Thứ Năm, 03/10/2024 20:26 CH
Một mai... mai một bài chòi
Thứ Bảy, 13/01/2007 14:07 CH

Nhắc đến dân ca Khu Năm, trong đó có Phú Yên, nhiều người nghĩ ngay đến làn điệu bài chòi. Chưa ai biết bài chòi ra đời từ khi nào. Có giả thuyết cho rằng nó hình thành từ trò chơi đánh bài chòi, lúc đầu là hô, sau là hát, và ngày càng phát triển với nhiều làn điệu như: xuân nữ, cổ bản, xàng xê... Cách thể hiện cũng vô cùng phong phú.

 

070113-choi-1.jpg

Hội bài chòi mùa xuân - Ảnh: D.T.X

 

THỜI VÀNG SON

 

Trước đây người dân Phú Yên không ai là không biết đến bài chòi. Nếu như cơm, canh… là món ăn vật chất thì bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu của  nhiều người. Đi làm đồng, người ta hát bài chòi cho đỡ mệt. Sinh hoạt hội hè, bài chòi là “món” không thể thiếu. Bài chòi giữ ngôi vị độc tôn trong đời sống tinh thần của người dân Phú Yên trong một thời gian dài. Khi chiến tranh xảy ra, bài chòi cũng theo chân những chiến sĩ cách mạng lên rừng, xuống biển, theo suốt dọc đường hành quân. Để rồi đêm đêm bên cánh võng giữa rừng khuya, trong hang đá lạnh căm, điệu bài chòi lại được cất lên:

 

Con xa mẹ lên đường đi đánh Mỹ

Đã chín năm rồi con chưa nghỉ bước hành quân…

 

070113-choi2.jpg

Hiện chỉ còn một số nơi ở Phú Yên tổ chức hội bài chòi vào dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: D.T.X

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù cuộc sống gian khổ, thiếu thốn trăm bề, nhưng bài chòi vẫn phát triển rất mạnh. Ở trong rừng sâu, núi thẳm, nhưng Tỉnh đội Phú Yên cũng thành lập đoàn dân ca để phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân vùng tự do. Chính trong thời kỳ này có rất nhiều người tham gia sáng tác, viết lời cho bài chòi như: Lương Thúc Quý, Vũ Trung Uyên, Lê Hữu Phước… Nhiều sáng tác của những chiến sĩ - nghệ sĩ, tác giả trong thời kỳ này được lưu truyền cho đến nay, như: Tấm gương chị Lý, Mang hình mẹ vào trận đánh hôm nay, Ngô Trọng Tía… Bên cạnh lực lượng sáng tác, lực lượng biểu diễn cũng rất hùng hậu, trong đó có những gương mặt nổi trội như Lê Hữu Phước, Bùi Thanh Tuấn, Vũ Hoài…Chính bài chòi đã nâng bước chân của người chiến sĩ trên mọi nẻo đường hành quân, thúc giục những ngươi con ưu tú của quê hương lên đường đi kháng chiến. Bài chòi làm cho đêm đông bớt rét, cho đêm dài qua mau…

 

Sau ngày đất nước thống nhất, bài chòi tiếp tục phát triển. Xóm có đội văn nghệ xóm, thôn có đội văn nghệ thôn, tỉnh thì có đoàn Dân ca kịch, trong đó bài chòi  giữ vai trò chủ đạo. Bài chòi cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Bài chòi thúc giục thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự…Anh  Trần Duyệt (xã Hòa Vinh, Đông Hòa), từng là diễn viên của Đoàn dân ca kịch Phú Khánh, nhớ lại: “Bài chòi hồi ấy phát triển mạnh và được nhiều người yêu thích lắm. Đi diễn ở đâu, anh chị em diễn viên chúng tôi cũng được tán thưởng. Có nhiều người mê bài chòi đến nỗi, vãn hát rồi vẫn không chịu về, cứ đòi nghe hát tiếp, hát đến sáng cũng nghe”.

 

MỘT MAI... MAI MỘT

 

TÍN HIỆU VUI

Trong hội diễn thông tin lưu động do ngành Văn hoá -Thông tin tổ chức vừa qua có nhiều đơn vị đưa loại hình dân ca bài chòi tham gia và đoạt giải thưởng cao. Và mới đây, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên đã tổ chức sưu tầm, in ấn và chuẩn bị phát hành hai CD dân ca Khu Năm, gồm: một số sáng tác về Phú Yên trong  thời kỳ chống Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất. Chi hội Sân khấu của Hội này còn có ý định thành lập nhóm nhạc dân tộc để đưa dân ca Phú Yên đến với du khách, trở lại với đời sống thường nhật của công chúng, góp phần gìn giữ cho muôn đời sau. Đây là những tín hiệu vui. Song để đạt được điều đó, để bài chòi không bị mai một, cần có những cách làm, những bàn tay, tổ chức lớn hơn và thường xuyên hơn.

Đầu thế kỷ XX trở về trước, hò khoan là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Phú Yên. Do chiến tranh loạn lạc, loại hình hát xướng đặc sắc này bị mai một dần, nhường chỗ cho dân ca bài chòi. Bây giờ, đến lượt bài chòi dần mai một trước sự “tấn công” mạnh mẽ của dòng nhạc nhẹ, nhạc Tây…Trong các chương trình văn nghệ bất kể do cấp nào tổ chức, bài chòi gần như không có chỗ chen chân. Ngay trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp, bài chòi thường chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Chỉ khi nào có hội thi, hội diễn dành riêng cho dân ca hoặc chương trình dự thi “lọt vào tay” một người yêu nghệ thuật truyền thống, thì bài chòi mới “có đất dụng võ”. Mà dường như chỉ có những người đầu đã hai thứ tóc mới còn thích nghe bài chòi. Lớp trẻ ngày nay nếu không bị cuốn theo phim hành động thì cũng chỉ thích nhạc mới, nhạc “thị trường”.

 

Điều đáng quan ngại là lực lượng tham gia sáng tác và hát bài chòi ngày một mỏng dần. Đa số tác giả thiên về sáng tác ca khúc, chỉ có Nguyễn Phụng Kỳ (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật), Phạm Ngọc Sơn (cán bộ nghỉ hưu) và một vài người nữa là còn say sưa với dân ca bài chòi. Lực lượng ca sĩ thể hiện thì chỉ đếm trên đầu ngón tay và quanh đi quẩn lại cũng vài gương mặt cũ, như: Vũ Hoài, Xuân Mỹ (TP Tuy Hòa), Vân Phi, Minh Uông (Phú Hòa), Đình Thảng (Tuy An), Vũ The (Đông Hòa)…, phần lớn  đều bốn mươi trở lên. Một vài giọng ca trẻ mới xuất hiện gần đây, như Ái Phi, Ngọc Duy…, nhưng do chưa được đào tạo bài bản, chưa nắm vững làn điệu nên chưa thể nói là biết hát bài chòi. Và những tay đàn giỏi, chuyên đàn cho loại hình này giờ không còn. Nhóm nhạc đàn cho dân ca bài chòi hiện nay là chuyển từ đàn vọng cổ sang, chưa chuyên nghiệp…

 

HIẾU THANH

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek