Thứ Tư, 16/10/2024 01:23 SA
Nhà thơ Phan Hoàng:
Làm thơ nhiều, xóa bỏ cũng nhiều…
Chủ Nhật, 01/07/2012 18:00 CH

Nhắc đến Phan Hoàng, những người yêu thơ nhớ đến Tượng tình, Hộp đen báo bão…, dân làm báo nhớ các tập sách Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn người Sài Gòn, Phỏng vấn người Hà Nội, còn bạn bè thì nhớ giọng nói nhẹ nhàng, nhớ nụ cười và đôi mắt đa tình.

Phan Hoàng thừa nhận anh là người nhiều tình cảm, dễ rung động trước cái đẹp. Dường như đó là “đặc tính” của những người làm thơ. Cũng lạ, Phan Hoàng làm báo đã nhiều năm, có mấy tác phẩm xuất bản, sau đó tái bản nhiều lần, vậy mà người ta vẫn gọi anh là nhà thơ chứ không phải là nhà báo!

Phan-Hoang-moi120701.jpg

Nhà thơ Phan Hoàng - Ảnh: M.NGUYỆT

* Đi rất nhiều nơi từ Nam chí Bắc và cũng đã đặt chân đến quần đảo Trường Sa, giờ trở về sáng tác tại quê nhà, cảm giác của anh thế nào?

- Mỗi lần từ Sài Gòn về Phú Yên, khi xe đến đèo Cả, nhìn thấy ngọn Đá Bia, lòng tôi dâng lên cảm xúc rất khó tả. Những khi đi máy bay, đến địa phận Tuy Hòa, máy bay lượn một vòng ra biển, tôi nhìn ruộng đồng, sông núi, trong lòng lại dâng lên niềm xúc động và nguồn hứng khởi không thể nào tả được. Tôi nghĩ rằng quê hương trong mỗi con người không chỉ thiêng liêng mà còn gần gũi, thiết thân. Đó là máu thịt. Người cầm bút nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung, nếu hoàn toàn xa rời quê hương thì tôi cho rằng sẽ khó có những tác phẩm đi vào lòng công chúng lâu dài.

* Nếu tính số lượng sách của anh đã xuất bản cũng như số lượng sách tái bản, có vẻ báo đã lấn át thơ. Phải chăng Phan Hoàng viết báo bằng “tay phải” còn làm thơ bằng “tay trái”?

- Tôi bắt đầu nghiệp cầm bút bằng những bài thơ. Hầu hết các bạn văn đều khởi đầu nghiệp cầm bút bằng thơ, sau đó viết truyện rồi đi làm báo. May mắn là trong thời gian làm biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi phụ trách chuyên mục Mỗi kỳ một nhân vật, có dịp tiếp xúc với rất nhiều nhân vật độc đáo của lịch sử nên có điều kiện ra những tập sách. Chính vì vậy tưởng chừng báo lấn át thơ, thực chất tôi làm thơ rất nhiều. Nhưng làm thơ khó hơn viết báo, vì đòi hỏi sự chắt lọc. Tôi làm thơ rất nhiều, tự xóa cũng rất nhiều, vì vậy gần 10 năm rồi tôi không có tập thơ nào. Năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với nhà thơ Nguyễn Quyến, hai người bạn thân ở Hà Nội vô Sài Gòn, hỏi tôi tại sao không chịu in thơ. Hai anh lấy bản thảo của tôi về, sau đó in tập thơ Chất vấn thói quen. Tết vừa rồi tôi ra Hà Nội dự Liên hoan Thơ quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, các anh tổ chức một buổi ra mắt thơ ở Hà Nội. Và tôi may mắn trở thành người xông đất văn học Thủ đô vào năm Nhâm Thìn 2012.

* Anh có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương Phú Yên, về miền Trung. Anh cũng tích cực tham gia quỹ Tình thơ để tiếp sức cho những cây bút gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Anh còn ấp ủ dự định nào dành cho những người bạn viết cùng quê?

- Những gì tôi làm được cho đến bây giờ cũng hết sức nhỏ nhoi. Chung quanh chúng ta có bao nhiêu người làm được những việc lớn, giúp ích cho xã hội, còn với một người làm thơ viết báo như tôi, những đóng góp đó chưa đáng kể. Tuy nhiên, bằng tấm lòng chân thành của mình, tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương. Thậm chí, đôi lúc quá chân thành, tôi lại mang tiếng là hơi… “địa phương chủ nghĩa”.

Cách đây vài năm, tôi về quê, vận động làm con đường dẫn vào chùa Long Tường ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Con đường khi đó rất chông chênh. Khi được thầy Thích Giác Thanh trụ trì chùa Long Tường đặt vấn đề, tôi nhất trí góp tay vào, dù lúc đó chẳng biết sẽ vận động như thế nào để có một, hai tỉ bạc. Sau khi phát động, rất may mắn là chúng tôi đạt được kết quả như ý.

Tôi tin rằng anh em văn nghệ sĩ, báo chí ở Phú Yên ai cũng có tấm lòng, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người mà họ góp sức. Và tôi hết sức tự hào mỗi khi nhìn thấy một người Phú Yên xuất hiện trên văn đàn hay thành công trên các lĩnh vực khác.

* Nhà thơ thường “mang tiếng” đa tình. Riêng anh thì sao?

- Tôi cũng vậy thôi, cũng đa tình, có nghĩa là người nhiều tình cảm. Người ta cứ hiểu một chiều rằng đa tình là nhiều tình cảm với… phụ nữ. Đó chỉ là một cách hiểu. Từ lãng mạn cũng vậy, thường bị hiểu sai đi. Lãng mạn có nghĩa là vượt lên trên, bay bổng. Giữa cuộc sống này mà không ước mơ, không bay bổng thì chúng ta có khi bị nghẹt thở. (Cười).

* Xin cảm ơn nhà thơ Phan Hoàng!

“Khi trình làng một tập thơ, một tập truyện, một bức tranh... cũng là trình làng một đứa con tinh thần của mình. Tôi nghĩ có cảm hứng thì mới trình làng, cảm nhận bạn đọc chia sẻ với mình thì mới trình làng. Còn không thì chúng ta vẫn để đấy, chiêm nghiệm cái đẹp trong văn bản, trong tác phẩm của mình còn dang dở”.

(Nhà thơ Phan Hoàng)

NAM PHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek