Thứ Bảy, 12/10/2024 21:32 CH
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp:
Đi mấy ngày đàng…
Chủ Nhật, 21/10/2012 14:30 CH

Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp vừa giới thiệu với độc giả cả nước cuốn sách mới toanh Ký sự xứ người. Cuốn sách dày gần 130 trang, tập hợp 7 bài bút ký về những năm tháng tác giả sống trên đất nước Nga, về những lần đến xứ người với bao trải nghiệm thú vị. Sau những tập truyện dịch được xuất bản trong thời gian qua, Ký sự xứ người mang “màu sắc” lạ và không kém phần hấp dẫn.

 

Nha-van-Dao-Minh-Hiep121021.jpg

Nhà văn Đào Minh Hiệp - Ảnh: L.VY

* Thưa nhà văn, trước giờ ông được biết đến với những tác phẩm văn học dịch. Vì sao gần đây ông chuyển sang viết bút ký và ra mắt Ký sự xứ người?

 

- Do điều kiện công tác, tôi có dịp đi đây đi đó, có những chuyến đi trong nước, có những chuyến đi nước ngoài. Mỗi chuyến đi để lại những cảm nhận thú vị, mới mẻ, đặc biệt khi đi ra nước ngoài, cảm nhận càng độc đáo hơn.

 

Ban đầu, tôi không định viết thành bài mà chỉ ghi chép như kiểu nhật ký đi đường để sau này làm tư liệu viết văn. Nhưng rồi thấy hơi tiếc, chờ đến khi đưa hết các nội dung đó vào một tác phẩm tâm huyết thì có thể sẽ mất đi tính thời sự nóng hổi. Cho nên sau mỗi chuyến đi tôi đều ghi chép lại những cảm nhận của mình để viết thành bài.

 

Những bài viết của tôi không đơn giản là mô tả một vùng đất mới lạ mà cái chính là sự cảm nhận, trải nghiệm của mình khi tiếp xúc với vùng đất đó. Khi đi nước ngoài, nhiều người quan tâm đến hàng hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh. Những điều đó tôi cũng quan tâm, nhưng tôi quan tâm hơn là cuộc sống con người ở vùng đất đó, đất nước đó. Vì vậy mỗi khi đến với xứ người, tôi luôn tìm hiểu những nét đặc biệt, khác lạ so với đất nước Việt Nam.

 

* Điều gì đọng lại trong ông sau những chuyến đi đó?

 

- Những năm tháng sống ở Nga, điều đọng lại sâu đậm nhất trong tôi là tình cảm của người Nga. Dù Liên Xô có đứng trước bất cứ sự biến động chính trị nào thì người Nga vẫn vậy, tâm hồn Nga vẫn vậy - chân thành và nhân hậu. Và tình cảm đó không thể nào phai mờ được.

 

Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp sinh năm 1950 tại TP Tuy Hòa, quê ở An Nhơn (Bình Định). Ông được đào tạo chuyên ngành địa chất tại Liên Xô trước đây, từng công tác tại Liên đoàn Địa chất Thủy văn Miền Nam, Trường Trung học chuyên nghiệp Địa chất 2 (tiền thân của Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Ông được biết đến với nhiều tác phẩm văn học dịch có giá trị đồng thời cũng rất đam mê hội họa, đã tổ chức một triển lãm tranh cá nhân vào tháng 4/2012.

Khi đến những đất nước khác, như Trung Quốc, tôi thấy nét nổi bật chính là hoạt động dịch vụ du lịch để làm kinh tế. Đến Israel, ấn tượng sâu đậm nhất chính là việc người ta khai thác chất xám của con người để xây dựng đất nước. Mỗi nơi tôi đều cố gắng ghi chép lại những trải nghiệm của mình và chia sẻ với bạn đọc dưới dạng bút ký văn học.

 

Thực ra khi viết về nước Nga, tôi không chỉ viết về những kỷ niệm. Có những vấn đề sau mấy chục năm tôi đã chiêm nghiệm được và cảm thấy thú vị, ví dụ như câu chuyện mà tôi viết trong Bài học đầu đời. Chuyện xảy ra đã mấy chục năm, nằm sâu trong ký ức nhưng sau này khi đã có nhiều trải nghiệm, tôi mới nhận ra câu chuyện nhỏ đó dạy cho mình một bài học quý báu, rằng trong cuộc đời, chuyện học làm người còn quan trọng hơn chuyện học chữ. Qua câu chuyện nhỏ, ông thầy đã dạy cho tôi: Con người phải có bản lĩnh, dám bày tỏ chính kiến của mình trong mọi tình huống.

 

* Loạt bài Ký sự miền đất thánh rất lôi cuốn, một phần vì rất ít người Việt đến Israel và bài viết về Israel thì càng hiếm hoi hơn. Điều gì khiến ông cảm thấy thú vị nhất trong chuyến đi đến miền đất thánh?

 

- Thú vị nhất là miền đất này gần như hoàn toàn xa lạ với Việt Nam. Đây là miền đất thánh, khởi nguồn của 3 tôn giáo lớn, gợi bao sự tò mò, bao sự cuốn hút về văn hóa, về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Trong quá trình tiếp xúc, tôi bị cuốn hút bởi trí thông minh của người dân Do Thái. Trên báo chí sách vở, người ta đã viết rất nhiều về sự thông minh, cần cù chịu khó của người Do Thái. Tôi có một người thầy là người Do Thái. Sang đấy, tôi gặp được người bạn cũ ở Liên Xô đang làm tham tán và cung cấp nhiều thông tin thú vị về vùng đất này. Điều thú vị nữa là tôi gặp những người Do Thái vốn là công dân Xô Viết ngày trước đang sống tại Israel. Chính họ giúp tôi tìm hiểu thêm về dân tộc Do Thái - một dân tộc bị xua đuổi, bị giày xéo phải lang bạt khắp thế giới sau đó trở về xây dựng lại quê hương...

 

Bia-sach-121021.jpg

Bìa sách “Ký sự xứ người”.

* Sau khi ra mắt Ký sự xứ người với một “sắc màu” rất khác, ông có dự định gì tiếp theo, thưa nhà văn?

 

- Tôi còn một tập truyện ngắn dịch đang in, trong đó có những truyện ngắn đã đăng trên Báo Phú Yên. Vừa rồi, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga và Văn học Việt Nam do dịch giả - nhà thơ Thúy Toàn làm chủ tịch biết tôi tâm huyết với việc dịch các tác phẩm văn học Nga nên đề nghị tôi đăng ký tác phẩm dịch để quỹ đầu tư, hỗ trợ xuất bản. Khi tôi đăng ký dịch tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua của nhà văn Kanta Ibragimov, họ nhất trí ngay. Tác giả là một tiến sĩ kinh tế học, cha là tiến sĩ hóa học, sống trong một gia đình truyền thống, theo đạo Hồi, gốc gác từ vùng đất Chechnya. Tác giả từng làm Thứ trưởng Cục thuế Liên bang Nga nhưng đã từ bỏ tất cả để về mảnh đất quê hương, làm giảng viên một trường đại học tổng hợp, giám đốc một trung tâm nghiên cứu khoa học và tiếp tục viết văn. Ông từng nói: Làm khoa học kỹ thuật là để nuôi sống gia đình tôi, còn viết văn là để nuôi sống tâm hồn. Ông đã xuất bản gần chục đầu sách. Cuốn sách đầu tay của ông là tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua dày khoảng 700 trang sách Nga, khoảng gần 1.000 trang tiếng Việt. Ngay sau khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã gây tiếng vang lớn, được đọc nhiều nhất không chỉ ở Chechnya mà ở cả nước Nga, năm 2003 được trao giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật. Toàn bộ lịch sử vùng đất Chechnya của những người đạo Hồi ở miền Bắc Kavkaz từ năm 1925-1995 với biết bao thăng trầm sóng gió được tái hiện thông qua câu chuyện về nhân vật chính lấy từ nguyên mẫu ông nội tác giả. Trước nay chúng ta chỉ biết nước Nga qua cái nhìn màu hồng. Tác giả này không bị lệ thuộc vào bất cứ trường phái chủ nghĩa giáo điều nào nên viết khác so với những người khác. Chính vì sự khác biệt độc đáo đó mà tác phẩm có nét riêng kỳ lạ và được nước Nga thừa nhận là một tác phẩm lớn, dù khi mới ra đời cuốn sách cũng gây nhiều tranh cãi.

 

Cuốn tiểu thuyết gồm 3 phần, hiện tôi đã dịch xong phần 1, dự kiến đầu năm tới sẽ xuất bản. Hy vọng với giọng văn và cái nhìn hoàn toàn khác lạ, cuốn sách sẽ mang lại cho bạn đọc một làn gió mới lạ từ một vùng đất xa xôi nhưng cũng rất thân quen với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.

 

* Xin cảm ơn và chúc ông sớm dịch xong tiểu thuyết này!

  

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek