Nằm cách trung tâm TP Pleiku 6km về hướng bắc, Biển Hồ - “đôi mắt Pleiku” - có diện tích khu vực 460ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 240ha và có độ sâu trung bình khoảng 15m.
Có khá đông khách du lịch đến Biển Hồ chụp hình, ngắm cảnh - Ảnh: T.Q
Truyền thuyết kể rằng, Biển Hồ trước đây mang tên một ngôi làng cổ - Tơ Nưng. Làng Tơ Nưng rộng lớn và trù phú, dân làng sống yên vui hòa thuận. Một hôm, núi lửa phun trào, dung nham lấp làng Tơ Nưng. Những người sống sót khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi. Nước mắt chảy thành suối đổ về làng mà thành hồ.
Đối diện với Biển Hồ theo trục Bắc Nam khoảng chục cây số là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ đối xứng nhau. Điều trùng hợp là diện tích của Hàm Rồng và Biển Hồ tương đương nhau, hình dáng cũng tương tự. Nhiều người đồ rằng đây là cuộc tạo hóa kỳ thú giống như cặp Linga (núi Hàm Rồng) - Yoni (Biển Hồ) vậy. Trước đây có rất nhiều huyền thoại bí ẩn về Biển Hồ. Người ta đồn rằng Biển Hồ không có đáy, nó thông ra biển Đông!
Theo các nhà chuyên môn, Biển Hồ được hình thành bởi 3 túi trũng từ các dãy núi xung quanh. Hai túi lớn thông nhau qua một eo khá rộng và có độ sâu tương tự nhau là 16m. Túi trũng còn lại có độ sâu khoảng 12m. Tháng 11/1988, Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Biển Hồ luôn trong xanh, vừa là thắng cảnh vừa là nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng. Thắng cảnh này đã đi vào thơ, vào nhạc. Tiếc là gần đây, Biển Hồ không được đầu tư, tôn tạo nên nguồn nước ô nhiễm. Khách đến Biển Hồ chỉ loay hoay chụp vài kiểu ảnh rồi về.
QUỲNH MAI