Thứ Năm, 28/11/2024 14:59 CH
Dự đám cưới của đồng bào Chăm H’roi
Chủ Nhật, 17/12/2006 09:07 SA

Đã lâu lắm rồi, người dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) mới được đắm mình trong bầu không khí đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm H’roi

 

Già làng Oi Lễ cho biết: Lễ cưới truyền thống của đồng bào Chăm H’roi gồm nhiều nghi lễ khác nhau. Trước tiên là lễ hỏi (Pla Kon), sau đó là lễ tạ ơn, lễ hội và lễ chính là cưới (Nao To Mo Tau). Người Chăm H’roi quan niệm vạn vật đều có linh hồn, có đời sống riêng như con người và thế giới thần linh không khác thế giới con người. Mọi việc làm của con người, thần linh đều biết. Người làm việc tốt thì thần linh giúp đỡ, làm việc xấu thì thần linh quở phạt. Vì vậy, mỗi khi làm việc gì quan trọng, họ đều xin phép thần linh và vạn vật, tạ ơn trời đất, Giàng đã cho cuộc sống ấm no. Đám cưới cũng vậy.

 

061217-dam-cuoi.jpg

Tục ăn trầu trong lễ cưới của đồng bào Chăm H’roi – Ảnh: L. MINH

 

CỘT TAY BẮT CHÚ RỂ VỀ

 

Từ năm 1997 đến nay, ngành VHTT đã thực hiện trên 10 công trình nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hoá phi vật thể, vật thể của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã khôi phục các lễ hội: Hội bài chòi ở thôn Long Thuỷ (xã An Phú, TP Tuy Hoà), Lễ bỏ mả của dân tộc Chăm (buôn Ma Gú, Sơn Phước, huyện Sơn Hoà), Lễ bỏ mả của dân tộc Ê đê (Buôn Thu, Krông Pa, huyện Sơn Hoà), Lễ mừng nhà mới của dân tộc Ê đê (buôn Ken, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh), Lễ mừng sức khoẻ (buôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân)… Ngành VHTT đã chọn được hơn 20 lễ hội tiêu biểu, đăng ký với  Bộ VHTT để bảo tồn.

Buổi sáng, khi ông mặt trời còn chưa thức dậy, nhà gái đã chộn rộn sửa soạn lễ vật để chuẩn bị đến nhà trai đưa chú rể về. Cô dâu Mang Thị Út xúng xính trong bộ trang phục cưới truyền thống của đồng bào mình. Cô cười bẽn lẽn: “Em cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì được hai bên gia đình, chính quyền, làng xóm tổ chức đám cưới theo nghi thức truyền thống. Đây cũng là dịp để em cũng như các bạn tìm hiểu thêm về bản sắc văn hoá của đồng bào mình”.

 

Bên nhà gái sẽ có 9 người qua nhà trai gồm: người làm mối, già làng, em trai cô dâu cùng 5 thanh niên. Khi đi, họ chỉ mang theo một chiếc khăn dài để cột tay chú rể về. Vào nhà, cha chú rể đem lên một con gà luộc cho già làng cúng tiễn con về ở nhà vợ (khấn cho chú rể về nhà vợ được êm xuôi, sống hoà thuận, hạnh phúc). Sau đó, già làng bên gái lấy chiếc khăn dài cột vào tay chú rể kéo từ  bếp lửa ra cửa (kéo ra kéo vào 3 lần). Mỗi lần kéo vào bếp, già làng bốc một nhúm cơm bỏ vào miệng chú rể. Hành động này tượng trưng cho bữa ăn sau cùng, chú rể tạ từ cha mẹ, từ nay không còn ăn chung, ở chung cùng gia đình nữa. Ở nhà gái, cha mẹ vợ ngồi trước cửa trải chiếu đón rể. Khi chú rể bước đến bậc cửa, cha mẹ vợ đốt khoan sáp để xông bàn chân chú rể (bỏ những gì xui xẻo, xấu nhất trước khi vào nhà). Sau đó, cha mẹ vợ cho chú rể ăn một miếng trầu. Khi tất cả đã vào nhà, cha vợ bưng lên một con gà luộc để làm lễ cúng nhận rể. Các già làng, cô dâu và chú rể đứng giữa nhà, hướng về phía mặt trời mọc. Khi các già làng khấn vái xong, cha vợ sẽ lấy tiết gà pha rượu chấm lên trán hai vợ chồng và chúc phúc cho họ sống với nhau răng long đầu bạc, hạnh phúc suốt đời.

 

Sau đó, trước sự chứng kiến của hai họ, mai dong đàng gái cầm hai chiếc cong lên và hỏi: “Cong này có đủ đôi không? Cong này có sứt mẻ gì không? Có ai có thắc mắc gì trong ngày cưới này thì cứ nói. Có ai thắc mắc về sự trong trắng của cô dâu, chú rể?” Nếu có thắc mắc, khiếu nại gì thì nói lên và lấy lại chiếc cong, coi như lễ cưới chưa thành. Còn nếu như không thì mai dong tuyên bố chính thức cô dâu chú rể thành đôi vợ chồng hoàn toàn trong trắng. Sau đó, mẹ cô dâu nhận hai chiếc cong. Mai dong rót rượu cho đôi vợ chồng mới uống để tạ ơn.

 

Cuối lễ, các mai dong dặn dò đôi trai gái về cách ăn ở chung thuỷ và răn đe bằng cách nêu ra phong tục tập quán: Nếu như một trong hai người thay lòng đổi dạ về sau này thì sẽ đền bù lễ vật, đền bù gấp đôi chi phí tổ chức lễ cưới và trả lại cái duyên bị mất. 

 

NGÀY VUI CỦA BUÔN LÀNG

 

Không chỉ có các nghi lễ, đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm H’roi cũng có phần hội khá đặc sắc. Ngay từ những ngày trước đó, dân làng Đa Lộc đã hồ hởi chuẩn bị. Đám thanh niên chuẩn bị cồng chiêng, chuẩn bị trang phục thật đẹp để dự lễ cưới. Già làng Oi Mễ cho biết: Đây là cơ hội để nam nữ thanh niên chưng diện, gặp nhau tìm hiểu, tỏ tình nên họ tranh nhau khoe tài đánh cồng chiêng và nhảy múa. Thiếu nữ Đa Lộc Mang Thị Hoa nói: Hồi hộp lắm, cả làng cứ chộn rộn, nhất là đám thanh niên vì được chứng kiến đám cưới truyền thống của đồng bào mình. Trong đêm diễn ra đám cưới, dân làng tụ tập, cười nói vui vẻ nơi sân nhà tổ chức lễ. Tiếng trống đôi phập phồng. Tiếng cồng chiêng náo nức. Trai gái nắm tay nhau nhảy múa xoay vòng theo nhịp trống- cồng – chiêng. Bên những ché rượu, các cụ già vít cần uống rượu, trò chuyện cùng nhau, nhớ về quãng thời gian đã qua. Đêm rộn ràng, tiếng cồng chiêng âm vang cho đến sáng.

 

Điều khá đặc biệt trong lễ cưới của đồng bào Chăm H’roi là phần hát đối đáp của hai bên thông gia ngay sau lễ cưới. Hai bên hát khá nhuần nhuyễn những bài dân ca của đồng bào mình để chúc mừng cô dâu, chú rể. Ông Nguyễn Ngọc Quang, quyền Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Phú Yên, nhận xét: Tôâi thật sự bất ngờ trước việc sử dụng âm nhạc dân tộc trong đám cưới truyền thống của đồng bào Chăm H’roi. Đây là một nét văn hoá đặc sắc mà chúng tôi cần nghiên cứu thêm và bảo tồn, phát huy hơn nữa.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek