Thứ Bảy, 12/10/2024 09:21 SA
Sông chảy vào nhạc Ngọc Quang
Thứ Ba, 06/11/2012 14:00 CH

Trong ký ức của nhiều người có một dòng sông miên man chảy. Đó có thể là dòng sông nơi cuối xóm với những trưa hè trốn mẹ nô đùa trong làn nước mát, những chiều đông theo cha thả lưới giăng câu. Đó có thể là dòng sông với gập ghềnh cầu ván, ngày ngày mẹ dắt ta đi học. Đó có thể là dòng sông với bến nước hẹn hò rồi hóa mênh mông khi có người sang sông về nhà khác…

 

Nhac-si-Ngoc-Quang121106.jpg

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang - Ảnh: L.VY

Với nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, dễ có đến hai dòng sông miên man từ đời thực chảy vào âm nhạc. Một là dòng sông Ba bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô ở tây bắc Kon Tum êm ả chảy qua huyện Sơn Hòa, nơi nhạc sĩ này lớn lên và tìm thấy niềm đam mê lớn nhất đời mình. Hai là dòng sông Cái khởi nguồn từ dãy La Hiên hùng vĩ, gấp gáp len lỏi qua chập chùng đồi núi ở Đồng Xuân với cái tên Kỳ Lộ rồi hiền hòa với cái tên sông Cái khi về đến Tuy An - nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Dường như nhạc sĩ Ngọc Quang có nhiều ẩn ức và cảm xúc với sông, nên ông sáng tác đến bốn ca khúc về chủ đề này. Đều là những ca khúc trữ tình sâu lắng, sông: Đêm sông Ba, Lời ru của dòng sông, Nỗi nhớ một dòng sông Về với dòng sông quê, mỗi bài có “chất” khác nhau.

 

Từ bài thơ cùng tên của Trần Lê Khiết, cũng là một người con của Sơn Hòa, nhạc sĩ Ngọc Quang phỏng ý và viết ca khúc Đêm sông Ba. Giai điệu thiết tha sâu lắng, Đêm sông Ba là bản tình ca dành cho quê, cho mẹ. “Đắt” nhất có lẽ là đoạn điệp khúc này: “Đêm quê hương nghiêng mình phía núi/ Nghe con sông lặng lẽ xuôi dòng/ Đôi quang gánh mẹ tảo tần dong ruổi/ Bến sông chiều đau đáu một lời ru…”.

 

Có người dù chưa xa sông nhưng đã da diết nhớ sông. Phải chăng vì hình hài dòng sông đó vẫn ở bên, nhưng đích thực dòng sông mà ngày thơ họ bơi lội, nghịch đùa thì đã hút xa trong những năm tháng cũ? Nếu đúng như vậy thì nhạc sĩ Ngọc Quang càng có lý do để thương để nhớ, bởi từ năm 1989, ông về Tuy Hòa công tác, xa sông Ba đoạn êm đềm trôi qua Sơn Hòa, lại càng xa con sông mênh mang xanh trong những năm tháng tuổi thơ. Thế nên ông viết, rất mộc mạc song rất tình cảm: “Tuổi thơ dù đã xa sao trong tôi vẫn cứ dại khờ/ Thời gian dù đã qua nhưng trong lòng vẫn nhớ không nguôi/ Dòng sông nào đã nuôi tâm hồn tôi khôn lớn từng ngày/ Dù qua ngàn biển Đông vẫn trong lòng canh cánh một dòng sông… Ôi sông Ba yêu thương đã ru tôi năm tháng tuổi thơ/ Nên khi xa quê hương vẫn trong lòng tiếng ru hời của dòng sông…”.

 

Nhớ sông thì về bên sông, nơi “phù sa đọng trong niềm thương nỗi nhớ/ Cho cây lúa Tuy Hòa xanh điệu hò bén rễ/ Cho tình yêu mãi cứ đong đầy”. Ca khúc Về với dòng sông quê được nhạc sĩ Ngọc Quang sáng tác mới đây vẫn dạt dào cảm xúc, vẫn thiết tha ru hồn người giữa phù sa mật ngọt. Trong Về với dòng sông quê, âm nhạc của Ngọc Quang chắp cánh cho những câu thơ của Huỳnh Văn Quốc nên giai điệu, lời ca cứ đọng lại trong lòng người: “Ta hằng mơ sông Hậu với sông Đà/ Ta từng mơ Hoàng Hà hay Đa-nup/ Những dòng sông chảy trong giờ địa lý/ Đâu làm xao con sóng sông Đà RằngTa gắn chặt với đất này như thế/ Như tình yêu con sông hòa với bể/ Rập rờn trôi theo khúc hát dân ca…”.

 

Bên cạnh ba ca khúc về sông - ba bản tình ca dành cho quê hương, nhạc sĩ Ngọc Quang còn có một ca khúc khác về sông - bản tình ca dành cho một bóng hình đã xa. Đó có thể là một bóng hình rất thật, rất riêng của nhạc sĩ. Đó có thể là một bóng hình đã qua trong trái tim những người từng rạo rực vì yêu. Hoài niệm về tình yêu bao giờ cũng đẹp, và buồn. Đôi khi, nỗi buồn lại tôn thêm vẻ đẹp.

 

Nỗi buồn trong ca khúc Lời ru của dòng sông như những gợn sóng tăn lăn, nhẹ nhưng chẳng bao giờ tan trên mặt nước. “Rồi sẽ một ngày em về tìm trong nỗi nhớ/Lời ru xưa dạt dào như lời của dòng sông/ Sao em quên dòng sông để con đò bạc tóc chờ mong/ Tôi nghe trong lòng như có ai gọi… đò ơi… đò ơi…”.

 

Sống ở TP Tuy Hòa - nơi chưa phải là trung tâm văn hóa của cả nước, hoạt động sáng tác, biểu diễn âm nhạc chưa sôi động, nhưng nhạc sĩ Ngọc Quang không cho phép mình lạc hậu. Ông thường hòa âm phối khí các ca khúc của mình. Căn phòng áp mái trong ngôi nhà màu trắng thanh lịch ở phường 7 là phòng thu mini với đầy đủ “đồ nghề”. Ông có blog cá nhân để chia sẻ niềm đam mê âm nhạc, chia sẻ những tác phẩm tâm đắc trong số hàng trăm tác phẩm của mình với bạn bè khắp nơi.

 

Hôm nọ tôi tắt điện thoại gần như cả ngày, mở ra thì thấy tin nhắn rất hóm hỉnh của ông: “Còn sống hay đã chết rồi? Nếu chết rồi thì... nhắn tin cho tui biết nghen”. Để chứng minh rằng mình chưa chết, tôi chạy sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và gõ cửa phòng làm việc của ông chủ tịch hội. Nhạc sĩ Ngọc Quang hào hứng chia sẻ với tôi bốn ca khúc viết về dòng sông quê hương ông. Ông lại còn tặng thêm đĩa nhạc và bảo “mang về nghe nếu có cảm xúc thì viết, còn không thì nghe xong rồi vứt đi”. Tôi mang về nghe và nghe rất nhiều lần, càng nghe càng cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm mà Ngọc Quang đã dành cho dòng sông quê mình.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek