Với lòng ngưỡng mộ nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ, cách đây tròn 20 năm, trong chuyến công tác nhân sự kiện phát hiện đàn đá Tuy An (1992) trên quê hương nhà thơ ở xã An Nghiệp, tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà nơi thi sĩ chào đời và trải qua thời niên thiếu.
Bên phải: Nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ. Bên trái: Một bài thơ chép tay của Nguyễn Mỹ
Ngôi nhà của gia đình nhà thơ Nguyễn Mỹ được xây dựng lại sau chiến tranh, trên nền nhà cũ. Cây khế hàng trăm tuổi vẫn đứng đó và trong cái giếng đá của gia đình, nước vẫn mát lành như những năm tháng xưa. Bên cạnh di ảnh nhà thơ, người anh rể, giờ chăm lo ngôi nhà tổ phụ của nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhạc sĩ Nhật Lai, kể: “Cậu Mỹ nó hồi nhỏ ở nhà siêng năng và tài hoa lắm, học hành giỏi giang; mầm thơ phú cũng bắt đầu xuất hiện khi vừa học hết cấp 2”.
Nguyễn Mỹ cất tiếng chào đời tại làng quê Trung Lương (xã An Nghiệp) vào năm 1935. 16 tuổi, Nguyễn Mỹ tình nguyện gia nhập bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp. 3 năm sau, ông được lệnh tập kết ra Bắc, đóng quân ở Nghệ An. Từ năm 1957, Nguyễn Mỹ đã có thơ đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Cuối năm 1959, ông theo học lớp Báo chí của một trường thuộc Bộ Văn hóa, sau đó về làm biên tập ở Nhà xuất bản Phổ Thông rồi theo học đại học, ngành Ngữ văn. Năm 1968, ông xung phong về Nam đánh Mỹ, công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn khu V, đồng thời là phóng viên chiến trường báo Cờ Giải Phóng khu vực Trung Trung Bộ.
Nhà thơ Nguyễn Mỹ ngã xuống trong một trận càn của địch vào khu sản xuất của quân ta bên bờ sông Đắk Ta thuộc huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) vào lúc 9g sáng 16/5/1971. Năm đó ông 35 tuổi và vẫn còn độc thân.
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Mỹ đã được xuất bản, gồm: Trận Quán Cau (bút ký, 1954), Sắc cầu vồng (thơ, in chung với nhà thơ Nguyễn Trọng Định, 1980) và Thơ Nguyễn Mỹ (1993). Bài thơ tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất của ông trong thời kỳ chống Mỹ là Cuộc chia ly màu đỏ. Bài thơ này lần đầu ra mắt bạn đọc trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1964 tại miền Bắc. Dư luận xôn xao, ngạc nhiên thích thú trước vẻ đẹp mới lạ của áng thơ.
Nhiều người cho rằng Cuộc chia ly màu đỏ được chú ý bởi nó ra đời đúng thời điểm. Thời gian này, miền Bắc là hậu phương lớn và đang ra sức chi viện cho miền Nam. Nhiều chàng trai chia tay người yêu, nhiều người chồng rời xa vợ con, gia đình, lên đường vào Nam chiến đấu. Nguyễn Mỹ nắm bắt được không khí của thời cuộc và thơ ông lên tiếng đúng lúc.
Trong kho tàng văn chương Việt Nam có những áng văn chương lớn nói về những cuộc chia ly lay động nhiều thế hệ người đọc. Giọt nước mắt của người chinh phụ như còn đầm đìa trên trang sách Chinh phụ ngâm. Các nhà thơ: Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chế Lan Viên… cũng có thơ nói đến chia ly, tiễn biệt. Thế nhưng Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ vẫn là biểu tượng đẹp về tinh thần “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” gắn liền với hiện thực thời chống Mỹ cứu nước. Lại có người cho rằng bài thơ độc đáo là do sắc màu rực rỡ của nó. Nguyễn Mỹ đã chọn màu đỏ tươi, chói sáng thay màu “xanh ngắt” trong Chinh phụ ngâm, thay cho màu tím “biền biệt” của Hữu Loan. Viết về một cuộc chia ly bịn rịn, lưu luyến giữa chồng với vợ mà màu đỏ lại chói chang khó diễn tả tình cảm nhất! Đó là một trong những nét mới lạ trong thơ Nguyễn Mỹ.
Đi qua cuộc chiến tranh kéo dài với rất nhiều cuộc tiễn đưa và những giọt nước mắt, bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ vẫn còn giữ được sức hút và được đánh giá là những vần thơ hay của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 2007, nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Đọc lại thơ Nguyễn Mỹ, nhà thơ - nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương nhận xét: Thi sĩ đã lập trình đường bay riêng của thơ mình một cách độc đáo, rất có ý nghĩa đối với sự cách tân cả thi đàn; nhưng viên đạn của quân xâm lược đã làm sã cánh khi thơ Nguyễn Mỹ vừa chạm đường bay.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ ra đời và hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày nhà thơ Nguyễn Mỹ đi vào cõi vĩnh hằng, bài viết như nén tâm hương bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một thi sĩ - chiến sĩ, người đã đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, dai dẳng mà không hề… chia ly, bởi lý tưởng cao đẹp của nhà thơ ra trận đã tỏa sáng: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”!
NGUYỄN TƯỜNG VĂN