“Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Bên ấy có người ngày mai đi xa...”. Lời ca sao mà trong trẻo! Và bằng sự trong trẻo vương nỗi buồn chia xa, bài hát Hương thầm thiết tha đi vào lòng người yêu nhạc, làm người ta nhớ hoài cái tên Phan Thị Thanh Nhàn - người đã viết những câu thơ - lời ca tinh tế, thể hiện một cách ý nhị tình yêu e ấp.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. - Ảnh: NAM PHƯƠNG
Từ rất lâu, tôi đã thích Hương thầm. Nhưng gặp và trò chuyện với tác giả Hương thầm thì mới đây thôi. Đúng là người sao thì thơ vậy! Phan Thị Thanh Nhàn - tác giả những bài thơ tình nhẹ nhàng đằm thắm và đầy nữ tính - cung cách cũng rất nhẹ nhàng, giản dị như những vần thơ bà đã viết ra.
Dù đi đến đâu cũng được nhận ra, được yêu mến, dù các đồng nghiệp trẻ vẫn gọi đùa là hot girl thời chống Mỹ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chưa bao giờ thích sự nổi tiếng cùng những lời ca tụng. Bà như hoa bưởi trong thơ và trong đời thực, lặng lẽ, tinh khiết trên những dặm dài gió bụi cuộc đời, lặng lẽ tỏa hương…
CHỈ LÀM THƠ… THẤT TÌNH
* Lần đầu tiên gặp tác giả Hương thầm, nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên vì trông bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Đâu là bí quyết, thưa bà?
- (Cười) Tôi cố gắng sống vui vẻ, xóa nỗi buồn và giữ lại niềm vui. Tôi bằng lòng với cuộc sống của mình và không nghĩ đến những cái xa xôi. Tôi đi xe máy và thấy như thế là được rồi, không cần phải mơ có ô tô. Tôi có một đứa con gái và nghĩ rằng không cần phải có con trai. Ví dụ thế. Cứ mong muốn những điều mình không có thì sẽ rất khổ, đúng không?
* Mỗi khi nhắc đến cái tên Phan Thị Thanh Nhàn, người ta lại nghĩ ngay đến bài thơ Hương thầm, dù sau khi bài thơ đó ra đời đến nay, bà có vô vàn sáng tác thơ, xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có những bài thơ rất hay. Với một người cần bút, có một tác phẩm để đời là niềm hạnh phúc. Nhưng cái bóng của Hương thầm quá lớn và nó đã che phủ những tác phẩm khác, che phủ những nỗi niềm, trăn trở mà bà gởi gắm vào thơ sau này. Có bao giờ bà thấy… chạnh lòng vì điều đó?
- Trong cuộc đời sáng tác của tôi có rất nhiều chuyện vui, ví dụ bài thơ Làm anh được đưa vào sách giáo khoa, rất nhiều học sinh thuộc, trẻ con trong nhà tôi cũng thuộc, mỗi lần gặp nhau là các cháu đọc, rất vui. Nhưng em tôi bảo, trong TP Hồ Chí Minh, khi đưa bài thơ vào đĩa, người ta ghi là của Trần Đăng Khoa. Tôi cười, bảo cũng chả sao, vì tôi nhớ nhà thơ Tế Hanh từng nói: Người ta có thể nhớ thơ mà không cần phải nhớ tên nhà thơ. Hay như bài thơ Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn viết về chị Võ Thị Sáu, trong chương trình “Chơi chữ” của Đài Truyền hình Hà Nội, nhà đài lại bảo đó là bài thơ của… Tố Hữu.
* Sự nhầm lần đó minh chứng một điều: Cái tên Phan Thị Thanh Nhàn đã được “đóng đinh” bằng những bài thơ tình nhẹ nhàng đằm thắm, đầy nữ tính.
- Tôi vẫn nói đùa là tôi chỉ làm thơ thất tình. Bởi vì thường những lúc buồn buồn thì mình mới cầm bút diễn đạt cảm xúc, còn khi vui ít làm thơ lắm.
