Thứ Sáu, 11/10/2024 17:25 CH
Bến nước hoa vàng – Truyện ngắn của HOÀNG NGHĨA
Chủ Nhật, 02/12/2012 15:00 CH

Lão Ngưu năm nay sáu mươi bảy tuổi, người rắn chắc, da ngăm đen, mái tóc hầu như đã bạc trắng, xen kẽ là ít sợi hung hung đỏ vì cháy nắng. Ðặc biệt, lão có đôi mắt sáng quắc như mắt rắn lục và đôi bàn tay chèo thuyền chắc như hai gọng kìm. Nhìn đôi bàn tay cuồn cuộn săn chắc, không ai dám bảo lão già.

Vợ lão là mụ Khất, không ai biết tuổi, họ tên hay quê quán của mụ. Mụ tha hương từ bé, vì là hành khất nên mọi người gọi là Khất. Hai vợ chồng lão không có con, do ai thì cũng không biết nhưng như cái miệng sang sảng của lão thì tại mụ. Mỗi khi có rượu trong người, lão lại gầm ghè:

 

Ben-nuoc121202.jpg
Minh họa: M.CHÂU

- Mụ còn không bằng một con lợn. Con lợn một năm ba lứa mà mụ mấy chục năm tịt luôn, không được lứa nào.

Khổ cho cái dáng vóc lực điền, làm việc hùng hục như trâu như bò của lão mà lại không có nổi mụn con. Kể cũng buồn, nhưng lão không bao giờ có tật táy máy cô nọ bà kia, cũng không cưới bà nào về. Lão sợ mang tiếng với làng nước. Cũng may vợ chồng lão cũng có đứa con nuôi, đó là bé Du. Lão nhặt được con bé trong một trận lũ cách đây tám năm. Nó dạt vào căn chòi của vợ chồng lão trên một chiếc bè chuối. Gia đình lão sống trong một căn chòi kiểu nhà sàn cạnh bến sông Bài với những cái cọc tre xiêu vẹo cắm xuống mép bờ sông trông như nêm. Sông Bài là con sông nhỏ của một huyện nửa đồng bằng nửa đồi núi, tuy nhỏ nhưng dòng nước xanh ngăn ngắt quanh năm. Hai bên bờ bạt ngàn hoa cúc dại vàng đến nhức mắt.

Nghề của lão là chèo chiếc thuyền nan cũ từ đời cha lão để lại đưa các bà các mụ đi chợ Diễm bên kia sông. Thi thoảng lão đi giăng lưới bắt cá kiếm gạo. Hai vợ chồng lão vỡ vạc mấy khoảnh đất hoang hóa ven bờ sông lấy đất trồng rau vừa cho người vừa cho lợn. Vợ chồng lão cũng nuôi được con lợn nái bên dưới sàn nhà, mỗi năm cho vài ba lứa lợn con. Nhà lão chỉ nuôi được lợn vào mùa khô còn mưa lũ ngay cả người còn chạy như chạy loạn, huống chi là lợn.

Công việc chính của mụ Khất là hằng đêm chèo thuyền sang bờ bên kia sông, nghĩa là nơi tập kết rác thải của khu công nghiệp và phế thải của các công trình xây dựng. Mụ qua đó nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể bán được. Cuộc sống của gia đình lão một phần nhờ vào cái đống rác thải ấy.

Mỗi buổi tối, xong bữa cơm, mụ cho con bé ngủ rồi xách cái sọt đi nhặt phế liệu. Ngày rác mới tập kết về đây, ít người nhặt, mỗi đêm mụ có thể kiếm được dăm ba cân gạo. Nhưng dịp này trẻ con ở làng trong ra đông quá, nhiều đêm mụ chỉ về không. Cuộc sống khốn khó, có cái gì có thể kiếm ra đồng tiền bát gạo là người ta tranh nhau. Ban ngày, những lúc rảnh rỗi mụ mua tre về đan rổ rá, đan rế đem chợ bán. Ðôi bàn tay già nua, răn reo của mụ cũng khéo ra trò. Gia đình lão cứ thế mà qua ngày đoạn tháng.

Bé Du tuy không phải con đẻ của lão nhưng lại giống lão đến lạ. Nhất là cái môi trễ không lẫn đi đâu được. Nhiều người bảo bé Du là con của lão với mụ Lãng bán cá bên chợ Diễm. Cái mụ xề ấy ở góa mà bé Du cũng có nét giống mụ, nhất là ở mái tóc xoăn tít. Mỗi lần có người bảo thế, lão lại nói:

- Rõ vớ vẩn! Môi ai chẳng giống nhau. Mà cứ tóc xoăn là con của mụ Lãng chắc? Ăn nhiều thì cong môi, nắng đốt thì xoăn tóc. Sắt thép còn cong nữa là da thịt con người. Mà là thật thế cũng đã sao nào!

Mọi người quý lão ở tính cách thật thà, thẳng thắn, bộc trực, nghĩ gì nói nấy, chả kiêng nể một ai. Lão được cái nết tốt là rất hay đem cái sức lực điền của mình ra sẵn sàng giúp đỡ người khác mà chẳng cần công lênh gì nhiều, chỉ một chầu rượu là xong.

Bé Du nay đã tám tuổi nhưng hơi thấp bé so với chúng bạn. Bé vẫn chưa đi học. Mụ Khất bảo định ít hôm nữa cho con sang bên kia sông vào lớp mẫu giáo nhớn, nhưng lão gạt đi.

- Nhớn với bé gì, vài năm nữa hẵng hay. Học hành làm gì lắm. Lớn lên rồi cũng lấy chồng rồi cũng đẻ... Mấy đời nhà tao đã học hành gì mà vẫn sống nhăn răng ra đây này.

 

Lão nói thế mụ chỉ biết im lặng, ít khi mụ dám trái lời lão. Có lần giữa đêm lão thèm rượu bảo mụ chèo thuyền sang bên kia sông mua cho lão một chai. Con bé khóc đay đảy trên tay, mụ ngần ngừ không đi. Lão đặt con bé xuống giường, xốc gọn mụ như một con mèo quăng tõm xuống sông. Cũng may, cuộc sống mấy chục năm sông nước dạy mụ biết bơi nên không sao. Sau lần ấy, mỗi lời nói của lão đối với mụ là một mệnh lệnh. Mụ thực hiện với một sự cam chịu. Mà ngày xưa cũng chính lão đã cứu mụ khỏi chết đói, còn nhận mụ làm vợ mặc dù không cưới hỏi. Ðó là cái nợ mà mụ phải trả bằng cả phần đời còn lại.

 

Ngày ấy, anh chàng Ngưu hơn ba mươi tuổi một chút. Trai tráng, lực lưỡng khỏe mạnh mà không lấy nổi vợ vì người ta chê anh chàng Ngưu này đã nghèo lại cù lần, ai bảo gì nghe nấy, lấy về chỉ khổ. Vào một buổi chiều cuối đông ảm đạm, khi lão đi thuyền về thì bắt gặp mụ Khất nằm co quắp ngay trong nhà lão. Lão giật nảy mình làm mụ Khất cũng nảy mình theo. Ngày ấy còn chiến tranh, cuộc sống khó khăn, đói kém. Quê mụ ở một vùng miền Trung, nơi được mệnh danh là "chó ăn đá gà ăn sỏi". Quanh năm gió Lào cát trắng, mưa bão, lũ lụt. Gặp lụt lớn, xóm làng tan tác mỗi người một nơi. Hai mẹ con mụ tha hương cầu thực mong tránh chết đói nhưng mẹ của mụ đã chết dọc đường vì đói rét và căn bệnh hen suyễn ủ sẵn trong người nhiều năm. Mụ khi ấy may còn sức thanh niên nên vẫn còn sống để lê lết được đến vùng đất bán sơn địa heo hút này để rồi gặp lão.

 

Thoạt đầu, lão cứ tưởng mụ là con ma sống nằm co quắp ngay trong nhà của mình, lão cũng rợn. Nhưng sau khi nghe mụ kể lại gia cảnh, lão lại thấy thương thương. Trông mụ quắt queo như con mèo già mấy tháng bị bỏ đói, Lão dìu mụ vào bếp lấy cơm nguội cho ăn. Ban đầu mụ tỏ vẻ sợ sệt, nhưng rồi đôi mắt hiền từ của lão đã trấn an mụ.

 

Mụ ở lại nhà lão vài hôm. Lão đi thuyền, mụ ở nhà cơm nước. Lần lần lão hỏi thăm quê quán, gia đình rồi cho mụ mươi bơ gạo, mấy hào bạc lẻ bảo mụ tìm về quê hương bản quán. Mụ rưng rưng nước mắt, bước đi được mấy bước bỗng quay lại quỳ sụp dưới chân lão khóc lóc. Mụ bảo gia đình tan tác, bố mẹ chết hết rồi không còn đâu để mà đi, xin lão cho mụ ở lại làm con trâu, con ngựa hầu hạ lão.

 

Tình thương dâng lên, anh chàng Ngưu chấp nhận cho mụ ở lại, thêm một miệng ăn cũng thêm người chia sẻ công việc. Thế là mụ nghiễm nhiên trở thành vợ lão Ngưu, không cưới xin, cỗ bàn, cũng chẳng cần phải giấy tờ gì hết, vì vốn lão sống tách biệt với làng ngoài bến sông. Những năm tháng buồn buồn của chàng Ngưu hiền lành cũng có thêm cái gì đó có thể gọi là mới lạ.

 

Mụ buồn vì không sinh nổi cho lão mụn con, mặc dù mụ cũng đi tìm thầy này thuốc nọ. Thấy nhà người ta con cái gọi bố ríu rít, lại trông vẻ thở dài của lão, mụ chạnh lòng, thấy thương chồng lắm.

 

Vốn trước khi mụ về với lão, căn chòi dựng bằng phên nứa lợp lá dừa này là nhà của hai cha con lão. Mộ cha lão mới xanh cỏ vài năm nay. Ông cụ chết trong một trận lũ. Lão cũng suýt chết bận ấy nhưng Hà Bá chưa vời lão đi, lão còn sống để cứu vớt đời mụ, cứu vớt thêm nhiều con người khác.

 

Cuộc đời sông nước lăn lộn của cha con lão đã cứu sống không biết bao nhiêu người khỏi chết đuối. Nhưng cha lão đã chết trong khi chở thuyền đưa người sang bên kia sông trong một trận lũ lớn. Mộ cụ ngay trên cái gò cao cách nhà cụ không xa, chung quanh mọc đầy hoa cúc dại.

 

Con sông Bài chảy lắt lẻo giữa các chân đồi thấp, sim mua lúp xúp chân đồi. Vào mùa cạn nước xanh trong, có thể nhìn thấy đáy sông lớp đất thó màu vàng nâu, từng đàn cá măng tung tăng bơi lội. Nhưng một vài năm trở lại đây mọc lên một khu công nghiệp bên kia sông làm cho mọi cảnh vật thay đổi một cách khác thường. Nước sông đã có màu là lạ. Cá tôm thưa dần, cuộc sống của gia đình lão khó khăn hơn và lão cũng uống rượu, bẳn gắt nhiều hơn. Sắp tới nghe đâu người ta sẽ khởi công xây dựng chiếc cầu sang thẳng chợ Diễm bên kia. Nguy cơ lão thất nghiệp là cái chắc, rồi gia đình lão sẽ treo niêu. Mấy chục năm từ đời cha lão sống gắn bó với con thuyền nhỏ, bây giờ vứt nó đi lão không biết làm gì. Có người bảo lão xin vào khu công nghiệp, nhưng lão đã già cả quá rồi, vả lại ở đấy toàn máy móc công nghệ hiện đại, cái đầu bã đậu của lão thì làm được gì.

 

Người ta chọn bờ sông làm nơi đổ rác thải, đổ phế liệu. Ngồi ở nhà lão, mỗi khi có cơn gió thoảng qua lại nghe trong gió mùi tanh tưởi, lờm lợm rất khó chịu. Vào mùa lũ, rác rưởi nổi lềnh phềnh trên mặt sông còn đáng sợ hơn. Con sông Bài mùa cạn nước xanh trong là thế nhưng mùa lũ trông nó chẳng khác gì mụ dì ghẻ độc ác. Nước từ trên thượng nguồn đổ về lấn sâu vào bờ, đất hai bên bờ lở từng mảng lớn. Ðêm đêm, lão nằm ở nhà nghe tiếng đất sụt mà thấy sợ. Ngôi nhà gia đình lão có nguy cơ rơi xuống lòng sông bất cứ lúc nào.

 

Như thông lệ hằng năm, cứ vào mùa lũ là lão lại dắt díu vợ con vào làng trong ở nhờ dăm bữa nửa tháng. Lão đã cứu sống nhiều người, giúp đỡ nhiều nhà nên việc ở nhờ ít hôm không có vấn đề gì.

 

Vào mùa lũ, đáng lẽ lão phải nghỉ tay chèo nhưng mấy hôm nay lão vẫn đánh vật với mái chèo vì ở bên kia sông nhiều người còn mắc kẹt. Cả bến sông chỉ duy nhất mình thuyền lão vẫn còn hoạt động, các chủ thuyền khác họ đã đóng neo chằng buộc cẩn thận. Ða phần là họ sợ. Mùa này khúc sông đoạn bến chính rất nguy hiểm. Dạo mùa hè các chủ thuyền lớn ở xuôi làm nơi khai thác cát, nạo hút lòng sông tạo thành các vũng xoáy rất nguy hiểm. Lão vẫn chèo vì lão tin vào tài nghệ sông nước mấy chục năm của mình. Lão tính chèo ráng ít hôm nữa có thể đong đủ gạo cho vợ con trong cả mùa lũ.

 

Buổi chiều, lão gửi nhờ bé Du cho bà chủ nhà mà gia đình lão đang ở nhờ. Lão ra bến cùng con thuyền nhỏ sang bên kia sông. Lão chở các cô cậu công nhân làm việc ở khu công nghiệp về làng. Khi qua đoạn xoáy, do sơ ý bất cẩn tay chèo, con thuyền của lão bị dòng xoáy hút. Con thuyền quay tít như một cái chong chóng. Những người trên thuyền vốn không biết bơi kêu rối rít, mặt tái đi, hai tay bám chặt vào mạn thuyền, mắt nhắm tịt.

 

Bỗng lão lao ùm xuống nước dùng đôi tay gọng kìm của mình ra sức đẩy con thuyền trôi ra khỏi vùng xoáy. Lão vùng vẫy vừa bơi vừa cố đẩy. Khi con thuyền khẽ chạm vào mép bờ, mọi người nhìn lại thì không thấy lão đâu nữa. Chỉ thấy con sông Bài gầm gừ nổi quạu. Mọi người vội hô hoán lên, dân làng đổ xô ra nhưng đều bất lực đứng nhìn.

 

Cả cuộc đời cha con lão đã cứu sống không biết bao nhiêu người, nhưng khi cha con lão chết thì không ai cứu. Mụ Khất ôm bé Du ngơ ngác khóc ròng, đôi mắt ngây dại đầy tuyệt vọng!

 

Hai hôm sau, xác lão Ngưu được tìm thấy ở khúc sông dưới cách nơi lão chết đuối hàng chục cây số. Mụ Khất cùng dân làng đưa lão về chôn ngay bến sông, bên cạnh mộ cha lão. Hai cha con lại được ở bên nhau. Khu mộ ở trên một gò đất mọc đầy hoa cúc dại vàng cả một triền sông. Cuối cùng cha con lão đã được cùng nhau về hầu Hà Bá. Ngày xưa, khi còn sống, cha lão đã từng tiên đoán rồi cũng có ngày này.

 

Sau khi cơn lũ rút đi, đất đai dường như màu mỡ hơn. Mọi người giúp mụ Khất dựng lại căn nhà lá do trận lũ làm xiêu vẹo hết. Hai mẹ con lại dọn về ngôi nhà cũ. Dân làng trong định giúp mẹ con mụ xây căn nhà nhỏ cuối làng để sinh sống vì ở ngoài ấy nguy hiểm, nhưng mụ một mực từ chối vì muốn ở ngôi nhà đã gắn bó với cả cuộc đời cha con lão Ngưu và quan trọng là được ở gần chồng, sớm hôm hương khói.

Chiếc cầu chợ Diễm sừng sững bắc ngang con sông Bài, dáng cong cong màu trắng như chiếc lược ngà cài vào mái tóc xanh thẳm của lòng sông. Chiều chiều, những người đi trên cầu sang sông lại thấy bên bờ sông, một người phụ nữ bế đứa con nhỏ ngóng vọng ra xa. Hai con người, hai mảnh đời không quen biết trôi dạt vào nhau, giờ đã thành mẹ con, sống nương tựa bên nhau đầm ấm.

 

Hoa cúc dại hoang hoải nở vàng dọc một triền sông đầy gió. Con sông Bài rắt riu, thao thiết chảy vào vô tận. Con sông Bài từ ngày ấy mọc thêm một bến Vọng Phu.

 

(ND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hoa cải mùa đông – Thơ PHAN QUYẾT CHÍ
Chủ Nhật, 02/12/2012 17:00 CH
Thăm địa đạo Củ Chi
Chủ Nhật, 02/12/2012 15:00 CH
Rộn ràng “Vũ Điệu Mãi Xanh”
Chủ Nhật, 02/12/2012 14:00 CH
Năm thành công của Ben Affleck
Chủ Nhật, 02/12/2012 10:15 SA
Hoa ngọc lan
Chủ Nhật, 02/12/2012 08:52 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek