Thứ Sáu, 11/10/2024 05:35 SA
Phó giám đốc VTV Phú Yên Trần Thanh Hưng:
Làm phim tài liệu tuy khổ nhưng không quá khó
Thứ Ba, 25/12/2012 14:30 CH

Trở về sau khi tham dự ngày hội của những người làm truyền hình ở Nghệ An, nhà báo Trần Thanh Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên đã trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về những điều đọng lại sau Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 và về một thể loại rất có sức hút: phim tài liệu truyền hình.

 

Nb-Tran-Thanh-Hung121225.jpg

Nhà báo Trần Thanh Hưng (bìa trái) cùng các đồng nghiệp trong Ban Giám khảo chương trình Chuyên đề - Khoa giáo.

* Sau mấy ngày tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 và ngồi ghế giám khảo chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, điều gì khiến ông ấn tượng nhất ở liên hoan lần này?

 

- Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 tại Nghệ An có nhiều điều ấn tượng đối với những người làm truyền hình trên cả nước: Được về thăm quê Bác, thăm những địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng như quê ngoại, quê nội của Bác, khu di tích mộ Nguyễn Du, ngả ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh, cách TP Vinh chừng 70km...; được tham gia các hội thảo về chuyển đổi sang kỹ thuật số trong sản xuất, phát sóng truyền hình, hội thảo Phong cách làm báo Hồ Chí Minh, hội thảo Nâng cao chất lượng phóng sự và hội thảo Bộ Quy tắc tác nghiệp truyền hình. Đối với những người làm nghề, liên hoan là dịp để gặp gỡ, chia sẻ những niềm vui và cả những khó khăn, để cùng nhau vượt qua khó khăn, mang đến cho công chúng những tác phẩm truyền hình bổ ích, hấp dẫn về nội dung và nghệ thuật. Liên hoan cũng là dịp để các đơn vị trao đổi chương trình chuẩn bị phục vụ khán giả tốt nhất trong dịp Tết Quý Tỵ sắp tới.

 

Lần đầu tiên tham gia Ban Giám khảo chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, tuy có vất vả vì số lượng tác phẩm dự thi khá nhiều, nhưng đối với tôi đây là dịp tốt để mình có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá từ đồng nghiệp cả nước về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những định hướng trong sản xuất các chương trình truyền hình. Bốn ngày chấm giải, kể cả ban đêm là dịp để 6 thành viên Ban Giám khảo nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội của mọi miền đất nước qua những gam màu khác nhau. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là ngay cả những vấn đề khá khô cứng như thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường sinh thái…lại có những tác phẩm được các đài địa phương thể hiện rất tốt. Đài PT và TH Bắc Giang với Điều răn kẻ sĩ và đạo đức cách mạng, Bếp năng lượng; Đài PT và TH Vĩnh Long với Cuộc chiến sinh thái; Đài PT và TH Nghệ An với Mỗi cán bộ, một mô hình kinh tế; Ban Khoa giáo VTV với Những gia đình chim ở Tràm Chim… Đó là những tác phẩm có nội dung rất tốt, hình thức thể hiện độc đáo, hiệu ứng xã hội cao. Có tác phẩm được đầu tư quay phim trong 2 năm, quay thế giới loài vật với những thiết bị nhỏ chuyên dùng, phần đồ họa rất tốt - dù là đài địa phương. Một số công ty truyền thông cũng có nhiều tác phẩm tham gia với chất lượng hình ảnh rất đẹp…

 

* Là một người đam mê phim tài liệu và có phim tài liệu dự thi, ông cảm nhận như thế nào về sự chuyển biến của phim tài liệu của các đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc?

 

- Về mảng phim tài liệu truyền hình, một số phim được quay rất tốt. Nhưng điểm yếu của phim tài liệu truyền hình là quá nhiều lời bình. Nhiều phim chưa xây dựng kịch tính của câu chuyện, thiếu sự hiện diện về mặt nghệ thuật của người đạo diễn, có nghĩa là phong cách và cách thức thể hiện chưa rõ ràng. Có thể nói hiện nay tại Việt Nam có 3 xu hướng làm phim tài liệu. Xu hướng thứ nhất là dạng phim làm theo phong cách truyền thống, hình ảnh chỉnh chu, lời bình trau chuốt kỹ lưỡng. Xu hướng thứ hai là làm phim tài liệu theo kiểu thu âm thanh hình ảnh đồng bộ, trực tiếp và không sử dụng lời bình. Và xu hướng thứ ba là những bộ phim tác giả, phim nghệ thuật. Ở đó, người làm phim đang cố tìm một ngôn ngữ điện ảnh riêng thể hiện cá tính của từng đạo diễn. Xu hướng này thường gặp ở những người làm phim tài liệu độc lập, vì các đài truyền hình luôn có cả một ê kíp để làm phim tài liệu. Sự chuyển biến của phim tài liệu truyền hình ít phân biệt về không gian Nam - Bắc, mà thường là giữa các đài “lớn” và đài “nhỏ”. Những đơn vị có điều kiện để làm tốt phim tài liệu cũng như nhiều thể loại truyền hình khác là VTV, HTV, Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh - TFS, VTV Đà Nẵng, VTV Cần Thơ, Đài PT và TH Vĩnh Long, Hải Phòng… Nhưng năm nay, một số đài địa phương đã có đề tài tốt, có sự đầu tư thích đáng về thời gian, công sức, kinh phí nên đã giành được giải cao. Đài PT và TH Nghệ An mời cả chuyên gia nước ngoài đồng hành cùng ê kíp, thuê thiết bị quay dưới nước, Đài PT và TH Vĩnh Long quay một phim tài liệu trong 2 năm, Đài PT và TH Ninh Thuận mời đạo diễn có nhiều kinh nghiệm về đài hướng dẫn cho đồng nghiệp…

 

* Theo ông, phim tài liệu của những người làm truyền hình ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đứng ở vị trí nào trên "bản đồ" phim tài liệu Việt Nam?

 

- Rất khó phát thảo một bản đồ cho phim tài liệu truyền hình Việt Nam. Nơi nào lãnh đạo đài quan tâm đến mảng chính luận, trong đó có phim tài liệu, quan tâm cả về đội ngũ, sự đầu tư; nơi nào có những người tâm huyết với phim tài liệu, có môi trường làm phim tài liệu tốt, nơi đó chắc chắn sẽ có dấu son trên bản đồ phim tài liệu. VTV Đà Nẵng là một ví dụ, có cả một phòng phim tài liệu hơn 10 nhân sự, có những bậc thầy như đạo diễn Đoàn Huy Giao với Tây nguyên miền mơ tưởng cùng nhiều phim nổi tiếng khác. Và VTV Đà Nẵng cũng đã có một thế hệ trẻ tiếp nối. Tôi vô cùng cảm kích khi nghe một đồng nghiệp là thành viên ban giám khảo cho biết: một đồng nghiệp ở Huế dù khó khăn vẫn tự bỏ ra mấy nghìn đô la Mỹ để sang tận An-giê-ri thực hiện một số cảnh quay và phỏng vấn nhân chứng cho phim tài liệu Linh quan môn - thông điệp niềm tin. Một nữ đồng nghiệp của tôi ở miền Tây dám hy sinh cả hạnh phúc riêng tư vì niềm đam mê phim tài liệu…Và điều cuối cùng, tôi muốn chia sẻ đối với bất kỳ ai muốn thử sức mình trong lĩnh vực này: Làm phim tài liệu tuy rất khổ nhưng không quá khó như nhiều người thường nghĩ. Chỉ cần chịu khó quan sát, lắng nghe cuộc sống, xem những vấn đề gì đang đặt ra với cuộc sống chúng ta cần những sẻ chia và cả trách nhiệm của cả cộng đồng thì phim tài liệu hãy lên tiếng. Nhưng điều đó cũng chưa đủ, cần có thêm niềm đam mê nghề nghiệp, không so đo thời gian, công sức, kể cả thu nhập để dành hết tâm huyết của mình cho tác phẩm. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ có được một phim tài liệu tốt.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

VIỆT HƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek