Thứ Bảy, 12/10/2024 23:36 CH
Ký ức tuổi thơ của Trần Văn Phú trong tác phẩm Một thuở xóm quê
Thứ Bảy, 20/10/2012 15:00 CH

Một thuở xóm quê”(*), nơi mà cách đây 54 năm tác giả Trần Văn Phú được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình, làng xóm trên một mảnh đất quê nhà có gió núi mây ngàn, chim ca suối hát, trái ngọt cây lành ở miền núi Đồng Xuân - Phú Yên. Cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước, con người của anh không kiêu kỳ mà bình dị, ít xa lạ, gần gũi; không nặng nề cồng kềnh mà nhẹ nhàng thoải mái đã thể hiện nên phong cách riêng của một hồn thơ trẻ giàu bản sắc.

bia121020.jpgTrần Văn Phú khi đam mê một đề tài nào anh thường dành nhiều thì giờ, tâm huyết để khai thác, sáng tạo, như cảm xúc dạt dào về Đêm thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn, nhất là mùa xuân. Trải 4 mùa thay lá thay hoa, vẻ đẹp mùa xuân làm anh say đắm.

Mở đầu tập thơ tình Một thuở xóm quê bằng một thể thơ ít từ nhất (tôi không nói đến thể thơ mới, thơ tự do, mà nói đến thơ có vần, có nhạc điệu). Anh giới thiệu Cánh đồng mùa xuân trên quê hương anh “Lúa xanh mơn mởn/ Thả cần câu non… Khát khao ruộng lúa/ Uống dòng nước sông/ Còn tôi khao khát/ Em về cùng xuân”.

Mùa xuân - tình yêu - thi ca đã dan díu nghìn đời trong cảm hứng của thi nhân. 72 bài thơ trong tập Một thuở xóm quê đã có đến 12 bài thơ xuân và liên quan mật thiết đến mùa xuân. Mùa xuân này anh lại nhớ đến Xuân xưa. Chàng Đợi xuân trên bến Xuân quê để gặp em rủ nhau Về thăm Phú Hòa gặp bạn Dìu nhau lên núi Nhạn nghe thơ…

“Khói hương thăng trầm đền Lương Văn Chánh. Mùa xuân về mở hội nhớ công ơn. Mỗi xuân về - đêm thơ hò hẹn/ Về lại Phú Hòa thăm bạn tìm em” (Về thăm Phú Hòa).

“Ta dìu nhau lên núi Nhạn nghe thơ/ Ngắm phố phường ngày càng rộng mở/ Ngắm vầng trăng sáng soi muôn thuở/ Soi tầng tháp cổ ngàn năm…” (Dìu nhau lên núi Nhạn nghe thơ).

Trần Văn Phú cũng trọng tình nghĩa lắm, biết tri ân thành hoàng biên cuộc tỉnh nhà, vẫn nhớ bạn hiền, không quên em gái. Cứ mỗi độ xuân về, từ Đồng Xuân xa xôi lại vào tận Hòa Định, Hòa An, Hòa Trị (Phú Hòa) tham gia đêm thơ truyền thống, lên núi Nhạn dự Đêm thơ Nguyên tiêu của tỉnh. Anh yêu thơ đến thế mà lại cho là của nợ: “Phải chăng thơ là nghiệp chướng/ Ta trót vay từ kiếp xa xôi/ Nên kiếp này đem thân làm mướn/ Trả cho em trả nợ cho đời” (Tự Bạch). Phải, thơ là nghiệp chướng, một nghiệp chướng đáng yêu không thể xa rời. Đã đa mang cái của nợ này, thì đời kiếp này không thể nào trả hết được đâu. Nhưng thơ sẽ “chu du khắp nẻo”, “bắt những nhịp cầu” nối kết những tâm hồn đồng điệu trong cõi người ta, thì cứ xem như sự trả giá, sự cống hiến phần nào cho đời vậy. Chạm mốc thời gian nhân sinh bách tuế chi kỳ anh bỗng nhìn lại mình nhưng hơi muộn: “Khi bắt đầu lo toan cơm áo/ Đời bỗng hết hồn nhiên”. (Ngưỡng cửa 50) nhưng rồi cũng kịp nhận thức: Hoa nào rồi chẳng úa tàn/ Còn gì đâu nữa hỡi nàng thơ ơi!. Còn chứ: Trăm năm còn mấy vần thơ/ Nghêu ngao ta hát vu vơ một mình/ Trời cao đất rộng vẫn xanh/ Sao ta bỗng chốc hóa thành hư vô”. (Trăm năm)

Trong cõi vô thường, có-không-còn-mất, thực tại, hư vô đều là ảo mộng, là hư ngụy. Trăm năm còn lại mấy vần thơ, mấy trang viết được bạn đọc đón nhận đã là niềm an ủi cho người sáng tác rồi. Trở lại tính trữ tình trong thơ Trần Văn Phú, thấy anh thật nặng lòng với quê hương, xứ sở, với hoài niệm tuổi thơ, nhớ nhung về một thời trai trẻ bằng những hình ảnh đơn sơ mà gợi cảm, bình thường mà ý nhị: “Đâu rồi muối dẻ chim chim/ Đâu rồi kỷ niệm êm đềm tuổi thơ/ Đâu rồi ngày tháng mộng mơ/ Đâu rồi cái thuở ta vừa yêu em” (Đâu rồi). Gợi nhớ lại một thuở ở xóm quê trong thời kỳ lửa đạn: “Có gì

đâu ở một xóm quê/ Mái tranh liêu xiêu bom cày đạn xới/ Củ sắn củ khoai đỡ lòng khi đói/ Vẫn không thiếu những tiếng cười” (Một thuở xóm quê). Anh lạc quan với tuổi thơ hồn nhiên, với những buồn vui thiếu đủ, tung tăng chân sáo đuổi bắt chuồn chuồn bên hàng rào mút mật nhà bà Năm, chia nhau từng trái keo chín ngọt bên nhà ông Tư hàng xóm. Những hình ảnh thân thương, quen thuộc làm anh: “Mỗi lần về lại xóm quê/ Nghe bồi hồi với bao kỷ niệm/ Một thời của tôi đã thành dĩ vãng/ Nhớ thương vô cùng năm tháng xóm quê” (Một thuở xóm quê). Anh đã có một thời tuổi thơ chăn bò cắt cỏ, tắm suối tắm sông, đầu trần

chân đất, một tuổi thơ sớm mồ côi cha, giờ ngậm ngùi nhớ lại bao nỗi cơ cực vất vả của đời mẹ để nuôi con khôn lớn, anh không khỏi xúc động tự nhủ lòng mình và nhắc nhở con cái: “Đừng để ngày sau phải ân hận/ Khi không lo cho mẹ được chu toàn” (Mẹ). Thơ anh có lúc lời lẽ thô mộc như mấy câu văn xuôi, nhưng chan chứa ơn nghĩa sinh thành nên cũng không xa lìa ý thơ.

Bây giờ thì quê hương Trần Văn Phú đã đổi thay, đời sống con người từng bước được cải thiện, anh tự hào về điều đó mà nghìn xưa đã hun đúc nên khí thiêng sông núi: “Tôi sinh ra đã thấy núi bao quanh”… “Tôi sinh ra đã thấy núi bên tôi…”, “Mặt trời mặt trăng lên non xuống núi/ Tuổi thơ nào mới đấy đã xa/ Tâm hồn tôi hun đúc nên từ núi/ Ngẩng cao đầu giông tố vượt qua” (Núi).

Người làm thơ có quyền hoài niệm quá khứ, sống với hiện tại, ngẩng cao đầu hướng đến tương lai. Thơ của Trần Văn Phú thể hiện điều ấy qua thi pháp bình dị, chân chất, lương thiện, nhẹ nhàng, dễ thấm vào lòng bạn đọc khi tiếp cận tác phẩm Một thuở xóm quê.

-------------------------

(*) Tập thơ đầu tay của Trần Văn Phú, Nxb Thanh Niên & Hội VHNT Phú Yên xuất bản năm 2012.

TAM ANH - TƯỜNG VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek