Thứ Năm, 10/10/2024 19:17 CH
Nhà thơ Phan Hoàng… chất vấn đủ thứ!
Thứ Ba, 15/01/2013 09:30 SA

Ở tuổi bốn mươi, Phan Hoàng đã khẳng định được một “thương hiệu” thơ và phong cách làm báo văn nghệ sắc sảo, nhất là ở thể loại phỏng vấn - ký nhân vật. Vừa “dứt áo” chủ biên tạp chí Đương Thời, Phan Hoàng được “đền bù” bằng giải thưởng duy nhất của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2012 cho tập thơ “Chất vấn thói quen”. Trong bề bộn cuối năm, Phan Hoàng đã có những tâm sự ý vị về câu chuyện của một người trẻ quyết sống chết với nghề báo - nghiệp văn…

 

Phan-Hoang.jpg
THƠ… THI THỐ

 

* Khi gửi tập thơ “Chất vấn thói quen” dự giải, anh có tin rằng mình sẽ đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam?

 

- Tôi vốn không phải là người của các cuộc thi hay giải thưởng. Đối với giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm nay, đến ngày cuối cùng hết thời hạn gửi tác phẩm dự giải, nhiều bạn văn thân thiết nghe tin tôi không tham gia đã gọi điện thuyết phục. Tôi rất xúc động trước sự quan tâm ấy. Rồi đích thân nhà thơ Phùng Hiệu đã đề cử và mang tập thơ “Chất vấn thói quen” đến nộp cho Văn phòng Hội, tất nhiên là sau khi tôi đồng ý. Về sau được biết các thành viên từ hội đồng sơ khảo đến chung khảo đều đánh giá cao và chọn duy nhất “Chất vấn thói quen” để trao giải từ 22 tác phẩm gửi dự giải, tôi rất vui, cảm thấy thơ mình được nhiều đồng nghiệp chia sẻ. Còn đối với Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng vậy, các đồng nghiệp ở Hà Nội đã đề cử tôi, thậm chí đến phút chót tên tác phẩm của tôi vẫn chưa có trong danh sách gửi cho các thành viên Hội đồng Thơ để chấm.

 

* Sinh thời nhà văn Nguyễn Khải có nói rằng khi một tác phẩm ra đời được bạn đọc tìm đọc là rất vui, nhưng được đồng nghiệp chia sẻ, đánh giá cao thì càng vui hơn. Chắc anh cũng có cảm xúc như vậy?

 

- Một nhà văn tài năng, giàu kinh nghiệm như Nguyễn Khải luôn có những nhìn nhận đúng đắn. Từ khi xuất bản tập thơ thứ hai Hộp đen báo bão năm 2002 đến nay, thấm thoát đã chẵn 10 năm. Tôi cảm thấy có lỗi với thơ và những bạn đọc yêu quý mình. Nếu không có hai bạn thơ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quyến khích lệ, rồi lấy bản thảo về Hà Nội in thì tôi không có được tập thơ “Chất vấn thói quen” được giải trong năm nay. Lúc tập thơ ra mắt tại Hà Nội nhân dịp tôi tham dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 1, nhiều bạn thơ cũng đã chúc mừng và có những nhận xét chân tình về sự đổi mới về thi pháp và nội dung tư tưởng của “Chất vấn thói quen”.

 

LĂN LỘN… THƠ VIỆT

 

* Lăn lộn nhiều năm với câu chữ, anh tự nói gì về thơ mình? Anh thuộc tạng thơ nào (cổ… truyền, hiện đại, hậu hiện đại…)?

 

- Sứ mệnh hàng đầu của nhà thơ là phải thể hiện được tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc mình, thời đại mình đang sống. Tôi không theo bất kỳ trường phái nào, mà chủ trương phải tự tìm một hướng đi riêng, như con sói độc hành giữa sa mạc để khơi mạch nguồn nước thi ca cho riêng mình.

 

* Theo anh đâu là cái không hay của nền thơ Việt?

 

- Có quá nhiều người ảo tưởng mình là nhà thơ và viết “nên vần nên điệu” giống hệt nhau. Điều kiêng kỵ nhất của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là giống nhau và lặp lại của người khác lẫn chính mình. Chúng ta hãy thử hình dung nếu tất cả các nhà thơ cứ mải mê với lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn, ngũ ngôn… vần điệu thì nền thơ Việt sẽ đến đâu? Sức mạnh của thơ là nội dung chuyển tải, là tư tưởng chứ không đơn thuần chỉ ngâm nga vần vè cho vui.

 

 * Anh có những bài thơ viết ra không nhằm để công bố? Vì sao?

 

- Cuộc sống luôn có mặt nổi và chìm, chia sẻ và tự vấn. Thơ cũng vậy.

 

* Nhiều người biết thơ không nuôi nổi người làm thơ nhưng sẵn sàng đánh đổi đời mình. Đối với anh, giữa “mộng” và “thực” của một nhà thơ có độ chênh?

 

- Đúng là thơ có sức quyến rũ kỳ lạ, giúp con người thăng hoa, nhưng đôi khi cũng làm cho người ta hư danh mông muội đến “phá sản”. Thơ không trực tiếp làm ra lúa gạo, thịt cá hoặc xe hơi. Nhưng thơ có khả năng nuôi dưỡng ước mơ, mang lại cái đẹp và niềm hy vọng, giúp cho người nông dân trên cánh đồng, ngư dân trên biển hoặc công nhân trong nhà máy có được niềm vui sống, tạo nên những giá trị cho mình. Đối với tôi, thơ là sự kết hợp giữa mộng và thực, là sự liên tài giữa cái chết và sự tái sinh.

 

* Anh nghĩ gì về sự nổi tiếng của một người làm thơ? Hình như bây giờ có… rất nhiều cách để nổi tiếng bằng văn chương?

 

- Đã là con người thì ai cũng thích danh thích lợi. Nhưng điều quan trọng phải biết mình là ai, khả năng mình đến đâu. Giữa cái thực danh với hư danh, nổi tiếng với tai tiếng chỉ cách nhau một sợi tóc. Ở một đất nước yêu thơ, yêu văn học thì đi đâu cũng gặp người viết văn làm thơ, nhưng tìm ra một nhà văn, nhà thơ đích thực và có “tầm” thì hiếm lắm.

 

* Đã có “công nghệ lăng-xê” ở một số bộ môn nghệ thuật khác, còn với văn chương nước nhà thì sao?

 

- Văn học Việt Nam chưa được PR đúng mức, chỉ mang tính tự phát lẻ tẻ kiểu “nhóm lợi ích” ở trong nước. Chúng ta cần có một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, điều mà nhiều nền văn học trên thế giới làm rất tốt.

 

* Anh nghĩ gì về việc đưa thơ lên mạng, không cần các báo?

 

- Mạng internet là kênh thông tin rất tốt trong việc quảng bá tác phẩm, trong đó có thơ. Bạn đọc sẽ tự điều chỉnh, chọn lọc thơ hay cho mình.

 

Doan-nha-van.jpg

Đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh về thăm mẹ già của Phan Hoàng ở xã Hòa Đồng (Tây Hòa).

TIẾNG GỌI ĐỒNG QUÊ…

 

* Anh phát hiện mình có… năng khiếu làm thơ khi nào? Giờ anh nghĩ gì về những “trước tác” đầu tiên của mình?

 

- Phải nói rằng tôi luôn biết ơn không khí gia đình và làng quê Hòa Đồng của cánh đồng Tây Hòa đã nuôi dưỡng nên mình. Những câu hò, câu ca, lời thơ nôm từ bà ngoại và mẹ tôi đã truyền cho tôi tình yêu nghệ thuật. Năm học lớp 5, tôi được bà ngoại mù chữ đọc thuộc lòng để chép nguyên cuốn truyện Lục Vân Tiên, mà lúc ấy bà ngoại và tôi không hề biết tác giả là cụ Nguyễn Đình Chiểu. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu tập tành gieo vần làm thơ. Về sau khi học lớp năng khiếu chuyên văn đầu tiên của tỉnh Phú Khánh (cũ), tôi làm nhiều thơ hơn. Cho tới khi trở thành sinh viên Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tôi bắt đầu có thơ đăng báo. Những bài thơ đầu tay giờ đọc lại thấy ngô nghê nhưng đó là kỷ niệm đẹp, là bệ phóng cho con đường thi ca của tôi.

 

* Sinh ở làng quê nên thiên nhiên ruộng đồng và hình ảnh người nông dân luôn hiện diện trong thơ anh?

 

- Chính người nông dân đã làm nên nền văn hóa truyền thống cho đất nước này. Thời công nghiệp hóa, chính người nông dân cũng chịu nhiều thiệt thòi về chất lẫn tinh thần. Trong bài Khi người nông dân để lại cánh đồng, tôi viết về những người bị mất đất:

 

“Người nông dân

lững đững

ngoảnh lại cánh đồng

bước chân nặng nề chậm chạp

như làn mây xám mệt mỏi trôi qua rặng núi chiều đông

sau lưng đất đai sấm chớp

màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa tình tự ngàn đời

dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa

từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng

tiếng máy buốt đêm sẽ thay tiếng nhạc côn trùng…

Người nông dân

lầm lũi

để lại cánh đồng

bước chân nặng nề chậm chạp

như người lính bị tước vũ khí cúi mặt rời khỏi chiến trường

sau lưng rền vang sấm chớp”

 

Không những mất đất mà người nông dân còn mất luôn ký ức đẹp đẽ từ ngàn đời, như trong bài Con trâu thiêng của tôi:

 

Lũ trẻ làng lần lượt lớn lên

người già rủ nhau về đất

đàn chim càng chiều càng đông

con trâu thiêng vẫn nằm yên góc trời riêng bí mật

những bí mật lóng lánh xót xa như nước mắt mẹ tôi lặng lẽ gầy

Ở phía ấy một chiều

cổ họng tôi bỗng dưng có bàn tay vô hình siết chặt

sau những loạt bom thảng thốt xóm làng

con trâu thiêng từ biệt ruộng nương mãi mãi bay vào cổ tích

(như ngày xưa dưới mưa bom bao người lính bám trụ nơi đây biến mất)

từng tảng đá xanh giống khối thịt trâu bị chém, chặt, đục, đẽo áp tải bán buôn khắp mọi ngả đường…”

 

Đề tài về người nông dân là mỏ quặng và người cầm bút còn mắc nợ họ rất nhiều.

 

* Cuối năm chộn rộn… đầu năm. Vậy tết cổ truyền đối với anh thế nào?

 

- Thú thực đã 25 năm sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng trong tôi lúc nào cũng chảy nguồn mạch Phú Yên, cả âm giọng dù có nhẹ đi một chút cho “chửng” để người các nơi có thể nghe được. Chỉ khi có việc cần gấp, còn phần lớn năm mới tôi đều về quê ăn tết cổ truyền, sum họp gia đình, viếng mộ ông bà, thăm bà con dòng họ và láng giềng. Tôi muốn con tôi kết nối chặt chẽ với quê cha đất tổ. Về ăn tết ở quê tôi còn được tiếp thêm sinh lực cho hành trình tiếp theo của mình.

 

Mỗi khi giao thừa, tôi cùng cả gia đình đều thức, tập hợp con cháu thắp hương cho tổ tiên, chúc thọ mẹ tôi và lì xì nhau. Sau đó có thể đi chùa hoặc liên hoan với gia đình…

 

* Chúc anh một năm mới tốt đẹp!

 

Phan Hoàng sinh năm 1967 tại Phú Yên, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Chủ biên trang web Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Phan Hoàng đã xuất bản các tập thơ “Tượng tình” (1996), “Hộp đen báo bão” (2000), “Chất vấn thói quen” (2012); các tuyển tập “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam” (3 tập, 1997-1999), “Phỏng vấn người Sài Gòn” (2 tập, 1998-1999), “Phỏng vấn người Hà Nội” (2000), “Dạ, thưa thầy…” (2001)…

 

HÙNG PHIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Suối nước nóng Trà Ô
Chủ Nhật, 13/01/2013 16:00 CH
Tình ca người lính đảo
Chủ Nhật, 13/01/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek