Thời gian qua, Thư viện Hải Phú đã có nhiều hoạt động đưa sách về cơ sở, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân ở vùng nông thôn tiếp cận với các nguồn thông tin. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Giám đốc Thư viện Hải Phú Phạm Thị Kim Anh về vấn đề này.
* Bà có thể cho biết, những hoạt động đưa sách về cơ sở của Thư viện Hải Phú trong thời gian qua?
Giám đốc Thư viện Hải Phú Phạm Thị Kim Anh- Ảnh: H.MY
- Từ năm 1991, Thư viện Hải Phú đã thành lập kho sách lưu động nhằm luân chuyển sách về các điểm đọc sách trên địa bàn tỉnh. Năm 2003, thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay Thư viện Hải Phú đã nâng số bản sách kho lưu động lên hơn 21.000 bản với nhiều nội dung phong phú đáp ứng được nhu cầu người đọc tại các điểm luân chuyển.
Ngoài ra, việc mở các điểm đọc sách mới cũng được Thư viện Hải Phú và các thư viện cơ sở chú trọng đầu tư, tác động tích cực đối với người dân nông thôn trong việc thụ hưởng văn hóa, giúp họ có thể tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức khoa học kỹ thuật, dễ dàng ứng dụng vào sản xuất. Qua đó, bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin, thúc đẩy văn hóa đọc đối với người dân nông thôn.
* Khi đưa sách về cơ sở, Thư viện Hải Phú gặp những khó khăn gì, thưa bà?
- Hai yếu tố tác động không nhỏ đến việc luân chuyển sách về cơ sở, đó là con người và phương tiện. Ngoài ra, những khó khăn về kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất tại cơ sở đã làm hạn chế tác dụng của các điểm đọc sách. Thực tế, hoạt động của các thư viện tuyến xã gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí hoạt động hầu như không có, nhân sự làm việc thường kiêm nhiệm không có phụ cấp, nguồn sách bổ sung phụ thuộc nhiều vào nguồn sách luân chuyển từ Thư viện Hải Phú.
Sau khi UBND tỉnh ra Quyết định số 28/2003/QĐ-UB - ngày 9/1/2003 về việc ban hành Quy chế hoạt động xã hội hóa công tác thư viện trên địa bàn tỉnh, đến nay các mô hình hoạt động tách biệt, quá nhiều đầu mối như: Bưu điện văn hóa xã, Tủ sách pháp luật, phòng đọc sách các xã… người dân không còn đến nơi này để đọc sách; cộng thêm trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hóa đọc của người dân, nhất là giới trẻ đang dần phai nhạt.
Để tháo gỡ những vấn đề trên rất cần sự chung sức của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Hiện nay Thư viện Hải Phú phải cố gắng tìm mọi biện pháp để duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của những thư viện, phòng đọc sách hiện có nhằm tập trung phục vụ đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ Thư viện Hải Phú kiểm kê các đầu sách để đưa về cơ sở- Ảnh: H.MY
* Trong thời gian tới, Thư viện Hải Phú có những hoạt động hay mô hình gì để việc đưa sách về cơ sở đạt hiệu quả, thu hút bạn đọc?
- Tăng cường công tác xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của Thư viện Hải Phú trong năm 2012. Ngoài việc thường xuyên luân chuyển tài liệu về các cơ sở theo tần suất như đã cam kết, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ xây dựng 2 điểm đọc sách tại thôn Hà Rai và thôn Xí Thoại thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, 1 điểm đọc sách tại Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa và thành lập Thư viện xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa.
Thông qua Ngày Hội đọc sách năm nay, Thư viện Hải Phú đã nhận được hơn 1.000 bản sách và tạp chí từ các tổ chức, cá nhân gửi tặng. Thư viện đã phân bổ và có kế hoạch chuyển số tài liệu này cùng với tài liệu của kho lưu động có tại thư viện đến các điểm đọc sách. Hy vọng rằng, trong bối cảnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như hiện nay, việc Thư viện Hải Phú tăng cường, mở rộng các điểm đọc sách và luân chuyển tài liệu về cơ sở sẽ giúp người dân cập nhật kiến thức, áp dụng vào đời sống góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
* Xin cảm ơn bà!
HÀ MY (thực hiện)