Thứ Ba, 15/10/2024 23:23 CH
Phạm Minh Quốc:
Đằng sau những con chữ
Thứ Ba, 03/07/2012 14:00 CH

Đọc những truyện ngắn của Phạm Minh Quốc trong tập truyện Cầu giải yếm, nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết tác giả đang làm việc tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị. Nhưng với Phạm Minh Quốc, điều này cũng... bình thường thôi, vì anh học ngành Ngữ văn (Đại học Khoa học Huế). Cây bút sinh năm 1972 này viết truyện giản dị nhưng cũng chao chát, và đầy ắp tình người.

Pham-Minh-Quoc120703.jpg

Tác giả Phạm Minh Quốc - Ảnh: N.PHƯƠNG

* Dân văn thường mơ mộng. Anh đã mơ mộng và bắt đầu viết văn từ khi nào?

- Tôi viết truyện ngắn đầu tiên từ lâu lắm rồi, khi là sinh viên năm thứ hai. Đó là truyện ngắn đơn giản về một cô học trò nghèo thi đậu vào trường trung học Hai Bà Trưng ở Huế, ao ước được đến trường với chiếc áo dài trắng nhưng rồi mẹ bị tai nạn nên việc học bị gián đoạn. Truyện được đăng trên tạp chí Tuổi Hồng. Sau đó tôi viết tản văn, làm thơ, có vài bài thơ được đăng trên Hoa Học Trò, Tuổi Xanh...; nhiều cô bé gởi thư về.

Ra trường, tôi có một thời gian làm việc ở Vĩnh Linh. Tôi viết rất “tài tử”, độ một, hai ngày là xong. Tôi gởi cho tạp chí Cửa Việt nhưng không được đăng, gởi báo Quảng Trị cũng thế. Sau đó tôi đánh liều gởi cho Báo Tiền Phong, được đăng. Rồi tôi gởi liền ba, bốn truyện khác, báo đăng hết. Đến truyện ngắn thứ tư, tôi được giải cuộc thi Tác phẩm Tuổi xanh do Báo Tiền Phong tổ chức năm 1998. Truyện đó tôi viết tưng tửng, ảnh hưởng một số nhà văn sau này, và ký tên... em gái tôi - giáo viên ở một trường tiểu học.

* Nói đến Quảng Trị, nhiều người nghĩ ngay đến cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm ở Thành cổ; từng tấc đất, ngọn cỏ thấm máu của biết bao thanh niên ưu tú. Làm thế nào để một người sinh ra trong chiến tranh song lớn lên trong thời bình như anh có thể khai thác đề tài chiến tranh và làm lay động trái tim người đọc?

- Tôi viết về chiến tranh từ những câu chuyện do mẹ tôi kể lại. Chuyện của gia đình tôi cũng có thể làm chất liệu cho truyện ngắn. Ba tôi tập kết ra Bắc, mẹ bị địch o ép nên đã vượt tuyến ra Bắc. Ba, bốn năm sau, hai vợ chồng mới gặp nhau. Gia đình tôi cũng giống như những gia đình ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, bị chia cắt bởi chiến tranh. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó mình sẽ viết về đề tài này, khai thác sâu về thân phận con người. Tất nhiên, nói như bác Cuông (nhà văn Đỗ Kim Cuông - PV), mình không thể viết theo lối cũ. Trước hết cách thể hiện phải mới. Và đó là những trang viết thể hiện sự chiêm nghiệm của một người lớn lên sau chiến tranh.

Trong tập truyện ngắn Cầu giải yếm có truyện Người lái đò ở bến Nà Hang, nhiều người từng ở “phía bên kia” thích. Nhân vật chính là một người đàn ông tập kết ra Bắc; vợ con ông chết khi bom đánh sập địa đạo. Chiến tranh kết thúc, ông trở về quê hương và được nể trọng nhưng sống trong cô đơn, vì những người thân yêu không còn. Một lần, ông tình cờ gặp một đám trẻ đang vây quanh đứa bé chừng 7, 8 tuổi. Bọn trẻ trói thằng bé vào cột. Khi thấy ông, bọn nhỏ tản ra hết. Ông đến, định hỏi thăm, an ủi đứa bé. Khi đứa bé ngẩng mặt lên, ông thấy như có một luồng điện chạy qua người. Thằng bé sao giống con mình quá đỗi! Ông hỏi vì sao các bạn trói con, thằng bé trả lời: Chúng nó bảo cháu là giặc, cần phải trừng trị.

Hóa ra thằng bé tên Hà này và Chiều, chị nó, là con của viên quận trưởng. Gia đình di tản, bị cướp xe và bị giết chết, chỉ còn hai chị em sống sót lần tìm về quê. Xuất phát từ tình cảm của một người cha mất con, người đàn ông cưu mang hai đứa trẻ con viên quận trưởng, bất chấp những lời dị nghị. Chiều học xong lớp 12, ông động viên cô bé thi vào đại học. Chờ mãi không thấy hồi âm từ nhà trường, ông lên tận thành phố tìm hiểu và sửng sốt khi biết Chiều thi đậu với số điểm cao nhưng bị gạch tên vì khai giảng đã lâu mà vẫn không đến nhập học. Hóa ra tay trưởng thôn đã không để cho giấy báo đến tay Chiều, với lập luận: Làm gì có chuyện con cán bộ, đảng viên còng lưng ngoài đồng, con giặc thì chễnh chệ ngồi ở giảng đường đại học? Tay trưởng thôn còn bảo ông: Bom đạn ở chiến trường không chết, giờ đừng chết vì gái đẹp và lũ tư bản thối tha.

Không muốn liên lụy đến cha nuôi, Chiều gom góp chút tư trang còn lại, đưa em trai vượt biên. Hà chết giữa biển khơi. Sau nhiều năm, Chiều từ nước ngoài trở về, qua bến đò và gặp người lái đò là cha nuôi năm nào. Truyện kết bằng hình ảnh hai cha con đưa tấm hình cu Hà lên bàn thờ, thờ chung với những đứa con của ông.

Một người bạn tôi làm việc ở Báo Quảng Trị nói rằng: Đọc truyện ngắn này của mày, tao đã khóc.

* Học văn, viết văn và làm Phó trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, có vẻ như việc viết lách mang lại nhiều thuận lợi cho công việc của anh?

- Làm công việc này, dù không giỏi nhưng mình phải biết, phải hiểu để khi nói chuyện, anh em văn nghệ sĩ, báo chí không... coi thường. Người ta trân trọng mình không phải vì công việc của mình mà vì tác phẩm. Đó là thuận lợi rất lớn. Khi hai bên có tiếng nói chung, không khí làm việc rất thoải mái, có sự tin cậy lẫn nhau.

* Xin cảm ơn anh!

NAM PHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều ca khúc ấn tượng
Chủ Nhật, 01/07/2012 15:00 CH
“Cơn sốt” Carly Rae Jepsen
Chủ Nhật, 01/07/2012 10:15 SA
Nhà thờ gỗ Kon Tum
Chủ Nhật, 01/07/2012 08:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek