Thứ Năm, 03/10/2024 20:30 CH
Thơ Phú Yên 2006 - một góc nhìn
Chủ Nhật, 14/01/2007 07:05 SA

Nói đến hoạt động thơ ca, Phú Yên là một trong những tỉnh có bề dày với những bài thơ nổi tiếng của Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Nguyễn Mỹ, Trần Vũ Mai, Liên Nam... Về bề nổi, Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống hằng năm trải qua hơn một phần tư thế kỷ vẫn giữ nguyên tình cảm thuở ban đầu của những người yêu thơ, đã tạo cho không khí thơ ca ở đây luôn được sưởi ấm, nẩy lộc đâm chồi.

 

Những năm qua, nhiều tác giả thơ ở Phú Yên đã trở thành quen thuộc với bạn đọc cả nước; nhiều ấn phẩm thơ liên tục trình làng; nhiều câu lạc bộ và nhiều buổi sinh hoạt thơ đã được tổ chức.

 

ĐỊA HẠT “ĐÔNG DÂN SỐ”

 

070114-tap-tho.jpg

Một số thi phẩm của các tác giả Phú Yên xuất bản trong năm 2006 - Ảnh: THẠCH BI SƠN

Riêng năm 2006, trong số 10 đầu sách được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật hỗ trợ xuất bản, có đến 6 tập thơ của 7 tác giả. Đó là các tập Hoa xương rồng trên cát của Lê Anh, Trăng khuyết của Nguyễn Thị Hồng,  Hát với luống cày của Huỳnh Văn Quốc, Chỉ mùa thu ở lại của Nguyễn Duy Tẩm, Y Điêng thơ của nhà văn Y Điêng, Giọt nắng hoàng hôn của Lê Đình Hy và Thanh Vân. Xem thế đủ biết thơ vẫn là địa hạt “đông dân số” hơn cả (4 cuốn còn lại có 3 văn xuôi, 1 sưu tầm văn nghệ dân gian).

 

Chất lượng thơ của các tập đã in khá đồng đều, hầu hết các tác giả đã lựa chọn những bài thơ được sáng tác từ nhiều năm qua để tập hợp thành sách. Do vậy thơ ở đây gắn với cuộc đời và khá máu thịt với các tác giả. Độ dồn nén của cảm xúc và sự chân thành đã làm nên giá trị của những tập thơ.

 

Xin được nhắc lại một chút về Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật miền Trung-Tây Nguyên, do Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp mở tại Phú Yên. Cả trại có 6 tác giả thơ (Phú Yên có 1) được đánh giá cao từ nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Phó chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng thẩm định sáng tác của trại. Ông nói đại ý: Phú Yên lần đầu mở trại, tôi vẫn lo lắng không biết chất lượng thế nào để viết bài tổng kết về thơ. Nhưng thật may, tôi đã tìm được những câu những bài xứng đáng để trích dẫn cho thành công của trại! Sau đó những bài được ông trích dẫn đã được đăng tải trên hai tạp chí Văn nghệ quân đội và Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

 

Nhân chuyện “khen” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tôi nghĩ, người sáng tác không nên dễ dãi sung sướng với những lời khen “xã giao” (nếu có), cũng như không nên bận lòng với những câu “chê” do nhận thức chủ quan hoặc do ác ý của một ai đó (nhằm làm tác giả “tịt ngòi”!); nhưng phải thấy cơ sở của lời khen cũng như câu “chê” như thế nào để tự hiểu đúng mình là điều cần thiết trong quá trình sáng tác.

 

“GÓC KHUẤT”

 

Cũng nên nhìn qua một chút về “góc khuất” của thơ.

 

Nếu như trong thơ nói riêng, có câu: “Lục bát dễ làm nhưng khó hay”, thì trong sáng tác văn chương nói chung, cũng có thể nói: Ai cũng làm thơ được nhưng không mấy ai đạt được thơ!

 

Chính vì tính chất “dễ dãi” đó của thơ mà số lượng của nó bao giờ cũng lấn lướt văn xuôi, và sự cẩu thả dẫn đến tình trạng “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ” là điều có thật! Nói như vậy không có nghĩa bảo người làm thơ phải ít lại, người viết chỉ muốn nói thơ ở mức độ nào thì có “sân” trình làng ở mức độ ấy, thế thôi. Đằng này nhiều vị cứ mang cái thứ thơ “hợp tác xã” đi “khủng bố” các báo, vận dụng mọi ưu đãi để đòi cho được cái quyền làm khổ bạn đọc, cá biệt có vị còn hăm hở đòi được giới thiệu vào Hội Nhà văn(!) Tự tin như thế quả đáng khâm phục! Một nhà văn lão thành tại Phú Yên từng bảo rằng ông phải uống thuốc an thần khi đọc những bài vè (mà họ gọi là thơ) như vậy!

 

So với văn xuôi, không riêng gì Phú Yên, mà năm 2006 cả nước vẫn chưa có một “hiện tượng thơ” nào; có chăng cũng chỉ là những chuyện ngoài thơ, “ăn theo” thơ, ví như: vụ ca sĩ đạo thơ làm thi sĩ chẳng hạn. Nếu như bạn đọc chờ đợi một sự cách tân với cách cảm, cách nghĩ và hình thức thể hiện mới hơn những gì đã có, thì thơ Phú Yên chưa làm được điều này, và những gì đạt được cũng chỉ dừng lại ở mức truyền thống. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, mang tầm ít nhất là một cuộc hội thảo nên không thể nói nhiều ở đây. Có thể nói, những hạt giống thơ vẫn gieo, vẫn gặt, mà những vụ mùa bội thu từ những hạt giống mới cũng đang chỉ ở tầm...hứa hẹn.

 

Người làm thơ bây giờ rất đông, nhưng có lẽ, người đọc thơ lại không nhiều bằng. Vậy thì làm thơ cho ai đọc? Câu hỏi đó mỗi người sáng tác sẽ tự trả lời bằng tác phẩm.

Người viết không thể nói hết những thành quả và hạn chế của thơ Phú Yên trong năm qua; ở đây chỉ nói lên phần nào những gì mình đã thấy, đã cảm. Và nhiều khi phía chưa thấy, chưa cảm lại là “phần chìm của tảng băng”...

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek