Thứ Năm, 28/11/2024 10:46 SA
Sông Hinh: Gìn giữ những nét văn hóa truyền thống
Chủ Nhật, 10/12/2006 08:51 SA

Sông Hinh là một vùng đất có nhiều giá trị văn hóa. Điều đó đã được chứng minh qua nhiều hiện vật, di sản văn hóa được thống kê, phát hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp bảo tồn hiệu quả thì các giá trị, di sản văn hóa sẽ mai một...

 

061210-hat.jpg

Trống đôi, cồng ba, chinh năm chuẩn bị vào hội - Ảnh: T.QUỚI

 

Sông Hinh là vùng đất cổ, có 20 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó 3 dân tộc thiểu số bản địa là Êđê Mthur, Bana, Chăm H’roi sống quần cư với đồng bào Kinh và các dân tộc thiểu số khác. Điều đó lý giải sự đan xen, giao thoa và sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của di sản văn hóa trên vùng đất này. Các dân tộc thiểu số đã và đang sinh sống ở Sông Hinh có một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, được bảo tồn và phát huy qua các thế hệ, thể hiện qua sự phong phú và đa dạng của những lễ hội dân gian. Đó là lễ cúng đám cưới, lễ cúng sức khỏe của đồng bào dân tộc Chăm H’roi; lễ về nhà mới, lễ cầu mưa, mừng lúa mới của dân tộc Êđê Mthur; lễ bỏ mả, đâm trâu xoay cột của dân tộc Bana. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc còn lưu giữ các điệu dân vũ truyền thống, các phong tục tập quán, các nhạc cụ độc đáo. Đặc biệt, vùng đất Sông Hinh có một “trữ lượng” sử thi khá lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của Bảo tàng Phú Yên, trong thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa của huyện chưa theo một định hướng mang tính chiến lược, chưa được triển khai đồng bộ, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng. Lý giải về vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, hầu hết hiện vật văn hóa ở Sông Hinh đang được lưu giữ trong dân. Trong khi đó, ngành chức năng còn lúng túng trong việc tuyên truyền cho đồng bào nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa. Và người dân bản địa vẫn còn nếp nghĩ “của tui, tui giữ”. Vì vậy, việc quản lý tập trung các hiện vật đang gặp nhiều trở ngại. Một vấn đề đáng quan tâm là quá trình thi công công trình đang dần làm cho nhiều hiện vật văn hóa có giá trị đã được phát hiện trong tháng 10/2006, gần công trình thủy điện Sông Ba Hạ. Mà theo dự kiến, đến cuối tháng 12/2006, nước sẽ được xả vào lòng hồ. Nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, nhiều hiện vật văn hóa sẽ vĩnh viễn bị chôn sâu dưới lòng đất.

 

Một khó khăn khác trong công tác bảo tồn là lớp trẻ ngày càng lạ lẫm, thờ ơ với di sản văn hóa của cha ông để lại. Việc diễn xướng sử thi, đẽo tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm hầu hết đều trông cậy vào những người lớn tuổi của buôn làng. Họ đã già yếu, “gần đất xa trời”, nếu không truyền dạy được cho lớp trẻ thì bản sắc văn hóa sẽ dần bị mai một.

 

Phó Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng: Nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn các di sản văn hóa là công việc quan trọng nhất. Ngành chuyên môn của tỉnh, chính quyền và cơ quan văn hóa địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ. Song song với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cần chú trọng đầu tư phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn huyện trong tổng thể phát triển du lịch – văn hóa của tỉnh. Có như vậy, các di sản văn hóa mới được bảo tồn, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

 

KIM CHI

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek