Chủ Nhật, 24/11/2024 14:48 CH
Bí ẩn đá cổ
Chủ Nhật, 26/08/2012 18:00 CH

Dưới thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ đã tồn tại qua hàng nghìn năm nắng mưa biến đối, như một minh chứng cho sự có mặt của người tiền sử trên vùng đất này.

 

da-co-120826.jpg

Đá cổ trên ruộng bậc thang của người H’Mông - Ảnh: V.PHƯƠNG

THĂM ĐÁ CỔ

 

Từ thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa) đi xe máy chầm chậm, chưa đầy nửa giờ sau thì đến bãi đá cổ. Gởi xe vào quán nước, theo con đường nhỏ ngang qua ngôi nhà phủ đầy hoa bìm bìm có một phụ nữ H’Mông cặm cụi thêu thùa trên bậc thềm, chúng tôi đến với một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng ở Lào Cai, nơi đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Tầm mắt không thể nào bao quát hết bãi đá cổ, bởi hơn 200 khối đá lớn nhỏ trải rộng trên diện tích khoảng 8km2 ở 3 xã: Tản Van, Hầu Thào và Sử Pán thuộc huyện Sa Pa. Thoạt nhìn, những tảng đá to bên đường, những tảng đá như bị tạo hóa bỏ quên giữa ruộng bậc thang và những khối đá lớn nhỏ nằm chen trong cây cỏ không có gì đặc biệt. Nhưng khi đến gần các khối đá, mới ngỡ ngàng thấy vô số hình ảnh được khắc trên đá. Này là hình ruộng bậc thang, con đường, bản làng, này là hình người, chim thú, có cả hình nam nữ giao hoan được cho là giống với hình vẽ trên những di vật đồ đồng có niên đại khoảng 2.500 năm!

 

da-co-1-120826.jpg
Một tảng đá lớn ở bãi đá cổ Sa Pa - Ảnh: V.PHƯƠNG

Bãi đá kỳ lạ này được nhà khảo cổ học người Pháp gốc Nga Victor Goloubev ở Trường Viễn đông Bác cổ phát hiện vào năm 1925. Khi thông tin về bãi đá cổ được công bố, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã cất công đến đây tìm hiểu. Khi Sa Pa trở thành một trung tâm du lịch, bãi đá cổ là một trong những điểm đến thú vị của du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ giữa thung lũng Mường Hoa và bởi những điều bí mật được lưu giữ ngay trên bề mặt các tảng đá.

 

 “SÁCH” XƯA CỦA NGƯỜI XƯA?

 

Theo các nhà nghiên cứu, những hình ảnh được khắc trên đá cổ có thể là bản đồ cổ của người H’Mông, cũng có thể là những “quyển sách” - nơi người tiền sử ghi lại sinh hoạt đời thường của họ và cuộc đấu tranh với tự nhiên để sinh tồn. Sau khi đến bãi đá cổ Sa Pa để nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết khác nhau về những hình ảnh được khắc trên đá. Đáng chú ý là hình nam nữ giao hoan cho thấy tục thờ sinh thực khí - tín ngưỡng phồn thực rất thuần phác của người Việt cổ. Đối chiếu với các hình vẽ trên những di vật đồ đồng được tìm thấy ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đoán rằng tuổi của các hình khắc trên đá cổ Sa Pa phải trên dưới 2.500 năm!

 

da-co-2-120826.jpg

Những đường nét được khắc trên đá cổ - Ảnh: V.PHƯƠNG

Sau bãi đá cổ Sa Pa, bãi đá cổ tương tự với những hình khắc bí ẩn đã được tìm thấy ở Tả Phìn (Lào Cai) và Vị Xuyên (Hà Giang). Ở Brazil, Ailen hay trên sa mạc Sahara mênh mông cũng có những di tích khắc đá độc đáo.

 

Hàng nghìn năm đã trôi qua, những “dòng chữ”, “thông điệp” của người tiền sử vẫn chưa được giải mã. Theo tiến sĩ Phillipe Le Failler ở Viện Viễn đông Bác cổ, người bắt đầu nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa từ năm 2005, nếu in bản rập những hình khắc trên các bãi đá cổ được tìm thấy ở Việt Nam và hệ thống lại để nghiên cứu, rất có thể sẽ vén được bức màn bí mật mà người xưa để lại.

 

VIỆT PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thành công của các tay máy trẻ
Thứ Bảy, 25/08/2012 08:36 SA
Đặc sắc bức tranh ca múa nhạc Việt Nam
Thứ Năm, 23/08/2012 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek