Chủ Nhật, 24/11/2024 02:57 SA
“Giữ hồn” cho dân ca, nhạc cụ của dân tộc thiểu số
Thứ Năm, 13/09/2012 17:00 CH

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Yên còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo, đầy bản sắc. Mỗi khi buôn làng có lễ hội hay tham gia hội diễn, các nghệ nhân lại tưng bừng “khoe” vốn quý của dân tộc. Gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào mình để không bị mai một trong dòng chảy tất bật của cuộc sống hiện đại luôn là trăn trở lớn của các nghệ nhân.

nhac-cu120913.jpg

Các nghệ nhân, diễn viên của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sông Hinh biểu diễn các loại nhạc cụ của dân tộc mình - Ảnh: H.MY

VĂN HÓA DÂN GIAN ĐẦY BẢN SẮC

Đồng bào các dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi ở Phú Yên còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Trong kho tàng âm nhạc của họ có các làn điệu dân ca như: hát ru, hát cầu cúng, hát giao duyên, hát thúc giục lao động, hát kể, hát vần - phán xử luật tục, hát khóc người đã khuất. Mỗi làn điệu mang một sắc màu riêng, khó pha trộn trong bức tranh chung của các làn điệu dân ca Việt Nam. Dân ca với người đồng bào các dân tộc thiểu số như hơi thở, như bầu nước suối trong mát ngọt lành, gắn bó hàng ngày với cuộc sống của họ.

Bên cạnh vốn quý là dân ca, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân còn chế tác các nhạc cụ độc đáo như đàn môi, đàn k’ní, đàn bró, đinh goong, đinh gúi, đinh năm… Mỗi loại nhạc cụ đều có một thanh âm, cung điệu riêng và được chế tạo từ đôi bàn tay khéo léo và tấm lòng tha thiết của các nghệ nhân, trong đó có hai người nổi tiếng là Oi Thứ ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) và Oi Blứ ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh). Cả hai nghệ nhân này đều là những người say mê ca hát từ nhỏ. Không chỉ sở hữu một đôi tay khéo léo, làm ra những chiếc gùi tinh xảo, họ còn là những người tâm huyết ngày đêm nỗ lực giữ lại những nhạc cụ truyền thống, từ cách làm đến cách thể hiện như giữ cái hồn của dân tộc. Nghệ nhân Oi Thứ chia sẻ: “Văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Phú Yên đặc sắc lắm. Mỗi dân tộc đều có nét riêng, phải sống với nó, phải hiểu nó như hiểu cái bụng mình thì mới cảm nhận được hết cái hay. Con người phải gìn giữ văn hóa của dân tộc mình như gìn giữ cái gùi khi lên rẫy…”.

TRĂN TRỞ VÀ TRUYỀN NGHỀ

Tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên lần thứ Vii vừa được tổ chức ở Nhà văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa), khi Oi Blứ (Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sông Hinh) mang cây kèn đinh năm và đinh gúi ra độc diễn, nhìn cung cách thổi kèn say sưa trong từng bước đi, người xem trầm trồ về các loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Yên. Hoàn thành tiết mục, vào sau sân khấu, Oi Blứ thở hổn hển. Ở cái tuổi 78, làn hơi không còn đủ dài cho những lúc ngân xa, vậy mà Oi Blứ vẫn hào hứng: “Già nhưng vẫn phải tham gia. Thổi để cho bọn trẻ tò mò, yêu thích, thấy hay mà tìm đến học, mà còn có người để truyền dạy…”.

Ngoài Oi Blứ còn có những nghệ nhân khác, tuy đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn giữ được tình yêu và tâm huyết với các làn điệu dân ca, nhạc cụ của dân tộc mình. Già làng Oi Thứ, dân tộc Chăm H’roi, là người góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống quý báu đó. Những năm qua, ông đã nỗ lực dạy cho những nghệ nhân trẻ tuổi ở Đồng Xuân cách sử dụng những nhạc cụ truyền thống như cồng 3, chinh 5, trống đôi. Ông đã đào tạo một đội cồng chiêng, được huyện, tỉnh cử đi biểu diễn nhiều nơi trong ngày hội văn hóa các dân tộc.

Thời kháng chiến, nghệ nhân Mí lang ở buôn lé A và Oi Then ở buôn Thu (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa), nghệ nhân Ma Cốt ở buôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) từng là diễn viên Đoàn văn công tỉnh Phú Yên, mang tiếng đàn, giọng hát của mình phục vụ đồng chí, đồng bào. Giờ họ vẫn ca hát góp vui cho dân làng trong các dịp lễ hội, dịp tết của dân tộc. Chính họ là ngững người góp phần lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.

Trẻ hơn, nghệ nhân Ma Hri và Nay Y Thanh ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), La Văn Ninh ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cũng đã mang lời ca, tiếng đàn, tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình đến với mọi người. Tiếng hát hòa cùng tiếng đàn guitar sôi nổi của Ma Hri như thôi thúc bao chàng trai, cô gái Ê Đê tìm đến nhau trong những ngày tết, lễ hội. Tiếng đàn, tiếng kèn lá ngọt ngào của Y Thanh mang đến cho người nghe những âm thanh của các loài vật xung quanh. Tiếng cồng, tiếng chiêng của la Văn Ninh cứ rộn rã, tươi vui,

thúc giục mọi người nhập hội. Các anh là những người mong muốn được truyền lại những gì mình biết cho lớp trẻ trong làng. La Văn Ninh cho biết: “Hiện nay ở Phú Yên, những bài hát dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một nhiều, các nhạc cụ dân tộc cũng dần bị quên lãng do bọn trẻ chỉ thích loại nhạc hiện đại. Cho nên, cần phải giúp con cháu hiểu giá trị và cái hay của các làn điệu dân ca của dân tộc mình bằng cách giảng dạy cho chúng. Tôi mong Nhà nước tạo điều kiện nhiều hơn để giúp đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc”.

HÀ MY - VIỆT VŨ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek