Thứ Bảy, 12/10/2024 21:34 CH
Vũ Trọng Phụng - chuyện sau 100 năm chưa hết
Chủ Nhật, 21/10/2012 08:15 SA

100 năm nhìn lại, ngòi bút, tài năng của ông vẫn làm cho người đời thán phục dù cho tuổi đời và tuổi nghề vô cùng ngắn ngủi.

 

vutrongphung121021.jpg

Vũ Trọng Phụng - nhà văn tài hoa bạc mệnh.

Nếu như đặt câu hỏi: Trong dòng văn học hiện thực phê phán, ai thay thế được hình tượng “Xuân tóc đỏ” thì câu trả lời sẽ là “chưa”. Và cho đến nay, nếu như tìm xem gương mặt nào, cây bút hiện thực nào mạnh mẽ, quyết liệt và sống động đến tận cùng những mặt trái xã hội như Vũ Trọng Phụng thì câu trả lời cũng là “chưa”.

 

Nhiều người thường đặt câu hỏi: vì sao sức khỏe ốm o như thế, Vũ Trọng Phụng vẫn cầm bút viết, vì sao chỉ quanh quẩn quanh Hàng Bạc, Sầm Công, Cầu Gỗ, Ngã tư sở - Thanh Xuân… “mà sức viết lại cường tráng đến vậy”. Chỉ với một cây bút mà ông dám đối mặt với bốn phía bủa vây là cái ác, cái xấu, những kẻ có tiền, có quyền ban họa phúc cho cả thiên hạ.

 

Năm 1936 được coi là năm đỉnh cao trong nghiệp cầm bút của Vũ Trọng Phụng khi ông mới 24 tuổi, liên tục cho ra đời 4 tiểu thuyết là Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ, Vỡ đê và 3 phóng sự Cơm thầy cơm cô, Dân biểu dân biểu, Vẽ nhọ bôi hề.

 

Giáo sư Phong Lê nhận định, giá trị hiện thực lớn của Vũ Trọng Phụng là giá trị tố cáo một cách quyết liệt nhất, sắc sảo nhất, không thỏa hiệp nhất. Và phương diện nghệ thuật thì không cần phải nói đến ngôn ngữ bởi ngôn ngữ của xã hội vào ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng phong phú vô cùng. Ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng và ngôn ngữ Nam Cao phong phú lắm, ngôn ngữ Tô Hoài cũng vậy nhưng ông để lại những điển hình tuyệt vời.

 

Nếu có một điển hình phản diện trước 1945: nhiều vẻ, nhiều quan hệ là Nghị Hách và đệ nhất điển hình là Xuân tóc đỏ. Và chẳng phải riêng Xuân tóc đỏ, những điển hình chỉ thoáng thoáng một tý vẫn sống đời. Chẳng hạn như bà Phó Đoan, Em Chã…

 

50 năm sau ngày mất (1989), những giá trị mà Vũ Trọng Phụng để lại đã được người đời nhìn nhận với con mắt cởi mở và đổi mới hơn. Tất cả những gì được coi là tệ nạn, hoặc ung nhọt xã hội qua khảo sát của Vũ Trọng Phụng như cờ bạc, hút xách, mãi dâm, buôn người…đã lùi sâu vào lịch sử ngót một thế kỷ nay bỗng trở lại gần như nguyên vẹn hiện thực. Và cũng không ngạc nhiên khi Số đỏ, Giông tố, Cơm thầy cơm cô được chuyển thể vào điện ảnh, Làm đĩ được tái hiện trên sân khấu kịch mà không một buổi diễn nào không cháy vé… Việc chuyển thể những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên sân khấu là quá trình tất yếu, dài lâu. Bởi vì, văn của ông cũng đầy tính kịch, đầy xung đột và có khả năng tạo nên sự bùng nổ của hàng chuỗi tiếng cười.

 

Tiến sĩ Nguyên Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam nhận định, nếu các nhà sân khấu đem chuyển thể những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng để đem đến một đời sống mới trên sân khấu là chuyện cũng bình thường. Nhưng liệu các nhà sân khấu đã chuyển tải thành công tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay chưa thì chúng ta khó có thể trả lời được bao nhiêu phần trăm. Vấn đề đặt ra là, mỗi một nhà đạo diễn, mỗi một người chuyển thể kịch bản tìm ra trong đó đâu là yếu tố mình cần khai thác, đâu là những ý tưởng của đạo diễn trên nền của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng để tạo nên sự cộng hưởng giữa tác giả văn học, tác giả kịch bản và đạo diễn trên sân khấu. Khi tạo nên được điều đó thì chắc chắn Vũ Trọng Phụng sẽ nối dài ảnh hưởng của ông đến đời sống Việt Nam đương đại.

 

Sau khi ông mất, người ta đã ghi nhận giá trị các tác phẩm của ông. Con cháu và những người mến mộ cũng mong lắm sự quan tâm từ phía nhà nước để gìn giữ nơi ông đang an nghỉ tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngôi mộ ông đã phải di dời 4 lần bởi chiến tranh và những dự án xây dựng. Gia đình đã có đơn, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 cũng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa và thành phố Hà Nội xin được cho khu tưởng niệm Vũ Trọng Phụng thành Di tích Nhà nước.

 

“Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua Giông tố tưởng thêm Số đỏ - số độc đắc văn chương vừa trúng thế, bỗng Dứt tình Không một tiếng vang”… Những câu đối của nhà văn Đồ Phồn viết trong ngày vĩnh biệt Vũ Trọng Phụng đã được khắc hai bên mộ chí nay vẫn làm cho người đời tiếc nuối mỗi khi nhớ về ông.

 

Những giá trị thế kỷ ấy nay vẫn còn tươi mới về cuộc sống, về sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội, về sự thật và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek