Thứ Năm, 10/10/2024 19:13 CH
Người có duyên với lục bát
Chủ Nhật, 13/01/2013 10:20 SA

Từng là học sinh giỏi văn toàn quốc, nhưng xuất hiện khá muộn trên văn đàn, Vũ Thiên Kiều đến với lục bát bằng một chữ duyên. Chị làm thơ để giãi bày, tâm sự, kết nối hoặc gửi vào đó những khát vọng, lý tưởng sống cao đẹp.

Vu-Thien-Kieu130113.jpg

Vũ Thiên Kiều: Lục bát với tôi là cái duyên- Ảnh: V.HOÀNG

Tại cuộc tọa đàm giữa các nhà văn trẻ trong khuôn khổ chương trình tập huấn nghiệp vụ về công tác phê bình, lý luận văn học nghệ thuật các tỉnh phía nam tại Đồng Nai mới đây, tôi thật sự chú ý đến lời tự bạch của Vũ Thiên Kiều. Chị có tuổi thơ vất vả, đau buồn. Và trong cảnh đời ấy, chị may mắn được vào “thư viện” cá nhân của người bố dượng. Đọc nhiều và có nhiều trải nghiệm, những tứ thơ hay đến với chị rất sớm.

Cuộc sống của Vũ Thiên Kiều ngày thơ bé ở nông thôn miền Bắc và bây giờ là nông thôn miền Nam. Chị thường xuyên tiếp xúc với phong cảnh, công việc gắn với chất quê. Chị nói, lục bát là thể thơ thuần Việt nhất, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam từ nghìn đời nay. Hơn thế, lục bát còn là di sản cha ông để lại cho con cháu. Rồi những câu thơ, ca dao, những lời ru của bà, của mẹ đã đi sâu vào tâm hồn chị để khi lớn lên làm mẹ, chị lại tiếp tục ru con bằng những câu lục bát ấy.

“Tôi rất có duyên với lục bát. Tôi chọn lục bát để gắn bó và trải lòng. Trước kia, hàng ngày tôi vẫn làm thơ, viết rồi cất đi, bởi ở một vùng sâu, vùng xa như quê tôi, chưa có điều kiện công bố.

Tôi hiểu thơ là cảm xúc rất con người và rất nghệ thuật. Nhưng suy cho cùng, giá trị đích thực của văn chương nằm ở văn bản và tư tưởng của tác phẩm”, Vũ Thiên Kiều bộc bạch.

Theo chị, cái khó của những người sáng tác thơ là tìm được tứ thơ, ngôn từ mới. Các bậc tiền bối đã khai thác và có những tác phẩm rất hay ở nhiều lĩnh vực, nên muốn viết hay và không “đụng hàng” thì cần phải đầu tư rất nhiều, muốn thế phải có niềm đam mê sâu sắc. Chị tỉ tê: “Khi lập gia đình đến nay, việc cơ quan, gia đình cuốn đi nên tôi không còn nhiều thời gian dành cho thơ. Tuy vậy, hàng ngày vẫn có tứ thơ xuất hiện. Tứ thơ đến với tôi rất nhanh, có khi đang chạy xe, nấu ăn cũng có thể kết hợp làm thơ được”.

Chị làm công tác dân vận. Với chị công việc dân vận và sáng tác thơ là hai nhưng cũng là một vấn đề của cái gốc cá thể. Không nên tách rời chúng ra, bởi vì còn công việc, còn đời sống thì chừng đó còn thơ, còn tấm lòng. “Tôi không thấy ảnh hưởng gì giữa công việc và thơ cả. Biết làm thơ cũng thuận lợi cho công việc dân vận. Khi phát động phong trào văn nghệ của địa phương, các đội dự thi trong các tiểu phẩm đều muốn có một vài câu thơ viết về nội dung họ dự thi cho bay bổng, thi vị hơn, thế là tôi giúp họ. Những điều nho nhỏ ấy giúp cho mọi người thấy thích thơ hơn, hiểu được giá trị của thơ ca trong đời sống tinh thần…

Giới văn thơ biết đến chị bởi chị là “người” của tạp chí Nhà văn, thường trực biên tập cho trang web văn học lucbat.com. Chị còn “hút” khán giả khi mặc áo tứ thân trình diễn thơ trong Ngày hội đọc sách tại Văn miếu Quốc Tử Giám (tháng 4/2012) tại Hà Nội.

Đọc những bài thơ dự thi của chị, nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhận xét: Thơ Vũ Thiên Kiều nghiêng về mượt mà, dân dã, chứa đựng sự đằm thắm trong từng chữ, từng ý, từng cả giọng điệu. Chất dân gian truyền thống phảng phất trong thơ của chị, trong cả triết lý về nhân tình thế thái, trong cả những ẩn khuất và những nỗi niềm mà chị bày tỏ.

Khi được hỏi chị quan niệm thế nào về tầm quan trọng danh tiếng đối với một người làm thơ, chị nói: Làm thơ nếu suốt đời theo đuổi danh tiếng thì đâu còn thời gian, tâm sức để làm thơ nữa. Hãy nhìn bằng mắt và bước đi bằng chính đôi chân của mình. Quan trọng là thơ ở trong lòng mình, hạnh phúc ở trong lòng mình, cứ chung thủy và bền bỉ với con đường thi ca mà mình đã chọn. “Mỗi người là một cái tôi/ Gốc sần ngọn vẫn đâm chồi biếc xanh”, trong một bài thơ chị đã viết như thế.

Vũ Thiên Kiều sinh năm 1974, quê gốc Thái Bình, hiện làm việc tại Ban Dân vận huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Cửu Long. Trong cuộc thi thơ lục bát kéo dài hai năm (2010-2011) của tạp chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Sông Hương, Vũ Thiên Kiều đã đoạt giải nhì (cuộc thi không có giải nhất). Chị đã liên tiếp cho xuất bản 3 tập thơ: Khát; Đất, Nước và Tình thơ; Đốt miền tĩnh lặng.

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Suối nước nóng Trà Ô
Chủ Nhật, 13/01/2013 16:00 CH
Tình ca người lính đảo
Chủ Nhật, 13/01/2013 14:00 CH
Lincoln chiếm ưu thế
Chủ Nhật, 13/01/2013 08:47 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek