Chủ Nhật, 13/10/2024 13:22 CH
Đêm tri ân ngọt ngào câu hát
Chủ Nhật, 30/09/2012 15:00 CH

Dù trời mưa không dứt, đông đảo nghệ sĩ, diễn viên vẫn đến Trung tâm Du lịch và Sinh thái Thuận Thảo (TP Tuy Hòa), tri ân những người đã có công sáng lập, xây dựng, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, gặp gỡ bầu bạn và biểu diễn những trích đoạn, bài bản mà họ đã thuộc lòng. Dù trời mưa không dứt, nhiều người yêu thích nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn đến đây, hòa chung cảm xúc với những “con tằm nhả tơ” mừng Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ III.

 

tuong120930.jpg

Thành viên CLB Tuồng 10/5 diễn trích đoạn tuồng “Chung Vô Diệm” - Ảnh: D.T.XUÂN

Trong tiếng chiêng, tiếng trống, nhạc bát âm, các nghệ sĩ, diễn viên dâng lễ vật lên bàn thờ Tổ. Hương được thắp lên và chánh tế đọc văn tế Tổ - những người đã có công sáng lập, truyền bá nghệ thuật sân khấu truyền thống. Theo truyền thuyết, ba hoàng tử Càn, Nhơn, Chất chính là Tổ của sân khấu Việt. Vì quá đam mê nghệ thuật sân khấu, ba hoàng tử lặng lẽ rời khỏi cung son gác ngọc, lập đoàn hát đi biểu diễn khắp nơi và truyền nghề cho nhiều người. Bên cạnh truyền thuyết đẹp về ba vị hoàng tử, từng môn nghệ thuật sân khấu đều có tổ nghề riêng, được người đời sau tôn thờ, như Đào Tấn là Tổ của sân khấu tuồng, Tống Hữu Định là ông Tổ cải lương. Ở miền Bắc, bà Phạm Thị Trân là Tổ của sân khấu chèo, Trần Quốc Đĩnh là Tổ nghề hát xẩm…

 

Những nén hương được lớp hậu sinh thành kính dâng lên, tri ân những người đã đặt nền móng cho nghệ thuật sân khấu truyền thống và cả những người đã dành trọn đời mình cho sân khấu truyền thống.

 

Rồi âm nhạc vang lên. Mở đầu Liên hoan nghệ thuật trình Tổ, các thành viên CLB tuồng 10/5 đến từ huyện Phú Hòa biểu diễn trích đoạn tuồng Chung Vô Diệm. Những nông dân chân lấm tay bùn, vất vả mưu sinh mỗi năm có một lần bước lên sân khấu biểu diễn trong ngày giỗ Tổ. Trong tiếng trống chầu, trong không gian rất đặc biệt của tuồng, họ quên đi cuộc sống nhọc nhằn, quên những nỗi lo thường nhật mà dồn hết đam mê và tâm huyết vào vai diễn. Ấn tượng nhất là vai diễn Lỗ Lanh công chúa do chị Đào Thị Thu Sen ở xã Hòa Quang Bắc thể hiện. Người phụ nữ này trở thành đào tuồng khi mới 15 tuổi. Gắn bó với đoàn tuồng suốt 10 năm, đến năm 25 tuổi, chị lấy chồng và đành rời xa môn nghệ thuật mà mình yêu thích để làm nông dân, chăm lo cho gia đình. Mỗi năm một lần, chị Thu Sen được biểu diễn trên sân khấu, trong ngày giỗ Tổ. Niềm đam mê tuồng vẫn còn nguyên vẹn, chị nhập vai và diễn như thể mình chính là công chúa Lỗ Lanh. Diễn xong, mồ hôi đầm đìa. Mồ hôi hòa với những giọt nước mắt xúc động khi thấy khán giả nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Chị thổ lộ: “Tôi nhớ đến ba mẹ. Hồi trước, ba mẹ tôi cũng là diễn viên tuồng. Ba mẹ sinh ra hai chị em, đều theo nghề diễn. Em gái tôi có chồng trong nghề nên theo nghiệp của gia đình, còn tôi phải xa tuồng… Tôi cũng nhớ đến anh ba Phước, người đã xây dựng CLB Tuồng 10/5”.

 

Có một điều thú vị là trong trích đoạn Chung Vô Diệm, anh Võ Công Chánh, chồng chị Thu Sen, diễn cùng vợ, vai Điền Côn. Chị Thu Sen kể rằng, sau khi CLB Tuồng 10/5 thành lập, chồng chị thấy vui quá nên tham gia luôn, chứ trước kia chẳng biết hát tuồng.

 

Nếu như tuồng mang âm hưởng hùng tráng với những nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, đậm chất bi hùng thì cải lương là loại hình kịch hát đi vào trái tim khán giả bởi sự ngọt ngào truyền cảm. Không có trích đoạn cải lương nào được biểu diễn trong liên hoan, song khán giả vẫn rất hài lòng khi nghe Hồng Cúc thể hiện bài bản Liên nam Mừng ngày giỗ Tổ, nghe Hữu Nghĩa và Ngọc Lan hát bài tân cổ Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang mà bồi hồi nghĩ đến soạn giả Cao Văn Lầu - người sáng tác một bản cổ nhạc bất hủ, được xem là tiền thân của vọng cổ. Sắc màu của sân khấu cải lương trong liên hoan được thay đổi khi Tấn Toàn biểu diễn tiết mục tấu hài Tình anh bán quán khá vui.

 

Sau khi thưởng thức “đặc sản” của miền Nam, khán giả thưởng thức một điệu dân ca mộc mạc của Liên khu V nói chung, Phú Yên nói riêng: dân ca bài chòi. Đặc biệt, tiết mục dân ca bài chòi Anh thương binh làng tôi được cô bé Lam Thuyên, 10 tuổi, học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) thể hiện. Lam Thuyên nói: “Con học hát bài chòi vì thích hát. Chú Bình Thảng dạy cho con. Lúc mới học thấy khó quá, giờ con quen rồi”. Sau phần biểu diễn của cô học trò lớp 5 là tiết mục của hai học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Đông Hòa). Trúc Lai - con gái anh Bình Thảng, người đưa dân ca vào trường học và Hoài Bảo - giọng ca được bồi dưỡng từ mô hình đó - đã chinh phục khán giả với bài Tình ca trên đồng. Trúc Lai thổ lộ: “Em rất vinh dự khi được hát trong chương trình đặc biệt này, cảm xúc không thể nào diễn tả được”. Sân khấu bài chòi thêm sinh động khi Ái Phi (một học trò khác của Bình Thảng) ngọt ngào hát Tình ca xứ Nẫu.

 

Chương trình chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ III và giỗ Tổ Sân khấu năm 2012 do Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Khoa học Lịch sử Phú Yên phối hợp tổ chức, khép lại với hội bài chòi rôm rả của CLB Bài chòi Tuy An. Chia tay sau những câu hát, tiếng cười, các nghệ sĩ, diễn viên trở về với công việc thường ngày, hẹn gặp nhau vào một dịp khác, trên sân khấu để thỏa niềm đam mê và cùng nhau góp phần gìn giữ, phát huy vốn quý của ông bà để lại.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Katy Perry - Người phụ nữ của năm
Thứ Hai, 01/10/2012 07:00 SA
Nơi tĩnh tâm giữa đất Thần Kinh
Chủ Nhật, 30/09/2012 10:30 SA
Người mẫu – Truyện ngắn của PHƯƠNG TRÀ
Thứ Bảy, 29/09/2012 14:00 CH
Chái bếp
Thứ Bảy, 29/09/2012 08:31 SA
Giỗ Tổ Sân khấu năm 2012
Thứ Sáu, 28/09/2012 09:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek