngày tựu trường, tôi cầm cái đơn gởi tổng biên tập, xin ra khỏi biên chế. Tôi nghĩ con người sống không phải bằng lương mà bằng bàn tay và khối óc của mình. Tôi lên Hà Nội, bạn bè mỗi đứa cho năm chục, ba chục, mười đồng để ăn học. Tôi nói với ông Nguyễn Đình Thi: Báo cáo anh, em thích viết lách, thích đi học lắm nhưng mà cơ quan không cho, em đã xin ra khỏi biên chế rồi. Ông Nguyễn Đình Thi nói:
Thôi em cứ học rồi tính sau. Tôi lên gặp ông Hồ Đản, Trưởng ban Tuyên huấn Công đoàn Việt Nam, người sau này lấy tên là Đinh Bá Thi, nhà ngoại giao, quê ở Quảng Nam. Ông ấy nghe tôi báo cáo liền nói: Em học đi rồi về đây. “Lịch sử” của tôi là như thế, nên người ta nói đùa rằng hai ông nhà thơ lớn “xúi dại” tôi.
Bài thơ đầu tiên của tôi, ông Xuân Diệu giới thiệu trong mục Bếp núc của thơ. Hồi ấy tôi là trung đội phó. Trong một đêm gác, trăng lồng lộng. Doanh trại nằm bên con suối, con suối được trăng dát vàng, còn những ngôi nhà bên suối in bóng xuống dòng nước. Tôi coi doanh trại như ngôi nhà mình, và viết:
“Nhà tôi
Ven sườn đồi nhà tôi
Nghiêng mình bên dòng suối
Mang theo bóng nhà tôi
Trên mặt biển nơi nơi
Đều có nhà tôi cả
Khi trời yên lặng gió
Nhà in bóng xinh xinh
Khi gặp giông bão tố
Bóng nhà cũng rung rinh
Nhớ một ngày năm trước
Tôi đẵng gỗ làm nhà
Nghe lời dặn của cha
Làm nhà phải chắc cột
Nên gặp cơn bão táp
Nhà vẫn đứng hiên ngang
Oai hùng và đồ sộ
Của một nếp nhà tranh”.
Ông Xuân Diệu nói mày tìm cái tứ hay quá. Cái tứ nhà in bóng xuống dòng suối và con suối mang bóng nhà mình ra ngoài biển. Độc đáo lắm! Nhưng hai câu cuối không ổn, để tao chữa. Ông ấy chữa xong, cho đăng trên báo rồi đưa vào mục Bếp núc của thơ.
* Say thơ như vậy, sau bao nhiêu năm thủy chung với thơ như vậy, ông được những gì?
- Tôi tự hào và thấy cuộc đời của mình không có gì ân hận. Tôi vẫn nói với vợ và các con như vậy. Ở tuổi này tôi vẫn còn tham gia được với những người cầm bút.
* Bí quyết gì mà ở tuổi 80, ông vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung, trái tim say đắm?
- Có lẽ đó là trời cho tôi. Cho nên tôi thấy người nào vô cảm thì không thích. Và nếu giúp được ai thì tôi sẵn lòng giúp.
* Hơn nửa đời gắn bó với Quảng Ninh và có nhiều tác phẩm về đất mỏ, còn với quê hương Phú Yên thì sao, thưa ông?
- Nếu như tôi có đi xa
Thì tôi sẽ nhớ nhất là quê hương
Nhớ ruộng lúa nhớ con đường
Nhớ trăng Nhạn Tháp cứ luồn trong mây
Nhớ mùa gặt nhớ đường cày
Đá Bia đứng dựng trắng mây bốn bề
Nhớ cầu Phường Lụa trưa hè
Đêm trăng Chí Thạnh nằm nghe Truyện Kiều
Nhớ thương ơi nhớ thương nhiều!
Nhớ cô trò nhỏ xóm nghèo về qua
Nếu như tôi có đi xa
Thì tôi sẽ nhớ nhất là quê hương
Tôi mang ra tận chiến trường
Màu mây, ruộng lúa, con đường, trời trăng
Với con đò dọc đò ngang
Với cô trò nhỏ dịu dàng về quê…
* Ông nói rằng dẫu thi thoảng có về quê nhưng 56 năm rồi chưa được ăn tết ở quê hương. Vừa rồi ông về Phú Yên dự Hội thơ Nguyên tiêu, dẫu tết đã qua nhưng xuân vẫn còn. Cảm giác của ông như thế nào?
- Tôi đi tập kết năm hơn 20 tuổi, thỉnh thoảng có về quê nhưng không về vào dịp tết. 56 năm rồi tôi chưa được ăn cái bánh tét. Năm nay tôi về, với cái tết trong lòng người. Tôi ở Quảng Ninh, người vùng mỏ thương yêu, đùm bọc tôi, rộng mở vòng tay với tôi, còn khi về đây thì có cái âu yếm của tình quê. Tôi cảm nhận được điều đó và hạnh phúc.
* Xin cảm ơn và chúc ông luôn dồi dào sức khỏe!
Nhà thơ Mai Phương sinh năm 1933 ở huyện Tuy An, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Geneve 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở vùng mỏ Quảng Ninh, sau đó làm báo, viết văn. Các tác phẩm đáng chú ý của nhà thơ Mai Phương: tập truyện ký Người cao hơn núi (2006), Mai Phương ký và truyện (2012), các tập thơ: Sắc hoa vàng, Đi trong cõi người, Trái tim nhân ái, Bài thơ tặng vợ. Cuối năm 2011, với chùm bút ký Ở nơi hòn than lấp lánh sắc màu, Mông Dương chiều sâu lòng người, Cọc Sáu - khúc tráng ca thợ mỏ, Mai Phương được trao giải A của cuộc vận động sáng tác văn học về ngành than - khoáng sản.
PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)