Thứ Hai, 14/10/2024 01:22 SA
Mở dần cánh cửa thị trường tranh
Thứ Tư, 12/09/2012 10:35 SA

Xưa nay, người ta phải lo cái ăn cho yên, phải lo cái mặc cho đủ, rồi mới dám lo đến cái đẹp ra sao. Thị trường tranh không chỉ bị tác động bởi quy luật ấy, mà còn bị chi phối bởi không gian sống. Tuy nhiên, ở Phú Yên đã có họa sĩ mạnh dạn mở gallery, thì cũng đến lúc chúng ta phải nghĩ đến một cánh cửa mở cho mỹ thuật tiếp cận công chúng!

Trien-lam-tranh-9120912.jpg

Khách xem tranh tại một triển lãm được tổ chức ở TP Tuy Hòa- Ảnh: MINH TRIẾT

So với các thành phố lớn, thì Phú Yên thiệt thòi hơn về điều kiện phát triển hội họa. Đời sống kinh tế dân chúng không cao, thì chuyện mua bán tranh quá phù phiếm. Thế nhưng, trong sự vận hành đi lên của cả nước, túi tiền của người Phú Yên đã kha khá dần lên. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đang tạo ra hàng ngàn công trình xây dựng quy mô. Thử hỏi, hàng triệu mét vuông tường chẳng lẽ cứ để một màu sơn buồn tẻ như vậy chăng? Tại sao giới cầm cọ Phú Yên không có quyền hy vọng tác phẩm của mình sẽ xuất hiện trong những căn nhà xinh xắn và đẹp đẽ từng ngày ken dày đô thị?

Trước khi dự báo thị trường tranh Phú Yên, hãy đặt giới hạn địa phương vào trong quy mô cả nước. Thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, hàng loạt phòng tranh tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ra đời và ăn nên làm ra đến mức chỉ một thời gian ngắn thì sự xuất hiện của các gallery tăng vọt theo cấp số nhân. Nhiều tên tuổi họa sĩ có tranh bán đắt không kịp vẽ như Nguyễn Trung, Thành Chương, Nguyễn Quang Em… Tiếp sau đó, lứa họa sĩ khác thay thế như Đào Hải Phong, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thiết Cương… Đã có lúc, giới mỹ thuật Việt Nam tự hào có tác phẩm bán giá chục ngàn USD.

Thế nhưng, sau một đợt bùng phát thì thị trường tranh Việt Nam đã có dấu hiệu chựng lại. Nguyên nhân, từ họa sĩ và từ người chơi tranh. Giới họa sĩ cũng có lắm người hơi ít tự trọng, nên

chỉ cần thấy dạng tranh nào bán được là lập tức sản xuất hàng loạt. Tự nhái chính mình và nhái đồng nghiệp. Do đó, khách nước ngoài mất hẳn niềm tin mua tranh tại Việt Nam là được mua “tác phẩm nghệ thuật duy nhất”. Có một thực trạng đáng buồn, khi không khí mở cửa đang khiến những nhà sưu tập quốc tế chú ý đến tranh Việt thì đụng phải… “cơn bão” tranh giả. Để kiếm tiền, vài họa sĩ không ngần ngại làm giả tranh những người quá cố. Dư luận liên tục phát hiện nhiều tác phẩm giả mạo Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Sáng đã khiến các nhà sưu tập không còn dám mua tranh trực tiếp tại thị trường Việt Nam. Còn về phía người chơi tranh, tuy tỉ phú hay triệu phú đã xuất hiện dày đặc nhưng họ chỉ chơi tranh… trang trí. Nghĩa là bỏ ra một hoặc hai triệu đồng thôi, mua tranh chép hoặc tranh vẽ hoa, vẽ lá sặc sỡ và treo đại khái trong nhà. Cũng may, dòng Việt kiều kéo về nước làm ăn kinh doanh đã góp phần tạo ra sức mua mạnh mẽ. Giới họa sĩ bỗng lắm người giàu lên trông thấy, kéo theo nhiều nhà sưu tập trong nước cũng bước lên hàng “đại gia”. Dù giá tranh muôn hình vạn trạng, nhưng họa sĩ đắt khách nhất trong suốt mấy năm qua vẫn là Nguyễn Thanh Bình. Sử dụng màu trắng chủ đạo một cách điêu luyện, Nguyễn Thanh Bình hình thành phong cách mỹ thuật lôi cuốn đông đảo công chúng. Hiện tại giá tranh của Nguyễn Thanh Bình đặt mua tại xưởng đã nằm ở mức 1.500 USD mỗi bức. Vì vậy, mặc kệ cơn suy thoái kinh tế hoành hành, năm vừa qua Nguyễn Thanh Bình vẫn thu nhập khoảng nửa triệu USD nhờ nét vẽ của mình!

Từ khi lớp họa sĩ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện, làng hội họa Việt Nam ngay lập tức có được những tác phẩm chinh phục được công chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người đầu tiên đem tranh Việt ra thị trường quốc tế là nhà sưu tập Hà Thúc Cần. Vốn là một đạo diễn điện ảnh có tiềm lực tài chính, Hà Thúc Cần nhanh chóng nhận ra sức thu hút của tranh Việt đối với giới thưởng lãm phương Tây, nên bỏ công bỏ của tìm mua lại nhiều tác phẩm lừng danh nhất nền hội họa nước nhà. Trong vòng 10 năm, từ 1985 đến 1995, nhà sưu tập Hà Thúc Cần trở thành nhịp cầu kết nối giới chơi tranh các nước với tranh Việt. Một trong những tác phẩm tiêu biểu mà Hà Thúc Cần đã giao dịch quốc tế là bức Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Trien-lam-tranh-2120912.jpg
Đáng tiếc, sau khi Hà Thúc Cần qua đời, chúng ta vẫn chưa có nhân vật khác thay thế để đảm nhiệm vai trò môi giới nghệ thuật, cái nghề đúng nghĩa mà thế giới quen gọi là art dealer! Bởi lẽ, một art dealer ngoài kỹ nghệ “mua của người cần bán, bán cho người cần mua” còn phải có kiến thức hội họa nhất định để chứng minh nguồn gốc chắc chắn của một tác phẩm hoặc xu hướng mỹ thuật của một xứ sở. Hãy nhớ rằng, với một art dealer chuyên nghiệp, dùng tiền sở hữu một bức tranh cũng giống như một vụ đầu tư, phải có tích lũy và phải có lợi nhuận! Ở nhiều quốc gia phát triển, ngân hàng chấp nhận cầm cố một bức tranh tương tự như cầm cố một căn nhà hay một chiếc xe!

Hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Sotheby’s và Christie’s đều đánh giá cao triển vọng của tranh Việt nhưng vẫn đưa ra chào hàng khá thận trọng. Năm 2005, Chritie’s đã bán bức tranh lụa Sắp tết vẽ năm 1937 của họa sĩ Lê Phổ với giá 110.000 USD. Năm 2006, Sotheby’s bán bức tranh lụa Hoài cố hương vẽ năm 1938 của họa sĩ Lê Phổ với giá 300.000 USD. Xếp sau Lê Phổ, nhiều họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… cũng đang được săn lùng trong các phiên giao dịch quốc tế. So với các họa sĩ đương đại trong khu vực, giá tranh của các họa sĩ Việt Nam thấp hơn khi mang ra đấu giá tại Sotheby’s hay Chritie’s. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có nhà đấu giá tranh thì hai địa chỉ danh tiếng ấy góp phần tạo ra cái “chuẩn” để định giá tranh cho các họa sĩ trong nước. Ví dụ, Sotheby’s hay Chritie’s chào hàng khoảng 10.000 USD thì họa sĩ Việt có quyền treo giá tranh tại xưởng trên dưới 5.000 USD!

Trở lại với Phú Yên. Dù đời sống mỹ thuật đang trầm lắng, nhưng vẫn có thể tự tin về tác phẩm của Nguyễn Hưng Dũng, Trần Quyết Thắng, Lê Đức Thắng khi mang giới thiệu với những nhà sưu tập chuyên nghiệp. Với thị trường địa phương, trong một sớm một chiều không thể mong có được art dealer đúng nghĩa. Vì vậy, vai trò của Chi hội Mỹ thuật và Hội Văn học Nghệ thuật trở nên rất quan trọng. Xuân thu nhị kỳ, mỗi năm chỉ triển lãm vào dịp lễ tết thì không những không khuyến khích phong trào mà còn không tạo ra được nhiều lớp công chúng. Tư duy mỹ thuật phải được khơi dậy và bồi đắp một cách liên tục và bền bỉ. Tại sao các hoạt động ngoại khóa của học sinh Phú Yên không phải là tham quan một phòng tranh? Xin lưu ý, ngoài vài cá nhân có thiên bẩm nghệ thuật, bất kỳ ai muốn yêu tranh thì phải được trang bị ít nhiều về hiểu biết mỹ thuật. Làm sao học sinh có thể nhận ra giá trị một tác phẩm khi không có người hướng dẫn và phân tích về bút pháp, về trường phái hội họa? Nếu chúng ta có một không gian mỹ thuật mở cửa thường xuyên để các trường đưa học sinh đến thưởng lãm, thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi cơ bản về đội ngũ người yêu tranh. Chính nhờ đánh thức tình yêu mỹ thuật của học sinh và du khách, mà chỉ trong một thời gian ngắn đảo quốc Singapore đã trở thành một thị trường tranh số một Đông Nam Á.

Khi họa sĩ Diệp Xang đã tự tin giới thiệu một phòng tranh trên đường Lê Lợi (TP Tuy Hòa), thì những ai tha thiết phát triển thị trường tranh Phú Yên không có quyền thờ ơ nữa. Hàng tháng, nếu Hội Văn học Nghệ thuật đứng ra tổ chức, thì tại phòng tranh này hoàn toàn có thể có một triển lãm đàng hoàng.

Đành rằng, sản phẩm sáng tạo rất nhọc nhằn, ai cũng có quyền đòi hỏi lợi nhuận chính đáng. Thế nhưng, nếu giới họa sĩ Phú Yên chấp nhận một cái giá vừa phải thì mới mong tác phẩm được mua và bán thuận lợi. Ở điều kiện bây giờ của Phú Yên, nếu giá tranh từ 5 triệu đồng trở lên thì vẫn là món hàng xa xỉ.

UBND tỉnh Phú Yên từng có đợt mua tranh cho các họa sĩ tỉnh nhà. Đó là một sự kiện đáng tán dương. Tuy nhiên, ngân sách vẫn còn phải dùng vào nhiều việc khác. Có mấy điều mà lãnh đạo tỉnh dễ dàng làm để kích cầu mỹ thuật địa phương: Thứ nhất, ưu tiên miễn các loại thuế để cổ vũ tư nhân mở phòng tranh. Thứ hai, kêu gọi các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp trong tỉnh mua tranh của họa sĩ để trang trí. Thứ ba, giới thiệu tranh của các họa sĩ Phú Yên trong những cuốn cẩm nang du lịch Phú Yên.

Mở cửa thị trường tranh cho một địa phương rất khó. Thế nhưng, nếu không hành động thì không có hy vọng!

LÊ THIẾU NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek