Chủ Nhật, 13/10/2024 13:29 CH
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tình yêu nguồn cỗi
Thứ Bảy, 29/09/2012 11:00 SA

Không chỉ là người chủ trương cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” nổi tiếng ờ làng Chùa của tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), mà cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trang viết của Nguyễn Quang Thiều vẫn là tình yêu đau đáu với quê hương ruột thịt…

Nguyen-quang-thieu-1.jpg

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nguyễn Quang Thiều là tác giả của 9 tập thơ và một số tập văn xuôi. Trong tuyển tập thơ Châu thổ do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã mở đầu với bài Lễ tạ, trong đó có đoạn:

Con đường

Con đường

Con đường

Dắt ta về hồ nước cũ

 

Phăng phắc một lá sen già

Đợi ta trên miền nước lặng

Hỡi người hái hoa kiếp trước

Kiếp này có hóá bình không?

Từ “hồ nước cũ” hay “hồ cá thần” đầy bí ẩn ấy của quê hương, Nguyễn Quang Thiều đã tự khai mở con đường để ra đi, rồi khi cảm thấy kiệt sức ông lại quay trở về “hồ nước cũ” tiếp thêm sinh lực mà bước tiếp trên con đường sáng tạo chông gai, thử thách của mình.

Cái “hồ nước cũ” ấy của Nguyễn Quang Thiều chính là cái làng Chùa yêu thơ kỳ lạ được cả nước biết đến. Và trong cuộc trao đổi với riêng tôi, ông cũng thổ lộ:

- Mỗi khi ngồi một mình trong khu vườn ở làng Chùa, lòng tôi ngập tràn những ký ức, những sự kiện và những suy tưởng hay những lúc tôi đang sáng tạo là những lúc thời gian chứa trong đó một trữ lượng khổng lồ của những giá trị sống. Tôi đã từng nhiều lần suy nghĩ về cái chết. Hồi còn trẻ, tôi đã từng trực tiếp bốc mộ hoặc chứng kiến công việc bốc mộ những người thân đã mất. Quả thực lúc đó, ý nghĩ về cái chết đã làm tôi hoảng sợ khôn cùng. Nỗi sợ hãi ấy đã bám theo tôi một thời gian rất dài. Nhưng thời gian với những kinh nghiệm sống và những khai mở trí tuệ, tôi đã nhìn cái chết với một tinh thần khác.

* Ông nhìn cái chết với một tinh thần khác, cụ thể ra sao, thưa nhà thơ?

- Nó làm tôi chắt chiu những giây phút mình sống. Nó làm tôi chia sẻ, cảm thông và nhân ái với con người hơn. Nó làm tôi có thể ngồi cả buổi chiều trong vườn vào một ngày xuân ngắm nhìn vẻ đẹp diệu kỳ của hoa lá và tiếng chim. Nó làm cho tôi khát khao được chết trong một ngày tại khu vườn quanh ngôi nhà ở làng Chùa đầy gió và hương thơm hoa nguyệt quế. Khi hiểu được điều đó, con người sẽ nhận ra sự kỳ diệu của thời gian chứ không phải nỗi đe dọa của nó.

* Tôi tin tinh thần đối với thời gian và cái chết của ông sẽ giúp khai mở cho không ít tâm hồn đang u uẩn. Theo dòng thời gian, cho tới bây giờ những khoảnh khắc nào trong đời mình mà ông thường nhớ tới?

- Đó là những khoảnh khắc tôi được sống với những người thân yêu như bà nội tôi và cha mẹ tôi. Ngôi nhà ở quê tôi đã được sửa sang sạch sẽ và nhiều ánh sáng, nhưng thi thoảng tôi vẫn nhận thấy trong căn buồng nơi bà nội tôi nằm khi đau ốm vì bệnh bại liệt sực nức mùi thuốc Bắc và mùi nước tiểu của người già. Sau khi cha mẹ tôi mất, tôi về quê và nhiều lúc thức suốt đêm trong ngôi nhà này. Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm. Tôi không rõ những hình ảnh kia và giọng nói kia sẽ tồn tại đến khi nào và có hình ảnh nào, âm thanh nào khác có thể chen vào không.

* * *

Như nhiều người đã biết, cái làng Chùa quê hương Nguyễn Quang Thiều ấy thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ mà nay đã nhập vào Hà Nội. Bây giờ, vừa sáng tác vừa làm quản lý với cương vị Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, rất bận rộn, nhưng ông vẫn thường xuyên có mặt ở làng. Nguyễn Quang Thiều còn lo tổ chức hội thơ, làm thư ký cho cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” làng Chùa. Ngược lại người làng Chùa cũng rất yêu quý, tự hào và trân trọng đứa con tài hoa và nhân ái của làng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn cho biết:

 

- Gần đây, trong vườn nhà ở làng Chùa, tôi trồng thêm được một cây đào mà bạn tôi, một người nông dân, chở từ Sơn La về vì biết tôi thích trồng hoa đào trong vườn. Tôi muốn trở về để ngắm hoa mơ, hoa đào nở trắng khu vườn trong sự yên tĩnh đến tột cùng tinh khiết. Tôi muốn chiêm ngưỡng vàhưởng thụ những vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên. Và cũng để có thời gian tạm xa thành phố với cuộc sống ngạt thở và quá nhiều trống rỗng mà tôi cũng là một kẻ ít nhiều đóng góp vào nỗi ngạt thở và sự trống rỗng đó.

* Nghĩa là những lúc ấy sẽ “Có một kẻ rời bỏ thành phố” như tên tập sách mới của ông…

- Vâng, tôi đặc biệt thích về quê những chiều cuối năm, để được lang thang trong gió lạnh và mưa bụi trên cánh đồng cuối làng giữa những ngôi mộ của những người thân đã khuất. Tôi thường ngồi lâu hơn trước mộ mẹ tôi. Tôi muốn được nhìn thấy mẹ tôi một lần nữa. Tôi muốn nghe được chính giọng nói mẹ tôi tha thứ cho những lỗi lầm nào đó của tôi với cuộc đời này. Tôi không bao giờ quên được một đêm trăng khi mẹ tôi còn sống. Đêm ấy mẹ con tôi ngồi bên nhau trong khu vườn đầy trăng và ngào ngạt hương nguyệt quế, mẹ tôi nói: “Khi mẹ mất đi rồi, có còn ai yêu con như mẹ nữa không”. Nhưng cho dù chẳng còn ai yêu tôi nữa thì tình yêu thương của mẹ dành cho tôi đủ giúp tôi không cô độc đến hết đời.

* Trên cõi đời này không tình yêu thương nào lớn lao hơn tình mẫu tử. Và tôi không tin bất kỳ con người nào có thể sống tình nghĩa nếu họ không phải là người con hiếu thảo. Ngoài những ký ức ông vừa thổ lộ thì làng Chùa còn những bí mật gì có sức hút mãnh liệt đối với ông?

- Mỗi người đều có một mối liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng vàvừa uy quyền với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thực ra, tôi không thể lý giải được rành mạch mối liên hệ này. Nhưng tôi hiểu nó được tạo dựng lên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn

hóa, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thuở nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, mối tình thuở học trò, những người đàn bàtắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm kẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng… Tất cả những thứ đó đã dựng lên một không gian sống động và huyền ảo mà chúng ta không thể lớn lên nếu không có một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm người lương thiện.

nguyen-quang-thieu.jpg

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với bạn bè tại Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều

* Ngoài thơ, ông cũng lặng lẽ giúp đỡ bà con láng giềng nghèo khó của làng. Ngoài cái ước mơ kiếp sau làm “con chó nhỏ” canh giữ “nỗi buồn- báu vật cố hương” như thơ ông viết, thì ông còn những tâm nguyện nào chưa thực hiện được cho làng Chùa?

- Câu hỏi này làm tôi lúng túng và sự xấu hổ bắt đầu xâm chiếm tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ, những gì tôi đã, đang vàsẽ làm cho làng Chùa của tôi hình như chẳng hề an ủi được bao nhiêu cho những người nông dân làng Chùa đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả. Tôi không thể có tiền để xây nhà cho tất cả những gia đình ở làng Chùa đang khó khăn, để trợ giúp lệ phí học hành cho con cháu họ, để trợ giá nông sản cho những người nông dân, để xây một trạm y tế điều dưỡng cho những người già đau ốm, để trả lại sự công bằng cho một ai đó, để xây dựng một hệ thống nước sạch cho cả làng… Nhưng là một nhà thơ, tôi muốn cùng những người làng nuôi giữ giấc mơ cho chính làng mình.

Người làng Chùa có nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Tôi nghĩ, đó là sứ mệnh của mọi nền thơ. Tôi muốn người làng Chùa nhận ra phía sau những đói rét, những mất mát, những thiệt thòi trong đời sống thường nhật của họ có những vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống này. Nhiều năm nay, tôi nung nấu tổ chức một Đêm làng Chùa. Đó không phải là một đêm thơ nhưng thơ là lý do chính.

* Một ý tưởng độc đáo. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch Đêm làng Chùa.

- Đêm đó, khi bóng tối buông xuống thì một thế giới của những vẻ đẹp và lòng nhân ái tràn ngập mọi ngôi nhà, mọi lối ngõ… của làng Chùa hiện ra. Rồi sáng sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của Thiên đường là có thật. Con người phải được nhìn thấy Thiên đường một lần trong chính cuộc sống thế gian của mình cho dù chỉ là trong khoảnh khắc. Để những người nông dân tin rằng: cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu.

Tôi cũng đang bàn luận với chính quyền địa phương để tôi có thể xây một thư viện cho trẻ em làng Chùa. Một thư viện nổi trên một đầm sen trắng. Nhưng để làm việc này thì tôi phải có cơ hội thầu được đầm nước kia trong một thời gian mấy chục năm…

 

Công ty Văn hóa Phương Nam vừa tái bản cùng với 3 tập truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Quang Thiều là Bí mật hồ cá thần, Con quỷ gỗ, Câu chuyện về ngọn núi Bà già mù và tập tiểu luận - tản văn Có một kẻ rời bỏ thành phố. Đồng thời, Công ty Văn hóa Phương Nam cũng đã tổ chức buổi “Trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chuyện đời - Chuyện văn - Chuyện nghề” vào sáng ngày 21/7/2012, với đông đảo bạn văn và bạn đọc người Sài Gòn tham dự. Trước đó vào cuối tháng 6/2012, nhân tập thơ tuyển Châu thổ của ông được xuất bản, Viện Văn học cũng đã tổ chức tọa đàm “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của dư luận, với hơn 40 tham luận và ý kiến khác nhau trong cả một ngày tọa đàm.

HOÀNG HÒA ĐỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người mẫu – Truyện ngắn của PHƯƠNG TRÀ
Thứ Bảy, 29/09/2012 14:00 CH
Chái bếp
Thứ Bảy, 29/09/2012 08:31 SA
Giỗ Tổ Sân khấu năm 2012
Thứ Sáu, 28/09/2012 09:45 SA
Võ Trọng Phúc: Giọng ca mê đắm ra mắt MV
Thứ Năm, 27/09/2012 15:00 CH
Loay hoay tìm “đất sống”
Thứ Năm, 27/09/2012 09:47 SA
Sức hút của 1Q84
Thứ Năm, 27/09/2012 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek