Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Tràng An vừa giới thiệu, ra mắt tiểu thuyết chiến tranh Gió Tuy Hòa của nhà văn, cựu chiến binh Trần Thiện Lục.
Cuốn tiểu thuyết tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng đất Phú Yên với hình ảnh những con người xứ Nẫu quả cảm, cả những người sống giữa hai chiến tuyến, luôn trong tâm thế bị ngờ vực. Giữa cái khốc liệt của chiến tranh, tình yêu vẫn đơm hoa kết trái như biểu tượng bất diệt của sự sống, của chính nghĩa.
Nhân vật chính của Gió Tuy Hòa là một phụ nữ. Nguyễn Thị Mai, cô gái đặc trưng cho vẻ đẹp của vùng đất Tuy Hòa, da trắng, tóc dài, dịu dàng, chịu đựng bão táp của chiến tranh, kiên cường giữa lằn ranh sự sống và cái chết, là người lo cho hàng ngàn người… và là một người vợ, người mẹ. Mai không khác bao nhiêu so với nhiều nhân vật nữ trong các tiểu thuyết chiến tranh khác. Chỉ khác ở chỗ, Mai không bao giờ nói những lời to tát. Cô nói như vừa đủ trong mọi trường hợp. Cô có khả năng làm mẹ không chỉ với con mình. Cô còn làm mẹ Út Hân, đứa trẻ tham gia cuộc chiến rất sợ hãi khi bom đạn dội xung quanh. Nó ôm cứng Mai, rúc đầu vào lưng Mai khi bom rơi như đứa bé cần được che chở. Cô chia sẻ nỗi đau với Việt khi Việt bị
chồng bạo hành. Cô đau đáu với số phận ông Chuẩn đờn cò… Những trang viết tự nhiên của tác giả đã nâng nhân vật Mai lên hàng những nhân vật văn học có sức biểu tượng của người mẹ Việt, người mẹ trong cuộc chiến tranh độc đáo của nhân dân ta. “Trần Thiện Lục viết như là ghi chép cuộc chiến tranh với tất cả sự nồng nhiệt. Vì thế không khí cuộc sống, không khí chiến tranh níu chân người đọc”. “Gập lại gần 500 trang sách, tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng hò Đưa linh và tiếng đờn cò của ông già Chuẩn mà Trần Thiện Lục dùng để kết thúc cuốn tiểu thuyết: Tiếng đờn cò vang lên bay rất xa, rồi giọng ông Chuẩn đờn cò khàn khàn đục đục vang lên trong tiếng đờn nghe mới ai oán làm sao! Nhức nhối làm sao!... Hạt bụi nào xoay vần trong gió cát/ Gió cát nơi nào vương vấn hồn ai/ Hồn đớn đau hồn chờn vờn trong gió cát/ Ơi hỡi ông trời sao nỡ xé nát cặp uyên ương…” - Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét về Gió Tuy Hòa.
Nhà văn Trần Thiện Lục, bút danh Phương Yến, sinh năm 1946 tại TP Nam Định, tốt nghiệp đại học Sư phạm khoa Sử và xung phong đi chiến trường B năm 1964. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Trung Trung Bộ, phụ trách biên tập Báo Giải phóng Phú Yên (tiền thân của Báo Phú Yên hiện nay). "Những năm tháng chiến đấu ở Phú Yên đã cho Trần Thiện Lục một món quà: khả năng tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng đất này. Anh đã làm được một việc thật lớn, thật tình nghĩa với vùng đất đã che chở mình", nhà văn Lê Minh Khuê viết trong lời tựa cuốn tiểu thuyết.
Trước Gió Tuy Hòa, những tác phẩm đã xuất bản của Trần Thiện Lục được nhiều bạn đọc biết đến, như: Giáp mặt với kẻ thù (truyện ký), Bên gốc me già (tiểu thuyết), Hồng và Lam (truyện ký), Về đi (thơ), Đồng chí (thơ)... Ngoài ra, ông còn được biết đến là một bác sĩ y học cổ truyền.
HIẾU VY