“Thơ hay là gì? Thơ hay là thơ được nhiều người yêu mến và thuộc. Mình viết tâm trạng của mình nhưng rồi “gặp” được tâm trạng của rất nhiều người”. (Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn) Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn quê ở Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, bà đã có thơ đăng báo. Năm 1969, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Không chỉ làm thơ, Phan Thị Thanh Nhàn còn viết báo, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi. Các tác phẩm chính của bà: Tháng giêng hai (thơ, 1969), Hương thầm (thơ, 1973), Chân dung người chiến thắng (thơ, 1977), Bông hoa không tặng (thơ, 1987), Nghiêng về anh (thơ, 1992), Xóm đê ngày ấy (truyện thiếu nhi, 1977), Tuổi trăng rằm (truyện thiếu nhi, 1982), Bỏ trốn (truyện thiếu nhi, 1995)…
NGẠI LÀM NGƯỜI NỔI TIẾNG
* Người ta nói rằng nỗi buồn khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tạo hơn là niềm vui. Và nếu như Puskin không thất tình, có lẽ ông ấy sẽ không để lại cho đời những bài thơ tình bất hủ. Thế nhưng trong đời thường, nếu phải lựa chọn giữa một bên là nỗi buồn cùng những bài thơ hay, một bên là niềm vui trong cuộc sống viên mãn, bà sẽ chọn bên nào?
- Cuộc sống gia đình là quan trong nhất. Có một người chồng, những đứa con, đứa cháu thì sẽ vui vẻ hơn, đúng không? Tôi rất thích cuộc sống của một phụ nữ bình thường, còn những bài thơ hay, sự nổi tiếng là phần phụ của cuộc đời, không phải phần chính. Nếu đổi được, tôi sẽ đổi một cuộc sống bình thường.
* Trong khi đó thì rất nhiều người khát khao sự nổi tiếng.
- Tôi nghĩ phần đông phụ nữ vẫn muốn có một cuộc sống bình thường, không phải ai cũng thích làm lãnh đạo, thích làm người nổi tiếng, được mọi người biết đến.
Có một số cây bút trẻ, đi đến đâu cũng thích người ta biết đến mình và làm mọi cách để mình nổi bật giữa đám đông. Nhưng tôi thì không. Đến đâu tôi cũng chỉ mong người ta không biết tôi là ai.
* Khi đã có nhiều trải nghiệm, có lẽ họ sẽ không còn quá hứng thú với sự nổi tiếng và những hư danh.
- Không, tôi nghĩ đấy thuộc về tính cánh. Tính cách thế nào thì sau này vẫn thế. Từ nhỏ tôi đã rất lặng lẽ, rất ngại nổi bật trước đám đông. Giờ đi đến đâu, nghe người ta giới thiệu tác giả Hương thầm là tôi thấy ngại.
* Một nhà thơ nữ với những tác phẩm nhẹ nhàng đằm thắm như Hương thầm, Con đường, Trời và đất, Cây lộc vừng bên hồ Gươm… sẽ có cảm xúc gì khi đọc những bài thơ rất bạo liệt, đầy khát khao nhục cảm của một số cây bút trẻ?
- Tôi nghĩ thơ cũng như hoa, có rất nhiều loại. Chỉ riêng hoa cỏ thôi, đi trên đường thấy chỗ này hoa vàng, chỗ kia hoa tím. Đấy là những bông hoa nhỏ bé và lặng lẽ. Rồi có những loài hoa rực rỡ, lộng lẫy hơn. Tôi nghĩ thơ cũng như hoa, mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp riêng, không nên phủ nhận cái nào. Bởi vì con người rất nhiều tính cách, đúng không? Có người thích thơ sâu lắng, tinh tế, nhẹ nhàng, có người rất thích thơ nồng nàn, bạo liệt. Và tôi nghĩ mình chấp nhận sự khác biệt đó. Thơ có nhiều giọng điệu, nhiều cách biểu hiện thì càng phong phú, quan trọng là nói lên được khao khát thật sự của nhà thơ.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn giao lưu với ca sĩ Thanh Vân (đoàn Sao Biển) – người hát “Hương thầm” trong một buổi giao lưu. - Ảnh: XUÂN THỦY
HƯƠNG THẦM VÀ HAI LẦN PHỔ NHẠC
* Trở lại với bài thơ Hương thầm, có khi nào bà nghĩ rằng nếu không được âm nhạc chắp cánh thì sức lan tỏa của Hương thầm sẽ không được như bây giờ?
- Tôi có nghĩ thế. Tháng 3/2007, tôi được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đến tháng 5, tôi đưa bà chị cả vào TP Hồ Chí Minh chơi. Người đầu tiên tôi tìm gặp là nhạc sĩ Vũ Hoàng, để cảm ơn ông đã phổ nhạc bài thơ Hương thầm. Nhờ có âm nhạc mà bài thơ của tôi được rất nhiều người biết tới. Tôi đi đến đâu cũng có người hát bài đấy, thấy rất vui. Hôm nọ ở Phú Yên, bạn thấy đấy, đến đâu cũng có người hát bài Hương thầm. Trước đó, tôi đến thăm một trường chuyên ở Cao Bằng cùng các bạn ở trại viết của Hội Nhà văn Việt Nam, các em học sinh cũng hát bài đó. Rồi các em xin chữ ký. Tôi rất ngại. Mọi người ra ôtô hết rồi mà trong này các em vẫn xúm xít đòi tôi ký vào vở, vào sổ tay. Đông quá, chờ lâu, một em chìa vai áo, nói cô ký vào đây. Tôi cười, bảo cô ký vào đây, con về giặt thì nó trôi ngay ấy mà. Cô bé cười và nói rất nhanh, kiểu tếu tếu: Con về con sẽ thêu. Tôi rất vui khi thấy mọi người có vẻ yêu quý mình.
* Bà gặp nhạc sĩ Vũ Hoàng lần đầu tiên là khi nào?
- Ông phổ nhạc bài Hương thầm từ năm 1984. Tôi cũng vào Sài Gòn nhiều lần nhưng ngại nên chưa tìm ông. Đến năm 1992, khi làm Phó tổng biên tập Báo Người Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh họp cộng tác viên, tôi mới nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng mời nhạc sĩ Vũ Hoàng đến. Hôm đó, lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Vũ Hoàng. Ông mang theo băng nhạc có bài Hương thầm để tặng tôi và gởi cả tiền nhuận bút. Từ đấy tôi và ông có quan hệ thân thiết hơn. Tết vừa rồi đọc báo thấy tôi có bài Động Hoa Lư, ông bảo tôi chép rồi gửi cho ông qua email vì hình như quê ông cũng ở Ninh Bình nên nhạc sĩ thích bài thơ này của tôi. Tôi nói vui: “Con trai Ninh Bình rất thông minh, hào hoa và…đẹp nữa”, chẳng biết có đúng không?
Ông sinh năm 1956, tôi sinh năm 1943 nên ông gọi tôi bằng chị, xưng em. Có lần ông nói chị gởi cho em mấy bài thơ. Tôi đọc mấy bài ngăn ngắn, ông đăng ngay sau tết, gởi nhuận bút rất chu đáo. Mỗi khi tôi vào TP Hồ Chí Minh hoặc Vũ Hoàng ra Hà Nội, hai chị em lại đi uống nước, trò chuyện.
* Thơ và âm nhạc đã bắt nhịp cầu cho một nhà thơ và một nhạc sĩ ở hai miền Nam Bắc chưa từng biết nhau trước đó.
- Tôi rất trân trọng nhạc sĩ Vũ Hoàng. Trước đó, anh rể tôi là nhạc sĩ Thanh Phúc đã phổ nhạc bài Hương thầm từ năm 1975. Nhưng bài hát Hương thầm đó không được nhiều người biết như bài Hương thầm do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc sau này.
* Hương thầm của riêng bà và Hương thầm khi đã trở thành một phần của nhạc sĩ Vũ Hoàng gì khác nhau, thưa bà?
- Thực ra, tôi viết bài Hương thầm cho em trai tôi đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trước đó, tôi đã nhiều lần tiễn các chàng trai Hà Nội nhập ngũ. Nhiều lần đi làm về nhà chồng ở phố Khâm Thiên, tôi gặp những đoàn tàu đưa bộ đội vào Nam. Trên tàu, những gương mặt tân binh đều rất trẻ. Các em vẫy tay chào mọi người ở bên dưới, và mọi người cũng vẫy tay chào. Nhiều người khóc. Yêu nước, ai cũng muốn vào Nam chiến đấu. Em tôi đi, tôi viết bài thơ này cho em. Bài thơ có cái gì đó rất trong trẻo và nói vui là rất cách mạng.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng chia sẻ rằng, khá lâu sau khi đất nước thống nhất, vợ ông đi Mỹ, ông ở lại Sài Gòn. Hôm chia tay vợ ở sân bay, ông vớ được tờ báo có bài Hương thầm. Sau đó ông phổ nhạc luôn. Có thể vì điều đó mà bài Hương thầm sâu lắng, buồn buồn một chút.
* Xin cảm ơn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn!
PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)