Lễ bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II năm 2012 vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Đắk Lắk vào tối 21/8. Diễn ra liên tục trong 10 ngày, sự kiện văn hóa lớn này là một ngày hội lớn hội tụ nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Diễn ra từ ngày 12-21/8, Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II năm 2012 đã thu hút 32 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia với hơn 300 tiết mục thuộc nhiều thể loại được dàn dựng công phu, hoành tráng và giàu bản sắc riêng nhằm ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới, Tổ quốc Việt Nam anh hùng, giàu đẹp, vững bền. Nhiều đoàn đã khéo léo giới thiệu, gợi mở giúp khán giả chỉ cần nghe chủ đề của chương trình đã có thể hình dung được “đặc sản” của vùng, miền quê hương mình. Các đoàn nghệ thuật đến từ khu vực miền núi phía bắc tập trung khai thác và truyền tải mảng đề tài về đời sống sinh hoạt của người lao động với lối diễn giản dị, mộc mạc, chất phác. Các đoàn nghệ thuật đến từ các đơn vị lực lượng như công an, bộ đội tập trung chủ đề về chiến tranh, cách mạng. Những tiết mục của các đơn vị đến từ các tỉnh duyên hải nam miền Trung lại có hơi thở của biển, cát và gió. Các đoàn ca múa nhạc dân tộc của khu vực Tây Nguyên thì đem đến liên hoan sự mãnh liệt của những giọng ca đại ngàn.
Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (Phú Yên) tham dự liên hoan với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Biển thức” gồm 3 phần: Nhớ nguồn, Biển thức và Biển sáng, đoạt HCV toàn đoàn. Đơn ca Đoản khúc dân chài của ca sĩ Thanh Vân, múa Vòng quay thuyền thúng và múa Biển thức cùng đoạt HCV; múa Cho ngày mai thuyền dong khơi và hòa tấu nhạc cụ Thanh âm của biển đều đoạt HCB. Ngoài ra, Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển còn đoạt giải Dàn nhạc xuất sắc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng; giải tập thể nghệ sĩ múa xuất sắc do Hội nghệ sĩ múa Việt Nam trao tặng và giải Biên đạo múa xuất sắc duy nhất trao cho NSƯT Hữu Từ. |
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, các đoàn tham dự Liên hoan đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, nhìn chung chất lượng chuyên môn nghệ thuật tốt. Liên hoan thực sự là những ngày hội tụ của các tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc mỗi vùng, miền, đơn vị. Tuy nhiên, với quan điểm không ngừng sáng tạo, ông Lê Ngọc Cường cũng thẳng thắn nhận xét rằng đối chiếu yêu cầu mà liên hoan đưa ra là các tiết mục mới, sáng tác mới, tác phẩm cũ không quá 1/3 tổng số tiết mục tham gia thì thực sự những tác phẩm, sáng tác mới có chất lượng chưa nhiều. Còn Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật Vương Duy Biên thì đánh giá cao khâu tổ chức của đơn vị đăng cai - chủ nhà Đắk Lắk cũng như sự hâm mộ, đón nhận của khán giả vùng cao nguyên này. Ông rất bất ngờ và vui mừng khi nhiều buổi biểu diễn, hội trường Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh chật cứng, không còn một chỗ ngồi. Cũng theo ông Biên, để những tác phẩm đạt chất lượng cao về nghệ thuật có thể đến được với đông đảo công chúng, thời gian gần đây và sắp tới, Ban tổ chức sẽ khắc phục việc tập trung tổ chức liên hoan ở các thành phố lớn, hướng đến các địa phương vùng sâu vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II năm 2012 không chỉ là cuộc thi tài, đọ sức giữa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn là ngày hội giao lưu, là dịp để các nghệ sĩ diễn viên trao đổi, học tập và không ngừng nâng cao trình độ nhằm phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và sự hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Như nhận định của ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II năm 2012: Mỗi lần tổ chức liên hoan là cơ hội để có những nhìn nhận chân xác nhất về bức tranh của nền ca múa nhạc Việt Nam, định vị hoạt động ca múa nhạc trong đời sống đương đại.
Trong những ngày diễn ra liên hoan, nhiều đoàn nghệ thuật đã đi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ tại các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Pak, Krông Ana, Ea Kar và TX Buôn Hồ. Chương trình nghệ thuật của các đoàn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc Đắk Lắk.
Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 7 HCV, 6 HCB cho các chương trình. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao HCV và HCB cho 121 tiết mục; 40 giải của các hội (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Múa); 6 giải thành phần sáng tạo như: chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc, tổng đạo diễn xuất sắc, biên đạo múa xuất sắc, thiết kế trang phục xuất sắc...
KHÁNH HÀ (tổng hợp)