Thứ Hai, 25/11/2024 22:44 CH
A Ma Liên duyên nợ với tiếng đàn, tiếng sáo
Thứ Năm, 12/07/2012 18:00 CH

Mặc dù đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng A Ma Liên, ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi (Sơn Hòa) vẫn say mê với tiếng đàn, tiếng sáo. Thanh âm đặc sắc của các nhạc cụ dân tộc thiểu số cứ như ngọn thác tuôn đổ trong tâm hồn người nghệ nhân Chăm H’roi này.

a-ma-lien120712.jpg

A Ma Liên với cây đàn Goong - Ảnh: L.KHA

Sinh ra dưới chân núi Hòn Lục, bên con sông Cà Lúi, từ nhỏ, văn nghệ đã thấm vào máu của A Ma Liên. Vì say mê các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số, nên ông lặn lội sang các buôn khác “tầm sư học đạo”. 18 tuổi, ông theo học đàn Goong, đàn T’Rưng của ông Ma Veng ở buôn Ma Lúa và học sáo Đing Guih, Đing Klôt của ông Ma Bam ở buôn Ma Thìn. Sau 7 năm, vốn âm nhạc của A Ma Liên dày lên, ông bắt đầu tham gia Đội văn công huyện Miền Tây. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Đội văn công huyện Miền Tây của A Ma Liên không chỉ phục vụ cho nhân dân, bộ đội ở địa phương mà còn đi lưu diễn khắp các vùng chiến khu V. Những lần đi lưu diễn, A Ma Liên đều mang theo các nhạc cụ của dân tộc mình như mang theo món quà quý giá và tinh túy nhất mà cuộc đời ban cho ông để so tài với các đội bạn. A Ma Liên luôn đạt giải cao tại các hội diễn này.

Ông nói về các nhạc cụ dân tộc thiểu số với một sự sành sỏi, say mê: “Đàn Goong có 12 dây, phát âm từ trái bầu khô gắn với thân đàn, đàn này hòa âm cùng với nhạc cụ cồng, chiêng. Đàn T’Rưng vật liệu bằng những ống lồ ô, hòa tấu với chiêng a ráp cho các nam nữ thanh niên nối vòng xoang khi có lễ hội lớn trong buôn làng. Sáo Đing Guih và sáo Đing Klôt làm bằng cây trúc. Sáo Đing Guih dùng để đệm theo tiếng hát giao duyên, đối đáp của nam, nữ muốn thành chồng, thành vợ, còn sáo Đing Klôt dùng để thổi ru con ngủ khi mẹ vắng nhà. Đây là những nhạc cụ mang đậm bản sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số, nên tôi rất tự hào, đi đâu cũng muốn khoe với mọi người”.

Mí Lung, ở xã Suối Trai (Sơn Hòa), nghệ nhân múa xoang, từng có quãng thời gian công tác chung với A Ma Liên, cho biết: “A Ma Liên có một bộ sưu tập các loại nhạc cụ của người đồng bào dân tộc thiểu số. Gặp ai, ông ấy cũng khoe, cũng tự hào, giống như một báu vật mà suốt cuộc đời ông ấy nâng niu, gìn giữ”. Còn ông Ma Nguyệt, ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa thổ lộ: “Tôi rất thích nghe nghệ nhân A Ma Liên chơi các nhạc cụ dân tộc. Ông chơi đàn Goong, thổi sáo Đing Guih nghe ưng cái bụng, vui cái tai lắm. Ai đã từng một lần được thưởng thức A Ma Liên chơi đàn và thổi sáo khó mà quên”.

Mặc dù đã bước sang tuổi 76, nhưng mỗi khi trong buôn có chuyện vui hay có lễ hội, A Ma Liên lại mang đàn Goong, sáo Đing Guih ra phục vụ bà con. “Tôi không bao giờ quên những âm thanh đàn T’Rưng, sáo Đing Klôt. Vắng chúng, tôi buồn. Nhiều lần, tôi vận động con em trong buôn làng học đàn, thổi sáo nhưng giới trẻ không gắn bó được lâu, chúng thích nhạc hiện đại hơn. Chỉ có hai con tôi là Nay Y Blất và Nay Y Minh theo học rất chăm”, A Ma Liên bộc bạch.

Ông KPắ Vương, Phó chủ tịch UBND xã Cà Lúi chia sẻ: “Hiện nay trong xã có 6/7 thôn, buôn còn lưu giữ cồng, chiêng với hơn 100 nghệ nhân là thanh niên biết hòa tấu nhạc cụ này. Còn đàn Goong, sáo Đing Klôt duy chỉ có A Ma Liên còn gìn giữ và biết sử dụng. Những nhạc cụ này dễ bị thất truyền, vì vậy chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm quan tâm để bảo lưu, gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo này của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên”.

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek